14/09/2021 05:00 GMT+7 | Bạn cần biết
(lienminhbng.org) - Trong bối cảnh thế giới vẫn xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và lượng vaccine vẫn còn thiếu ở nhiều quốc gia, việc tiêm kết hợp vaccine ngừa Covid-19 đang được xem là một giải pháp tối ưu giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Một số quốc gia đang từng bước cho phép tiêm mũi thứ hai bằng loại vaccine khác với mũi đầu tiên.
Tiêm kết hợp giúp đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Từ lâu, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng việc tiêm hai loại vaccine khác nhau có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, do vaccine kích thích các khu vực khác nhau của hệ thống miễn dịch hoặc "huấn luyện" nó nhận ra các phần khác nhau của mầm bệnh xâm nhập. Các nhà khoa học gọi đây là “tăng nguyên tố dị hợp”. Đây không phải là ý tưởng mới, các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm phương pháp này trong cuộc chiến chống lại một số bệnh khác, như dịch Ebola.
Giới chuyên gia cũng cho biết việc kết hợp vaccine COVID-19 không chỉ là sử dụng vaccine do hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau, do công nghệ bào chế vaccine khác nhau.
Vaccine của Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Đa số các loại vaccine COVID-19 còn lại được phát triển dựa trên công nghệ viral vector (như vaccine Sutnik V, vaccine của AstraZeneca hay Johnson&Johnson), có loại vaccine lại dựa trên protein.
Việc kết hợp các loại vaccine có công nghệ phát triển khác nhau có thể "kích hoạt" những khả năng khác nhau của hệ miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể tốt hơn và tăng khả năng chống lại các biến thể.
Theo một số chuyên gia y tế, việc kết hợp 2 loại vaccine “có thể trở thành một lá chắn tốt hơn” chống lại các biến thể virus đột biến. Ngoài ra, việc kết hợp hai loại vaccine cũng “mang lại sự linh hoạt cần thiết" khi nguồn cung cấp vaccine không đồng đều hoặc hạn chế.
Một số nhà khoa học khác thì cho rằng, việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau có thể là giải pháp tình thế trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine đang ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng ở nhiều nước.
Còn về lâu dài, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn trên những nhóm lớn (nhóm được tiêm vaccine phối hợp và nhóm được tiêm 1 loại vaccine) để tìm hiểu và đánh giá khả năng bảo vệ thực tế của mô hình tiêm kết hợp vaccine này.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia thận trọng khi quyết định tiêm kết hợp các vaccine COVID-19, vì chưa đủ dữ liệu khoa học.
Nhiều nước thực hiện việc tiêm kết hợp vaccine COVID-19
Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine vector virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau... Những quyết định tiêm kết hợp vaccine này được đưa ra sau khi những thử nghiệm thực tế tại các nước cho thấy, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào hay không có trường hợp nào mắc COVID-19 sau khi tiêm phòng các loại vaccine kết hợp, cũng như chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.
Đa số sự kết hợp được các nước áp dụng là: vaccine công nghệ mới mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna hoặc Astrazeneca kết hợp với vaccine công nghệ mới mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna. Giải thích về điều này, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết: "Sự kết hợp giữa vaccine AstraZeneca và vaccine khác như Pfizer-BioNTech hay Moderna ít nhất cũng bảo vệ cơ thể giống như việc tiêm hai mũi của cùng một loại vaccine và trong một số trường hợp còn tốt hơn. Điều này có nghĩa là sự kết hợp giữa tiêm 2 loại vaccine, chúng ta có một sự kết hợp bổ sung, mang lại sự bảo vệ rất cao cho cơ thể”.
Hiện Mỹ cho phép tiêm kết hợp giữa Pfizer-BioNTech với Moderna trong một số trường hợp đặc biệt, với khoảng cách giữa 2 liều tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày.
Các nước như Đức, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha, Italy cho phép kết hợp mũi 1 là vaccine AstraZeneca với mũi 2 là một loại vaccine COVID-19 khác; Hàn Quốc kết hợp mũi 1 của AstraZeneca với mũi 2 là Pfizer-BioNTech. Theo một nghiên cứu của Hàn Quốc vào tháng 7/2021 cho thấy việc tiêm kết hợp liều 1 AstraZeneca với một liều Pfizer-BioNTech giúp thúc đẩy mức kháng thể trung hòa virus lên gấp 6 lần so với chỉ tiêm 2 liều AstraZeneca.
Cuba thì cho phép tiêm mũi 1 là vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) với mũi 2 là vaccine nội địa Soberana Plus.
Argentina lại có sự kết hợp khác như: tiêm mũi 1 là vaccine Sputnik V của Nga, mũi 2 là vaccine của Moderna hoặc AstraZeneca.
Azerbaijan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Belarus thì lại kết hợp vaccine AstraZeneca và Sputnik V. Trong khi đó, Nga thì lại kết hợp thử nghiệm tiêm vaccine của AstraZeneca và Sputnik V, hoặc Sputnik V và các loại vaccine khác của Trung Quốc.
Tại Thái Lan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Opas Karnkawinpong ngày 11/9 cho biết, phác đồ chính hiện nay được Thái Lan áp dụng là vaccine Sinovac là mũi tiêm đầu tiên và vaccine AstraZeneca là mũi tiêm thứ hai. Theo ông Opas, lý do chính đằng sau sự thay đổi này, vốn có hiệu lực ngay lập tức, là để đẩy nhanh việc tiêm chủng.
Công thức AstraZeneca-AstraZeneca đòi hỏi thời gian chờ giữa các lần tiêm là 12 tuần, so với 4 tuần đối với công thức Sinovac-AstraZeneca. Ông Opas, do các nhà chức trách muốn tiêm chủng đầy đủ cho nhiều người càng sớm càng tốt để làm chậm sự lây lan của biến thể Delta, nên sự thay đổi đó là phù hợp. Về hiệu quả, ông Opas đảm bảo rằng cả hai phác đồ đều mang lại mức độ miễn dịch tương đương nhau.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore cũng đã quyết định, những người tiêm liều 1 bằng vaccine Pfizer-BioNTech hay Moderna có phản ứng dị ứng thì sẽ được tiêm vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất cho mũi tiêm tiếp theo. Tuy nhiên, những người này sẽ phải tiêm 2 liều vaccine Sinovac. Như vậy, những đối tượng này sẽ tiêm tổng cộng 3 liều vaccine và được chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.
Còn tại Việt Nam, để thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất). Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2. Theo đó, nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất