29/03/2020 06:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org)- Bản hợp đồng lịch sử của HAGL đầu những năm 2000 mang tên Kiatisuk Senamuang không chỉ giúp bầu Đức đưa thương hiệu mình sáng lập lên tầm cao mới. Nó còn giúp ngôi sao số 1 của bóng xứ Chùa Vàng khẳng định đẳng cấp của mình lên tầm cỡ mới.
Kiatisuk Senamuang với bản lý lịch quá hoành tráng nhưng chấp nhận đến HAGL, CLB khi đó đang chơi ở giải hạng Nhất Việt Nam chỉ đơn giản bởi nhiệt huyết cùng núi tiền của ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Chủ tịch CLB HAGL đã thực hiện bước đột phá mà ông từng thừa nhận “để đời” nâng tầm thương hiệu của mình, là niềm tự hào của bóng đá Gia Lai nói riêng và cả Việt Nam nói chung khi đó.
Sự có mặt của “Zico Thái” khiến giới truyền thông nước nhà “sôi sùng sục”. Kiatisuk khi đó đang là ngôi sao số 1 bóng đá Đông Nam Á với hàng loạt thành tích vang dội cho bóng đá Thái Lan. Khi Kiatisuk đến Pleiku và tập luyện ở Hàm Rồng, người dân phố Núi đã rạo rực từng ngày để đến sân xem cầu thủ này tập luyện và những trận đấu của HAGL năm đó thực sự là ngày hội khi CĐV Gia Lai từ nhiều huyện trong tỉnh đã đổ về sân Pleiku mua vé, trực tiếp xem thần tượng thi đấu.
Cảnh tượng các CĐV chen lấn mua vé vào sân xem Kiatisuk chơi bóng ở giải hạng Nhất, khi đó sân Pleiku phải thi đấu lúc 15h00 chiều nắng chói chang, nhưng không ngăn nổi những CĐV đam mê bóng đá.
Người viết cũng may mắn được chứng kiến khoảnh khắc này, tương tự ngày Kiatisak chia tay HAGL với tư cách cầu thủ năm 2006, khi đó sân Pleiku “hot” đến nỗi bán sạch vé trước giờ bóng lăn.
Với Kiatisuk, bầu Đức đã chứng minh nước đi quá khôn ngoan của mình khi đưa về siêu sao Thái Lan. Và mức lương hơn 100 triệu đồng/tháng cho Kiatisak khi đó dẫu cao nhất làng bóng đá Đông Nam Á nhưng cũng không bõ bèn gì về thành quả thu được. Kiatisak chơi hay tới nỗi biến V-League thành “show” diễn của riêng mình. Những tài năng sáng giá nhất của bóng đá Việt Nam sau này như Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng… khi đó cũng chỉ là ánh đèn mờ khi đặt cạnh “Zico Thái”.
HAGL đương nhiên lên hạng nhờ đẳng cấp siêu hạng của tiền đạo người Thái Lan năm 2003. Thậm chí ngay lập tức, “Zico Thái” đưa đội bóng phố Núi thống trị V-League hai mùa giải 2003 và 2004. Một thực tế khiến CĐV Gia Lai nức lòng. Và tài năng của Kiatisak thậm chí còn mở ra trào lưu đưa hàng loạt tuyển thủ QG Thái Lan đến Việt Nam chơi bóng.
Như Tawan Sripan, Dusit Chalermsan, Chukiat, Pipat, Issawa, Thonglao… Thời điểm đó, V-League là mảnh đất màu mỡ của cầu thủ xứ Chùa Vàng để duy trì phong độ đỉnh cao, vừa nhận mức lương lớn.
Lịch sử chỉ xoay chiều khoảng những năm 2010, khi người Thái quyết tâm làm lại nền bóng đá để tiến lên các bậc thang cao hơn, Thai-League mới vượt mặt V-League và không còn cảnh cầu thủ Thái sang Việt Nam chơi bóng.
Trở lại với Kiatisuk, người từng được người Gia Lai tôn sùng là “ông hoàng” với đầy đủ mọi danh hiệu quốc nội đem về cho HAGL, không có thế lực nào ở Hàm Rồng có thể đối đầu với “Zico Thái”. Từ khi là cầu thủ đến lúc cầm sa bàn dẫn dắt HAGL, Kiatisuk mang quyền lực chỉ sau bầu Đức.
Sự cố ở HAGL nổi tiếng nhất mà nhiều người biết đến sau này là trường hợp của Lee Nguyễn năm 2009. Cầu thủ được bầu Đức đưa về từ Hà Lan đã bị bán đi sau đúng một mùa giải bởi va chạm với HLV Kiatisuk. Phải đến năm 2011, sau thất bại ở chung kết Cúp QG với SLNA, Kiatisuk quyết định rời phố Núi để trở về với bóng đá Thái Lan theo lời mời của FAT, vương triều của “Zico Thái” tại Pleiku mới chấm dứt. Và sự ra đi này cũng là tin buồn cho nhiều CĐV Gia Lai lẫn nhiều người yêu mến tiền đạo tài hoa bậc nhất khu vực.
Nhưng vốn dĩ cuộc đời của những con người sinh ra với phẩm cách tài năng thì luôn toả sáng ở bất cứ môi trường nào. Sự nghiệp HLV ở HAGL có thể không thành công với Kiatisuk, một phần bởi CLB của bầu Đức không có nhiều bước tiến trong thời điểm V-League thay đổi mạnh mẽ, nó cũng giúp “Zico Thái” vỡ ra nhiều điều cho bản thân.
Trở về Thái Lan năm 2013, Kiatisuk được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội U23 Thái Lan và đến tháng 6 cùng năm, ông được giữ luôn vai trò HLV trưởng ĐTQG. Kiatisuk mau chóng khẳng định tài năng để giúp U23 Thái Lan vô địch SEA Games 27 trên đất Myanmar.
Sau đó, ông tiếp tục dẫn dắt đội tuyển U23 Thái Lan lọt vàn bán kết ASIAD 2014. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông dẫn dắt ĐTQG Thái giành hai chức vô địch AFF Cup 2014 và AFF Cup 2016. Thái Lan cũng khiến cả khu vực bất ngờ khi có vé đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018.
Dù xếp cuối bảng với vỏn vẹn 1 điểm, chỉ ghi được 3 bàn thắng và bị thủng lưới 19 bàn và sau đó bị sa thải năm 2017, nhưng thực tế đã chứng minh bóng đá Thái Lan đến hiện tại cũng không có HLV nào đạt thành tích tốt như Kiatisuk.
Cuộc phiêu lưu của Kiatisuk sau đó tiếp diễn với CLB Port FC nhưng không mấy thành công. Kiatisuk đang lui về hậu trường và vẫn giữ công việc liên quan đến đam mê. Tháng 3 vừa qua, tin vui đã đến cho Kiatisuk Senamuang khi HLV 47 tuổi được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tôn vinh là Huyền thoại bóng đá Đông Nam Á.
Với 130 trận khoác áo ĐTQG và ghi được 65 bàn thắng (con số chính thức của FIFA) và hai thành tích này đều là kỉ lục quốc gia của bóng đá Thái Lan, Kiatisuk xứng đáng được ghi nhận. Và nhắc tới cựu cầu thủ sinh năm 1973 này, chắc hẳn bóng đá Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam đều thán phục tài ba kiệt xuất của tiền đạo lẫy lừng này.
Bóng đá Việt Nam cũng may mắn được chứng kiến những bàn thắng được tạo ra từ đôi chân đầy mê hoặc của “Zico Thái”. Sẽ không nhiều cầu thủ mang lại được cảm xúc trên sân cỏ Việt như huyền thoại người Thái Lan, đặc biệt thuở V-League còn chập chững mang trên mình chiếc áo chuyên nghiệp.
Bầu Đức, HAGL đã biến Kiatisuk từ lâu thành “huyền thoại” ở phố Núi lẫn bóng đá Việt Nam một thời và ngược lại. Nói thế có lẽ cũng không ngoa cho người vừa được AFC công nhận trong sự ủng hộ của tuyệt đại đa số người xem bóng đá khu vực.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất