18/10/2012 06:09 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vừa chứng tỏ rằng ông tới vòng hai của cuộc tranh luận trực tiếp với ứng viên Tổng thống phe Cộng hòa Mitt Romney trong tình trạng sẵn sàng tấn công trước.
Obama, người đã thừa nhận rằng bản thân "quá lịch sự" trong cuộc đấu khẩu đầu tiên với Mitt Romney, đã làm hết sức để không lặp lại điều này tại màn tranh luận thứ hai, vừa diễn ra trong đêm 16/10 (17/10 giờ VN).
Tấn công liên tục
Chiến lược của Obama cho đêm tranh luận này khá rõ ràng: hạ thấp uy tín và con người của Romney thông qua việc tô vẽ ông này như một kẻ nói dối trên các vấn đề thuế và phá thai.
Obama đã mô tả Romney như công cụ của các doanh nghiệp dầu khí lớn, người có quan điểm mềm mỏng về Trung Quốc, cứng rắn trên vấn đề nhập cư, ngu dốt về mặt chính trị trên vấn đề Syria và có tính 2 mặt trong các vấn đề kiểm soát súng và năng lượng.
Ông đã sử dụng rất nhiều luận điểm công kích đã không được sử dụng trong màn đấu khẩu đầu tiên ở Denver. Ông chất vấn lịch sử kinh doanh của Romney, thuế thu nhập cá nhân của ông và trong những phút cuối của cuộc chiến đã nêu lại những bình luận của Romney về 47% người Mỹ "ăn bám Chính phủ". "Thống đốc Romney không có một kế hoạch 5 điểm nào cả" - Obama chỉ trích gay gắt - "Ông ấy chỉ có kế hoạch 1 điểm, là giúp những người nghèo".
Obama tiếp tục công kích Romney khi cho biết rằng ông này từng đóng cửa một nhà máy than khi còn làm Thống đốc Massachusetts. “Giờ đột nhiên ông lại là người bảo vệ quyết liệt than đá" - Obama mỉa mai. Ông nói rằng Romney là "người cuối cùng muốn dùng biện pháp cứng rắn với Trung Quốc".
Tổng thống Barack Obama (phải) và đối thủ Mitt Romney chỉ trích nhau một cách “nhiệt tình” trên sân khấu |
Romney cố gắng phản công
Romney cũng không phải tay vừa, đã vẽ Obama như một vị Tổng thống thất bại, đã ngồi trên hàng ngàn tỷ đô la nợ nần, khiến hàng triệu người Mỹ không có việc làm.
Romney cũng chỉ trích Obama vì không đảm bảo an ninh cho người Mỹ ở Libya, chẳng làm gì để cải thiện các chương trình lao động và bỏ rơi tầng lớp trung lưu, những người "bị đè nát dưới các chính sách của một Tổng thống không hiểu nổi phải làm gì để nền kinh tế hoạt động trở lại".
Quên cả lịch sự
Song sự phản công của Romney không lấn át được sự trở lại "hoành tráng" của Obama. New York Times nói rằng trong những ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận tay đôi thứ hai, Obama đã ở lỳ tại một khu resort cao cấp tại Virginia cùng các cố vấn để tập luyện một phương thức tranh luận mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Và trong ngày 16/10, màn trình diễn của Obama cho thấy có lúc ông thậm chí đã không còn đếm xỉa tới vị thế Tổng thống của mình.
Trong lúc tranh luận, Obama liên tục ngắt lời, gắt gỏng, lắc đầu. Ông đã nói chen vào ngay cả khi Romney đang phát biểu, khiến đối thủ phải làm điều tương tự để "giành lại diễn đàn". Có lúc Obama đứng gần như mặt đối mặt, ngực chạm ngực với Romney trên sân khấu, giống như họ là hai con gà chọi trong vòng đấu vậy.
Obama thường xuyên đưa ra các câu hỏi cho Romney. Theo sau mỗi câu hỏi này là một sự chỉ trích. Ông cũng liên tục phủ nhận quan điểm của đối thủ: "Điều Thống đốc Romney nói không đúng sự thực"; "Không đúng đâu, Thống đốc Romney, chẳng đúng tẹo nào"; "Những gì ông đang nói đơn giản là không đúng".
Dự báo cuộc đấu tay đôi cuối cùng giữa 2 người trong ngày 22/10 tới đây sẽ nảy lửa không kém.
Khi chưa tới lượt mình, Obama ngồi trên ghế và nhìn Romney nói, thay vì nhìn chằm chằm xuống giấy và ghi chú như lần đầu. Trong nỗ lực lấy lại các điểm đã mất, Obama đã vượt quá giới hạn thời gian dành riêng cho mỗi đối thủ và thậm chí đã phản ứng khi người dẫn chương trình Candy Crowley của CNN cố gắng nhắc ông về khung thời gian. Tuy nhiên tổng kết cuối cuộc tranh luận cho thấy Obama đã nói tổng cộng 44 phút 4 giây, so với 40 phút và 50 giây của Romney.
Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào
Mặc dù có vẻ lấn lướt Romney, Obama lại né tránh một số câu hỏi nhạy cảm, có thể là nằm ngoài kịch bản. Ông không trả lời trực tiếp câu hỏi của một cử tri về vai trò của Chính phủ trong việc hạ giá xăng. Thay vì thế, ông có một bài phát biểu về vấn đề năng lượng. Ông cũng không trả lời trực tiếp câu hỏi của một cử tri khác rằng ai đã từ chối việc tăng cường thêm an ninh cho các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya, dẫn tới việc người biểu tình tấn công tòa lãnh sự và làm viên đại sứ thiệt mạng. Với câu hỏi này, Obama chỉ nói: "Tôi nhận hoàn toàn trách nhiệm cho những gì diễn ra ở đó".
Ông cũng không đưa ra một chương trình nghị sự rõ ràng cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, trong khi liên tục nói rằng việc bầu cho đối thủ sẽ khiến nước Mỹ đi trở lại các chính sách sai lầm trong quá khứ.
Theo giới phân tích, trong cuộc tranh luận lần 2 này, Obama cần ít nhất một tỷ số hòa để dập tắt những chỉ trích liên quan tới màn đấu khẩu đầu tiên. Tuy nhiên rủi ro nằm ở chỗ tranh luận gay gắt quá mức có thể khiến ông sẽ không có được các cử tri đang dao động mà bản thân hết sức thèm muốn.
New York Times và một số tờ báo Mỹ đã tổng kết màn đấu khẩu thứ 2 này bằng đánh giá rằng Obama có thể đã ghi được một số điểm, nhưng ông vẫn chưa thể hiện được rằng mình trội hơn hẳn so với đối thủ và dự báo cuộc đấu tay đôi cuối cùng giữa 2 người trong ngày 22/10 tới đây sẽ nảy lửa không kém.
Tường Linh(Theo New York Times)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất