Câu chuyện cuối tuần: Bayern Munich mạnh đến đâu?

08/10/2011 06:15 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH Cuối tuần) - Người Bayern mong rằng đội bóng của họ sẽ có mặt trong trận chung kết Champions League và tháng 5/2012 trên sân Allianz Arena. Mơ ước này được cổ vũ mạnh mẽ bởi thắng lợi 2-0 trước Manchester City. Nhưng liền sau đấy là trận hòa 0-0 mang tính nhắc nhở ở Hoffenheim. Vậy thì, thật ra Bayern mạnh đến đâu?

Bixente Lizarazu là hậu vệ người Pháp. Một cầu thủ hiếm hoi: Anh thành công với đội tuyển quốc gia Pháp (vô địch cả thế giới lẫn châu Âu), cũng rất thành công khi thi đấu cho CLB Bayern (vô địch Champions League, Cup Liên lục địa, 6 lần vô địch Bundesliga, 7 lần đoạt Cup quốc gia), và được thừa nhận là một trong những hậu vệ trái hay nhất thế giới. Hiện nay anh là đồng sở hữu một CLB hạng nhất Pháp, là bình luận viên bóng đá đài TF1 trong các trận đấu của đội tuyển Pháp và các trận đấu ở Champions League, kèm theo chương trình đặc biệt của riêng anh mang tên “Telefoot”. Cho đến nay, Lizarazu vẫn coi Bayern là cái may lớn trong đời, và thẳng thắn nhận xét: “Bayern ư? Đứng dưới Man United một chút. Nhưng so với Barca và Real Madrid thì còn một khoảng cách khá dài”. Cơ hội của Bayern ở Champions League năm nay? Không phải là không có, nhưng phải dựa trên một phút sa sút, hay một sự bất lực tức thời nào đó của những CLB Tây Ban Nha.


Bayern đặt ra mục tiêu thành công lớn ở mùa giải này - Ảnh Getty

Một dự báo trong bóng đá bao giờ cũng khó khăn, nhưng có thể tìm xem Bayern năm nay có những gì khác với Bayern năm trước. Cái khác đó cho ta thấy quyết tâm rất lớn của Bayern trong mùa giải năm nay, cũng như chỉ ra những khả năng, những niềm hy vọng.

Hàng tấn công tạo ra những trận thắng, hàng thủ mang về danh hiệu vô địch

Nếu nhìn vào sự tăng cường lực lượng năm nay, bạn sẽ thấy Bayern trước hết dành mọi nỗ lực để gia tăng sự vững chắc của tuyến phòng ngự. Họ mua về Manuel Neuer, Jerome Boateng và Rafinha. Họ không cho Hoffenheim mượn David Alaba nữa. Điều này tạo ra rất nhiều biến thể trong đội hình.

Boateng có thể chơi trung vệ và hậu vệ phải. Trong đó trung vệ là vị trí chính, có sự thống nhất với ông Joachim Löw khi hy vọng rằng Boeteng kịp trở thành trụ cột cho tuyển Đức ở vị trí này tại EURO 2012. Boeteng chỉ chơi hậu vệ phải trong hai trường hơp: Giảm gánh nặng cho Rafinha và nếu đối thủ có cầu thủ tấn công mạnh về đánh đầu ở khu vưc phòng ngự bên phải của Bayern. Hai trung vệ khác là Daniel Van Buyten và Holger Bastuber, với một chút tiếc nuối cho Breno gặp tai nạn trên đường quay trở lại. Philipp Lahm được trả về bên trái, có vẻ hăng hái và tươi tắn hơn, dù anh chơi bên phải cũng thành công. Dự bị cho Lahm ở đây có thể là Diego Contento và cả Alaba. Như thế, khác mùa giải trước, Bayern bây giờ có một thủ môn khả dĩ nối bước Oliver Kahn và một tuyến phòng ngự vừa có đẳng cấp, vừa có chiều sâu. Hơn nữa, vấn đề không chỉ nằm ở đội hình, mà còn ở bản thân từng cầu thủ.

Neuer chưa có dịp thể hiện nhiều. Khán giả nhớ đến sai lầm của anh trong bàn thua duy nhất trước Mönchengladbach, sự điềm tĩnh vững chãi trong những phút đầu trận gặp Manchester City hay vài pha bay lượn cứu nguy ở Hoffenheim, nhưng các cầu thủ Bayern thì cảm thấy rất rõ sự hiện diện của Neuer trong từng phút ra sân. Lahm nói rằng, có Neuer đứng trong khung thành, ai cũng cảm thấy tự tin và an toàn hơn gấp bội, và đến nay, Neuer có tiếng nói đầy trọng lượng trong cả đội bóng. Ba cầu thủ  mang đẳng cấp lãnh đạo của Bayern hiện nay là Lahm, Bastian Schweinsteiger và Neuer. Có ngẫu nhiên không, nếu thấy họ là chủ lực trong thế trận phòng ngự? Lại nhớ đến triết lý của Heynckes: “Hàng tấn công tạo ra những trận thắng. Hàng phòng ngự đem về danh hiệu vô địch”. Chỉ một bàn thua trong trận đầu tiên, ké tiếp là 11 trận không thủng lưới, đã đủ cho khát vọng chưa?


Huấn luyện viên Jupp Heynckes (trái) luôn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ
Ban lãnh đạo Bayern, đặc biệt là Chủ tịch Uli Hoeness - Ảnh Getty

Năm nay, có vẻ như Franck Ribery trở lại tuổi thanh xuân của mình. Là chính anh, khi được trọng dụng trở lại và sức khỏe đảm bảo, nhưng phải kể đến cả sự có mặt của Lahm bên cánh trái. Cái tứ giác Lahm - Schweisteiger - Toni Kroos - Ribery, hội đủ cả tốc độ, uy lực, kỹ thuật, khát khao và càng ngày càng ăn ý, đã thực sự trở thành nỗi uy hiếp cho mọi khung thành. Hơn nữa, trong sự phối hợp chung ấy, mỗi cầu thủ đều trưởng thành, đều vượt lên.

Lizarazu cũng có mối lo không nhỏ ở đội bóng cũ của mình. Anh nhắc nhở: Đừng có phụ thuộc quá nhiều vào Ribery và Arjen Robben, vì hai cầu thủ này có một đặc điểm chung là rất dễ bị chấn thương. Trận hòa Hoffenhem 0-0 cho ta thấy sự lo lắng ấy là có thực. Hết hệp một, Ribery ra sân vì sợ bị cứng cơ, Robben vào thay sau thời gian chấn thương. Cả hai đều thi đấu mờ nhạt. Bayern mất những đầu cầu đột phá để có thể đánh tan trận địa đối phương. Mùa bóng còn rất dài, nếu lúc nào đó Bayern mất đồng thời hai dũng tướng thì sao? Đấy là chuyện của hàng tiền vệ: Thomas Müller đá phải - tốt, Kroos chơi ở giữa - ổn, nhưng bên trái thì là ai? Alaba ư? Hay Contento? Hoặc giả Daniel Pranjic? Chắc chính bạn cũng đã cảm thấy âu lo.

Hóa ra, không bị thủng lưới vẫn chưa đủ cho một chiến thắng. Ấy là chưa kể rồi chắc chắn cũng có ngày Bayern sẽ bị thủng lưới. Vẫn là câu chuyện về sự cân bằng công thủ mà hiện nay Heynckes đang xây dựng cho đội Bayern của ông.

Những con người đều như đã khác

Sức mạnh của Bayern hiện nay nằm trong bầu không khí chung của toàn đội. Những năm gần đây chỉ có Ottmar Hitzfeld là huấn luyện viên khiến Bayern không phải than phiền hay nuối tiếc. Cái phút chia tay trên sân cỏ ngày ấy là một trong những thời điểm đẹp nhất, xúc động nhất trong lịch sử Bayern, khi Hitzfeld nhận hoa từ tay Uli Hoeness, nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt biến dạng hẳn đi vì cảm xúc. Felix Magath thành công nhưng luôn làm mọi người lo lắng, Louis Van Gaal đã từng lập kỳ tích nhưng lại quá cá nhân, còn Juergen Klinsmann thì quả thật là một thất bại. Năm nay Bayern có Heynckes, một người “thực sự Bayern”, như đã kiểm chứng qua một số thử nghiệm.

Huấn luyện một đội bóng mà chỉ tài năng thôi thì không đủ. Mỗi huấn luyện viên đều có phong cách, phương pháp và bản sắc riêng, nhưng tiêu chí quan trọng chung là khả năng hiểu cầu thủ và biết dùng cầu thủ. Heynckes tự nhận rằng, hôm nay ông đã từng trải hơn để đem lại cho cầu thủ sức thuyết phục, đủ để cầu thủ không chỉ tự giác mà còn sáng tạo thực hiện những nhiệm vụ được ông giao phó. Heynckes có ba nơi làm việc chính: Sân cỏ - nơi ông thực hành huấn luyện, giảng đường - nơi ông đứng thuyết giảng trước một màn hình có diện tích 4 m2, phân tích các vấn đề lý thuyết hay các tình huống trong trận đấu, và văn phòng của huấn luyện viên, nơi Heynckes tiến hành thường xuyên và hàng loạt các cuôc trao đổi riêng tư với từng cầu thủ. Heynckes phân tích rất kỹ lưỡng, chỉ riêng hành động phòng ngự của Luiz Gustavo và Schweinsteiger đã cần đến 20 phút. Nhưng Heynckes nói chuyện với Boeteng khi điều anh sang đá hậu vệ phải còn kỹ lưỡng hơn. Chả hiểu thầy nói với trò thế nào, mà sau đó Boeteng tuyên bố: “Thế này thì O.K. Bảo làm gì cũng được”.

Năm nay Van Buyten và Kroos có sự tiến bộ thấy rõ. Bí quyết nào đây? Heyncks giải thích đơn giản: Điều quan trọng nhất là làm cho cầu thủ hiểu rằng tôi tin các cậu ấy. Hiểu được lòng tin ấy, cầu thủ ra sân sẽ thể hiện được hết tài năng và bản lĩnh của mình. Riêng Kroos, đã từ lâu nổi tiếng là một tài năng, nhưng mãi bây giờ mới dần dần chín theo kiểu ngôi sao. Khi Kroos chưa có chỗ ở Bayern và phải trôi dạt về Leverkusen, chính Heynckes đã sử dụng anh rất thành công ở hàng tiền vệ trong đội hình tấn công, đưa anh ra khỏi trạng thái âu lo, mất bình tĩnh. Trên đội tuyển, bất ngờ Löw sử dụng Kroos ở vị trí tiền vệ phòng ngự bên cạnh Schweinsteiger. Kết quả là chúng ta có một Kroos nửa số 6, nửa số 10 rất đắc dụng như hiện nay, với thiên hướng số 10 ngày càng rõ nét.

Heynskes phát huy được khả năng của mình cũng nhờ ông làm việc trong cấu trúc của CLB Bayern, nơi vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của huấn luyện viên rất rõ ràng và được tôn trọng. Heynckes tin cầu thủ cũng liên quan đến chuyện Hoeness tin ông! Chúng ta vẫn nhớ Hoeness là một nhân vật tài ba, quyền biến và rất độc đáo trong làng bóng đá Đức. Nhưng Hoeness rất tôn trọng kỷ cương và người cùng làm việc với mình. Khi còn làm Giám đốc điều hành, Hoeness luôn ngồi cạnh huấn luyện viên trong khu kỹ thuật. Bây giờ là Chủ tịch CLB, ông không bao giờ xuống sân hay vào cabin (phòng thay đồ của đội bóng nữa). Trận lượt đi vòng play-off Champions League năm nay, Bayern gặp Zurich (Thụy Sĩ) và có hiệp một thiếu thuyết phục. Trong giờ nghỉ, Hoeness hầm hầm chạy từ trên khán đài xuống cabin, và trông thấy Heynckes đang dặn dò cầu thủ. Hoeness dịu ngay lại, rồi trước khi quay ra chỉ nói với trợ lý huấn luyện viên Hermann Gerland ở phòng ngoài: Cẩn thận không bị loại đấy! Ông Chủ tịch đã kìm nén lại, để không trực tiếp ảnh hưởng đến huấn luyện viên và cầu thủ. Đấy là lý do vì sao Heynckes biết rằng ông được ban lãnh đạo Bayern tuyệt đối tin tưởng. Do đó, ông có hai việc phải làm: Đền đáp lại sự tin tưởng của Ban lãnh đạo, cộng với lòng tin tưởng gửi vào cầu thủ, với niềm tin cầu thủ sẽ cũng đền đáp cho mình. Bayern bây giờ đang xây dựng lòng tin, như cơ sở quan trọng của sức mạnh.


 Manuel Neuer mang đến sự yên tâm lớn cho hàng thủ của Bayern - Ảnh Getty

Có một lần, sau 7 trận thắng liên tiếp, Heynckes đứng trên bục quen thuộc ở giảng đường và quay xuống nói với học trò: “Các bạn nhớ lời tôi nói không, nếu mỗi chúng ta đều hết lòng vì nhau, thì chúng ta không thể bị đánh bại”. Cái cảm giác yên bình tự tại ấy, trong bóng đá cũng dễ bị lay động. Như sau trận hòa tại Hoffenheim, nhiều nhà báo muốn khơi sự kiện “Robben 3 trận liền không ra sân trong đội hình chính” để thêu dệt nên một câu chuyên có hơi hướng bất hòa. Có người hỏi Hoeness: “Vì sao Robben không được ra sân từ đầu?”. Ông Chủ tịch trả lời: “Thứ nhất - đây không phải câu hỏi dành cho tôi, mà là cho huấn luyện viên. Thứ hai - đây là một câu hỏi của một phóng viên chẳng hiểu gì cả!”. Liệu Bayern có luôn đủ sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, thị phi về niềm tin và hòa khí trong đội bóng hay không, cái thử thách luôn có thể xuất hiện sau mỗi trận đấu, nhất là khi không thể thắng?

Truyền thống của một câu lạc bộ

Ở nước Đức, Bayern là một CLB bóng đá đặc biệt, vì nó có thể chia rẽ hay thống nhất cả một dân tộc. Chia rẽ, khi đá giải trong nước, có người mong Bayern thắng, có người lại thích Bayern thua. Mong thắng vì yêu thích, còn mong thua vì nếu Bayern cứ thắng mãi thì Bundesliga buồn quá. Hơn nữa, trong những thắng lợi của Bayern như có hơi hướng của đồng tiền, vì Bayern đủ sức và có thói quen mua hết mọi tài năng của đối thủ (Karl-Heinz Rummenigge đang dọa sẽ mua ngôi sao Mario Götze của Dortmund). Còn thống nhất thì dễ hiểu: Bayern là đại diện xứng đáng nhất, bền bỉ nhất cho cả nền bóng đá Đức.

Đâu là nơi nổi tiếng nhất ở München? Bạn đừng vội nói đó là Đại lộ Maximilian, vì còn có đường phố Säbener, kéo dài suốt từ số 51 đến số 57, chứa đựng 80.000 m2 của CLB Bayern, nơi trên từng ngọn cỏ, sau mỗi cánh cửa hiện nay đều nhắc nhở đến nhiệm vụ của mùa bóng 2011-2012: Bundesliga và Champions League. Ribery đánh cuộc với nhà báo: “Năm 2012 Bayern sẽ vô địch. Nếu đúng thế, thì nhà báo sẽ làm liên tục 100 lần động tác chống tay hít đất, ngay trên  phố Säbener. Bằng không, tôi sẽ mời nhà báo sang làm một cuộc phỏng vấn ở Pháp”. Có hai lưu ý quanh lời đặt cược này: một - là năm ngoái Ribery cũng đã đánh cược, nhưng thua mà vẫn còn đang khất nợ, và hai - trong lần đặt cược năm nay, anh không nói gì đến Champions League.


Franck Ribery chơi bùng nổ khi hoàn toàn khỏe mạnh và nhận được sự
hỗ trợ tốt từ Philipp Lahm - Ảnh Getty

Cách đây vài năm, Bayern mừng... đại - đại - đại lễ thượng thọ 110 tuổi. Nhân dịp này, người ta nhắc lại 16 điều trong “Mia san mia” (chúng ta là chúng ta), có thể xem như 16 quy tắc ứng xử của đội bóng, có giá trị như những lời tuyên thệ khi gia nhập đội ngũ Bayern. Ngay trong điều 1, dưới đề mục Câu lạc bộ, “Mia san mia” viết: “Nguồn gốc, sự ra đời và lịch sử của chúng ta nằm trong những ý tưởng chung của CLB. Cho tới hôm nay, chúng ta vẫn đang sống trong tinh thần của ý tưởng đó”. Đấy là một cái gì đó như một lý tưởng, để từ đó hình thành dần dần rồi sinh ra Bayern hôm nay, với cả cơ ngơi đất đai mà chúng ta đã nói tới.

Thông điệp của CLB được trình bầy ở điều 5: “Mỗi cầu thủ, mỗi HLV, mỗi nhà quản lý, cán bộ và nhân viên, với toàn bộ nhân cách của mình, đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh của CLB trước toàn thể đại chúng”. CLB ý thức được sứ mạng của bóng đá: “Trong và ngoài sân cỏ, chúng ta là tấm gương cho tuổi trẻ. Các VĐV tương lai định hướng theo những giá trị mà chúng ta đang sống“ (điều 3 - truyền thống). Bóng đá là vinh quang, trong đó rất nhiều vinh quang cá nhân, nhưng “không có cách ứng xử trong cuộc sống đồng đội thì chẳng bao giờ chúng ta có được đẳng cấp quốc tế như ngày hôm nay” (điều 9). Bóng đá là quyết tâm chiến thắng, nhưng không phải chỉ là chiến thắng: “Chúng ta vui sướng vì mỗi trận đấu, vì lao động, vì chiến thắng, vì thi đua... Nhưng chúng ta cũng biết chấp nhận thất bại” (điều 10, Niềm vui). Đấy chính là bản chất mã thượng của thể thao mà lâu lắm rồi hình như vắng thiếu.

Cầu thủ nhà nghề cần tiền bạc, nhưng thái độ đối với tiền bạc phải như thế nào? Câu trả lời nằm ở điều 15, dưới tiêu đề trách nhiệm “Chúng ta tiến hành đàm phán hợp đồng của chúng ta một cách lặng lẽ và đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng ta quan tâm đến con người một cách gương mẫu. Nghĩa vụ của chúng ta là lòng vị tha, sự sẵn sàng giúp đỡ và cư xử đẹp”. Tiền bạc không chỉ là quyền lợi, mà mang rõ dấu ấn trách nhiệm. Mà đấy là trách nhiệm trước những ai? “Riêng trong nước Đức, có hơn 12 triệu người hâm mộ gắn bó với Bayern. Hàng chục ngàn người luôn đi cùng chúng ta, tới từng trận đấu, dù xa xôi đến đâu. Tất cả cho 90 phút đầy quyết tâm và say đắm” (điều 11). Rồi từ đó, Bayern đi tới khái niệm quê hương, giống như nói về Tổ quốc trong điều 13: “Khắp nơi trên thế giới, FC Bayern đều cảm thấy như là nhà của mình. Nhưng chúng ta biết rõ, đâu là quê hương của chúng ta”. Một cách diễn đạt thật tài tình, vừa toàn cầu mà lại vừa máu thịt, Bóng đá bây giờ trở nên thiêng liêng.

Điều 16 kết thúc văn bản “Mia san mia” được gọi là gia đình, với lời kết: “Cả cuộc đời chúng ta mãi mãi bên nhau”. Không còn chỉ là bóng đá nữa. Bóng đá, CLB bóng đá chính là cuộc sống vươn tới cái thân yêu nhất mang ý nghĩa vĩnh hằng.

Có lẽ đây chính là truyền thống hun đúc qua nhiều thế hệ để tạo nên Bayern hôm nay. Có thăng trầm, có thắng thua, nhưng hình ảnh thì bền vững và linh hồn thì không bao giờ phai nhạt. Bayern, 113 tuổi. Còn tiêu chí năm nay? Nói như Heynckes, phải là vô địch quốc gia và vào đến bán kết Champions League. Rồi từ cái tối thiểu ấy vươn lên càng cao càng tốt. Đấy có lẽ là sức mạnh thật sự Bayern muốn có được và có thể có được tại thời điểm này.

Vũ Chí Anh

1.018 phút

Đó là quãng thời gian giữ sạch lưới liên tiếp của thủ môn Manuel Neuer trong màu áo Bayern tính trên mọi đấu trường. Trong lịch sử bóng đá châu Âu, chỉ có 2 thủ môn hơn anh, là Dany Verlinden (người Bỉ), giữ sạch lưới Brugge 1.390 phút từ tháng 3 đến tháng 9/1990, và Edwin van der Sar (người Hà Lan), không một lần thủng lưới trong 1.311 phút ở mùa 2008-2009. Kỷ lục thế giới hiện thuộc về thủ môn Matos Filho Mazaropi của Vasco da Gama, người đã trải qua 1.816 phút trắng lưới từ 1977 đến 1978.

Tính riêng trong ngôi nhà huyền thoại của Bayern, Neuer đã xô đổ kỷ lục giữ sạch lưới 1.011 phút của Oliver Kahn ở mùa giải 2002-2003 trên tất cả các mặt trận. Còn xét riêng ở Bundesliga, Neuer đang có 658 phút không để thủng lưới, vẫn còn kém thành tích 802 phút của Kahn ở mùa giải 2002-2003 và kém rất xa kỷ lục 884 phút do Timo Hildebrand lập nên trong màu áo Stuttgart ở mùa giải 2002-2003 và 2003-2004.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm