12/04/2018 10:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - “Thiếu gia” cỡ Than Quảng Ninh, đôi tháng nay gần như không có lương thưởng, đội bóng chỉ nhận vài đồng trợ cấp “sống cầm hơi”. Quỹ chuyển nhượng cầu thủ từ một đôi năm trước vẫn chưa giải ngân xong. Một số trụ cột “bỏ của chạy lấy người”, tìm chân trời mới, vừa có thể tự giải thoát lại thoả được chí tang bồng trai trẻ.
Ở S.Khánh Hoà BVN, cầu thủ đắt nhất cũng chi vài trăm triệu đồng tiền “lót tay” (tức phí ký hợp đồng), nhưng phải trả thành nhiều đợt, như một kiểu cho vay góp. Đội bóng phố Biển vì thế chưa từng dám mơ cao, dù không phải họ không có cơ hội tranh chấp huy chương.
Tân binh Nam Định chân ướt chân ráo lên V-League, phải huy động “lệnh tổng động viên” tất cả vì tiền tuyến, vì đội bóng quê hương. Mỗi Mạnh Thường Quân - doanh nghiệp, cá nhân nhận một phần trách nhiệm. Ông tài trợ áo đấu, người chịu trách nhiệm chi trả lương và phí chuyển nhượng cho 2 ngoại binh. “Năng nhặt chặt bị”, sống qua ngày, khi đội bóng chưa tìm được nhà tài trợ chính thức và vẫn còn loay hoay tìm lối đi.
Hải Phòng có khá hơn, với ngân sách thành phố duyệt cho 20 tỷ đồng/5 mùa giải, lại mới kiếm được nhà tài trợ Asanzo. Nhưng cơ bản, họ cũng như người láng giềng Than Quảng Ninh và SLNA, không đủ tiềm lực và tham vọng để giữ chân ngôi sao. Kết thúc mùa giải 2017, các đội bóng kể trên chảy máu nhiều nhân tài. Ở Hải Phòng, người ta thậm chí không có nhu cầu làm bóng đá trẻ, hòng tạo tính kế thừa, xuyên suốt. Cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Ngọc Thịnh (đã cập bến TP.HCM) là sản phẩm ưu tú cuối cùng của bóng đá trẻ Hải Phòng. Tương lai gần, nếu Trung tâm đào tạo được trả về cho Sở VH-TT, thì không biết chừng đội 1 cũng giải tán luôn.
Tình hình lương bổng, chế độ ở phố núi Hàm Rồng, với HAGL thậm chí còn hẻo hơn. Lương loại 1 là 15 triệu đồng/tháng và các cầu thủ trẻ như Xuân Trường, Công Phượng..., cũng như lứa đàn em, sẽ phải phục vụ cho đội bóng chủ quản đến năm 28 tuổi, theo hợp đồng.
V-League còn thế, huống hồ gì hạng Nhất, hạng Nhì, heo hắt như đèn trước gió, với những khó khăn về tài chính. Các đội bóng vẫn hoạt động với cơ chế cũ như thời bao cấp kiểu Huế, Đồng Tháp hay Tây Ninh, Đắk Lắk.., có lẽ chỉ cố duy trì một cái tên. Chuyên nghiệp nửa vời thời bóng đá kim tiền lên ngôi như Long An, cũng đầy những scandal về lương thưởng, chế độ và nợ xấu..., trong quá khứ và cả hiện tại, chưa nói hay được.
Dài dòng như thế để thấy rằng, việc vực dậy nền bóng đá cũng như hệ thống các giải đấu, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng chưa có hồi kết, là cực kỳ khó khăn. Vậy mà, những người làm bóng đã thay vì mỗi người một tay, một chân vun vào, lại mải đấu đá mấy chiếc ghế. Nếu những chiếc ghế ấy có thể giúp chủ của chúng trở nên giàu có, mà để nền bóng đá thiếu thốn, là mang tội. Đừng vội nghĩ sau thành công bước đầu của bóng đá trẻ Việt Nam mấy năm qua, là nền bóng đá sẽ phất lên. Đó là chuyện riêng của các lò đào tạo tư nhân như HAGL, VPF, Hà Nội. Bóng đá Việt Nam, nếu có một cái nhìn chuẩn mực ở đủ cấp độ hệ thống, vẫn chỉ là người khổng lồ chân đất sét.
Thực tế, không phải không có phương pháp hay kiến giải, để bóng đá chuyên nghiệp dần có thể tự nuôi sống cơ thể mình, sau những đầu tư ban đầu mà thời kỳ quá độ của nó dài hay ngắn, còn tuỳ thuộc vào chủ trương và cách làm. Như Hà Nội FC, HAGL hay CLB TP.HCM đã và đang làm, thực sự là những mô hình kiểu mẫu. Đừng làm hình ảnh bóng đá Việt Nam, vốn đã xấu và đầy điều tiếng, thêm xấu hơn trong mắt nhà đầu tư - tài trợ. Bóng đá ngốn tiền kinh lắm. Song song với đó, đội bóng cũng phải thuộc về một cộng đồng người hâm mộ, bóng đá phải phục vụ khán giả và ngược lại, mới hy vọng sự sống kéo dài, thậm chí là phồn thịnh.
Ước mơ về một thứ bóng đá tử tế, vẫn còn ở đâu đó xa lắm, trước khi chúng ta gầy dựng được một nền bóng đá tự cường.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất