12/07/2020 09:40 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Sau 115 ngày điều trị, ngày 11/7, bệnh nhân 91 (phi công người Anh, 43 tuổi) đã xuất viện và trở lại bầu trời trên chính chiếc máy bay Boeing-787 mà mình từng cầm lái, để trở về với quê hương Anh quốc, kết thúc hành trình sinh - tử diệu kỳ của bệnh nhân này ở đất nước Việt Nam đong đầy tình người.
Bệnh nhân 91 trở về quê nhà với tình trạng sức khỏe tốt - điều mà gần 3 tháng trước ngay cả người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ tới. Lần cuối cùng, từ tận đáy lòng, anh nói lời cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam - những con người đã đưa anh từ cõi chết trở về để một lần nữa anh lại được đặt chân lên mảnh đất quê hương.
Kỳ 1: Ca bệnh COVID -19 “độc nhất, vô nhị”
Tính đến thời điểm ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 370 người mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong. Trong số 370 người mắc đã có 354 người được công bố khỏi bệnh, chỉ còn 15 người đang tiếp tục được điều trị. Trong số 370 ca bệnh ấy, có một ca bệnh đặc biệt mà có lẽ bất cứ ai ở Việt Nam dù không hề biết mặt, biết tên nhưng đều nhớ số hiệu của bệnh nhân này. Đó là bệnh nhân 91 với hành trình sinh - tử hy hữu nhất trên thế giới giữa đại dịch COVID-19.
* Hành trình sinh - tử
Bệnh nhân 91 trở về nước trên một chuyến bay thương mại. Đi cùng anh là 3 bác sỹ Việt Nam – những người nắm rõ tình hình sức khỏe của anh. Chắc hẳn, bệnh nhân 91 không thể ngờ rằng mình vẫn còn cơ hội hồi hương sau khi trở thành một trong những bệnh nhân nặng nhất của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đại dịch đã có hơn 12,6 triệu người mắc bệnh và gần 562 nghìn người đã tử vong.
Ngày 18/3, trở thành dấu mốc không thể nào quên trong đời của bệnh nhân 91 khi mẫu xét nghiệm phết dịch họng của anh được thông báo dương tính với virút SARS-CoV-2. Trước khi được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, bệnh nhân 91 từng lui tới quán bar Buddha – nơi khởi phát ổ dịch COVID-19 lớn nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay. Ngỡ cũng sẽ được xuất viện sau khoảng 2-3 tuần điều trị như bao bệnh nhân COVID-19 bình thường khác nhưng không ngờ, bắt đầu từ đây anh bước vào chuỗi ngày đen tối nhất của cuộc đời. Và hành trình sinh - tử của bệnh nhân 91 đã trở thành một câu chuyện như trong cổ tích với sự nỗ lực phi thường của chính bản thân anh cùng với đội ngũ, y bác sỹ Việt Nam.
Trong ký ức của điều dưỡng Huỳnh Kim Huệ (Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh), bệnh nhân 91 là một trong những bệnh nhân “khó chiều” nhất. Chị kể: “Những ngày đầu, bệnh nhân 91 tỏ ra rất khó chịu khi chúng tôi yêu cầu phết họng, phết mũi để lấy mẫu xét nghiệm. Anh ta còn từ chối tất cả đồ ăn thức uống mà chúng tôi cung cấp, không chịu ăn uống và luôn miệng than nóng dù ở trong phòng cách ly áp lực âm rất lạnh”.
Trong khi đó, bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Khoa Nhiễm D, cũng không thể quên được bệnh nhân đặc biệt này bởi những diễn tiến kỳ lạ trong suốt quá trình điều trị. Đó là những lần bệnh nhân không thể cầm máu khi mở khí quản, là những lần tràn khí màng phổi bất ngờ, những lần âm tính – dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đảo chiều liên tục…
Rồi quá trình sinh - tử của bệnh nhân 91 cứ lập đi lập lại với đồ thị hình sin, lên xuống thất thường. Đó là vào ngày 25/3, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu trở nặng phải thở ô xy qua mặt nạ. Cứ thế, phổi bệnh nhân càng ngày càng xấu và phải thở máy, được sử dụng thuốc an thần để rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đến ngày 6/4, bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), bệnh nặng nhanh do “cơn bão” cytokine – cơ thể phản ứng quá mức với vi rút sản sinh ra chất cytokine tấn công mạnh vào phổi gây tổn thương phổi rất nặng nề. Ngày 11/4 lần đầu tiên bệnh nhân âm tính với virút SARS-CoV-2 nhưng ngay sau đó lại dương tính trở lại với vi rút này, kèm theo đó là tình trạng suy thận, phải lọc máu liên tục. Đỉnh điểm là ngày 12/5, kết quả CT-Scanner cho thấy, toàn bộ 2 lá phổi của bệnh nhân bị xơ hóa, đông đặc, chỉ còn hoạt động khoảng 10%. Tình thế của bệnh nhân 91 lúc này vô cùng nguy hiểm, như “chuông treo mành chỉ”, hy vọng sống càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, ngày 22/5 khi bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy với hy vọng mong manh hồi phục được các cơ quan nội tạng bị tổn thương và để chuẩn bị lên phương án ghép phổi thì những kỳ tích bắt đầu xuất hiện. Chỉ 1 tuần sau, các cơ quan tổn thương như phổi, thận bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân âm tính hoàn toàn với vi rút SARS-CoV-2, bệnh nhân được ngưng lọc máu. Khi phổi hồi phục đến 60%, bệnh nhân 91 được ngưng ECMO, ngưng máy thở và sau đó đã tỉnh táo hoàn toàn, ngồi dậy, tự đứng lên, tập đi… Như một phép màu, phổi của bệnh nhân cũng đã hồi phục gần như 100%, thận và các chỉ số khác trở về ngưỡng bình thường.
Đến ngày 3/7, bệnh nhân 91 chính thức được công bố khỏi bệnh trong tình trạng khỏe mạnh, chỉ còn phải tập vật lý trị liệu để hồi phục hoàn toàn các chức năng vận động do nằm một chỗ và sử dụng thuốc an thần, thuốc giãn cơ quá lâu. Ngày mà không chỉ riêng bản thân phi công người Anh mà cả Đại sứ quán Anh, người dân hai nước Anh và Việt Nam mong đợi, cũng đã đến, sau 115 ngày điều trị, bệnh nhân 91 đã có thể xuất viện, trở về quê hương trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhận định về sự hồi sinh của ca bệnh "độc nhất, vô nhị" này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng thành công của ca bệnh 91 là minh chứng cho sự đoàn kết, tập trung trí tuệ, tâm sức của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam. Trong quá trình hơn 100 ngày điều trị cho bệnh nhân 91, Bộ Y tế đã tổ chức 6 lần hội chẩn quốc gia, 4 lần thay đổi phác đồ điều trị và ở mỗi một giai đoạn các y, bác sỹ đã đưa ra những giải pháp mới phù hợp với diễn tiến sức khỏe bệnh nhân. Điều đáng mừng là những giải pháp này đã mang lại hiệu quả tốt đẹp khi giờ đây bệnh nhân 91 đã khỏe mạnh, được xuất viện, trở về quê nhà.
* Nụ cười của bệnh nhân và hai chữ “tuyệt diệu”
Tỉnh dậy sau gần 3 tháng nằm viện, phi công người Anh ngỡ ngàng với tất cả những diễn biến xung quanh mình, anh cũng không hề biết mình đã đi một vòng tử “cửa quỷ môn quan” trở về. Anh chỉ biết mình nhập viện vào ngày 18/3, sau vài ngày cảm thấy khó chịu, không ăn uống được thì bắt đầu sốt, mệt, khó thở và dần chìm vào giấc ngủ, không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy đã là thời điểm của gần 3 tháng sau đó và được nghe bạn bè của mình từ nước Anh xa xôi kể về hành trình sinh - tử diệu kỳ như phép màu, anh không khỏi ngỡ ngàng. Anh cũng dần dần biết rằng, trong 3 tháng mê man giữa cõi hư - thực đó là khoảng thời gian các y, bác sỹ Việt Nam chạy đua với thời gian cứu sống anh. Đó cũng là quãng thời gian cả đất nước Việt Nam hướng về anh, cầu mong anh vượt qua đại nạn. Để rồi, khi nói được câu đầu tiên, anh đã thốt lên “Fantatic” (tuyệt diệu) và mỉm cười với y, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cũng đến lúc đó, anh mới biết mình là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam và đội ngũ y, bác sỹ đã dùng toàn lực, toàn tâm để đưa anh từ cõi chết trở về. “Tôi nghĩ rằng mình có tất cả 100% may mắn bởi trong bối cảnh số lượng người tử vong do COVID-19 trên thế giới rất nhiều, nếu ở đâu khác trên thế giới, hẳn tôi đã không qua khỏi, nhưng tại Việt Nam tôi đã được cứu sống”, bệnh nhân 91 chia sẻ trong những ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Khi sức khỏe đã từng bước phục hồi, bệnh nhân 91 kể thêm với các y, bác sỹ rằng trong lúc bồng bềnh giữa miền hư ảo, anh thường xuyên nghe được những tiếng thì thầm bên tai động viên anh cố gắng. Những lời động viên “Be strong” (mạnh mẽ lên) mà anh được nghe mỗi ngày chính là động lực để anh bừng tỉnh dậy. Anh từng nhiều lần nói lời cảm ơn các y, bác sỹ Việt Nam, khen ngợi bác sỹ Việt Nam xuất sắc, tận tâm.
Là ca bệnh đặc biệt nhất trong đại dịch COVID-19, trường hợp bệnh nhân 91 cũng luôn nhận được sự quan tâm đăc biệt của truyền thông trong nước và quốc tế. Các cơ quan truyền thông Việt Nam cập nhận thường xuyên diễn tiến bệnh tình bệnh nhân. Nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông quốc tế nhận định trường hợp của bệnh nhân 91 là một kỳ tích của y khoa Việt Nam.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông (Trung Quốc) trong bài viết “Sự phục hồi kỳ diệu sau khi nhiễm vi rút Corona của phi công người Anh tại Việt Nam” (đăng ngày 9/6/2020) gọi sự hồi phục của bệnh nhân 91 là một “phép màu” vì đây là ca nhiễm nặng nhất, phần lớn nhờ vào sự tận tâm chữa trị của y, bác sỹ Việt Nam.
Còn hãng tin BBC News của Anh trong bài viết “Bệnh nhân 91: Hành trình cứu sống viên phi công người Anh của Việt Nam” (tác giả Oliver Barnes và Bui Thu, đăng ngày 27/6/2020) cho rằng sự hồi phục của bệnh nhân 91 không chỉ đơn giản là câu chuyện về cuộc chiến chống chọi với tử thần của viên phi công (…) mà còn là câu chuyện về Việt Nam – một đất nước Đông Nam Á đang phát triển với một lịch sử chiến tranh đầy đau thương và nền hòa bình thiết lập chỉ mới mấy chục năm nhưng đã vượt qua nhiều quốc gia phát triển để mang về một chiến thắng vinh quang trước dịch bệnh.
Sự phục hồi của bệnh nhân 91 là một minh chứng sinh động cho truyền thống nhân văn cao cả của người Việt Nam nói chung, của đội ngũ y, bác sỹ luôn hết mình vì bệnh nhân, không phân biệt mầu da, quốc tịch. Đó cũng thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch của Việt Nam trước những diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay. Tất cả vì sự an toàn tính mạng của người dân, của tất cả mọi người đang sinh sống trên đất nước Việt Nam và cả những người con Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Kỳ 2: Trở lại từ "cửa tử" đến giấc mơ bay
Đinh Hằng - Hồng Giang (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất