Bí ẩn 'người đẹp say ngủ' của nước Anh

09/06/2015 06:26 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) -“Flaming June” (Tháng Sáu rực lửa) là tên kiệt tác của họa sĩ Frederic Leighton, vẽ một cô gái nằm ngủ trong chiếc váy màu lửa xuyên thấu, quấn lấy cơ thể mềm mại. Bức tranh vừa bước sang tuổi thứ 120.

Cả tên bức tranh lẫn tên họa sĩ có thể đều không quen thuộc lắm với khán giả đại chúng, nhưng hình ảnh của bức tranh thì ngược lại. Điều thú vị là lai lịch của người đẹp trong bức tranh đã từng là một bí ẩn suốt hơn 1 thế kỷ qua.

Vẻ đẹp cao quý đầy cám dỗ

Tháng 12/2013, nữ diễn viên Jessica Chastain đã hóa thân thành một “tháng Sáu rực lửa” khi cô xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue với tạo hình giống như trong bức tranh: chiếc váy màu cam, mái tóc màu đỏ buông xõa, dáng nằm lơi lả.

Một bức ảnh nổi tiếng khác chụp minh tinh Faye Dunaway ngả người trên ghế bên bể bơi ở khách sạn Beverly Hills cùng với tượng vàng Oscar bà giành được cho vai diễn trong Network.

Chưa kể đến sự xuất hiện của bức tranh trong văn hóa đại chúng khi nó được in lên vô số áo phông, cốc cà phê, đồng hồ treo tường, bàn di chuột, thẻ hành lý, tấm ốp điện thoại, bảng xếp hình và quà lưu niệm Giáng Sinh khắp nơi. Tháng 6 năm nay, bức tranh lần đầu được trưng bày trong bộ sưu tập Frick ở New York cùng nhiều thông tin mới được tiết lộ.


Flaming June - bức tranh rực rỡ đầy sức sống lại được họa sĩ Frederic Leighton vẽ vào những tháng cuối đời.

Riêng chuyến phiêu lưu của bức tranh sau 120 năm cũng là cả một câu chuyện. Bức tranh “sống” được đến ngày nay là một sự tình cờ. Nam tước người Anh Frederic Leighton, một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc, đã hoàn thành tranh vào năm 1895, trong những tháng cuối đời ông. Khi đó, ông là chủ tịch của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh, là người gác cổng nghệ thuật của thời đại Victoria nổi tiếng có gu thưởng thức đặc sắc.

Bức Flaming June chính là đỉnh cao của Leighton trong một loạt sáng tác của ông về những người phụ nữ quý tộc thanh lịch. “Tác phẩm là tiêu biểu cho vẻ đẹp cao quý.

Sự kết hợp giữa hình dạng tròn trịa bên trong khung vẽ hình vuông và bối cảnh cố điển tạo nên cảm giác bất tận về thời gian” – Susan Grace Galassi, giám tuyển cao cấp của Frick, ca ngợi bức tranh.

Một phần gương mặt và cơ thể của cô gái trong tranh, tắm trong nắng trời, không cho người xem nhiều căn cứ để tìm ra tên tuổi, thân thế của cô. Cô đang mơ thấy gì trong giấc ngủ cũng là một câu hỏi muôn đời. Những bông hoa trúc đào yêu kiều trên đầu cô gái có ý nghĩa gì ngoài việc góp thêm màu sắc cho ngọn lửa tháng Sáu?

Nguyên mẫu là Dorothy Dene

Năm 2014, Bamber Gascoigne, người từng dẫn chương trình đố vui University Challenge (Anh), bất ngờ được thừa kế ngôi nhà miền quê đổ nát West Horsley ở Surrey từ người cô 99 tuổi của ông, Nữ Công tước xứ Roxburghe.

Nhiều căn phòng trong ngôi nhà đã bị đóng cửa im ỉm trong hàng thập kỷ dài và Gascoigne mất hàng tháng trời để tu sửa lại, từ quần áo của người hầu thời Victoria đến các bộ lễ phục cầu kỳ của nữ công tước.

Và rồi, đằng sau cánh cửa của một căn phòng trước, Gascoigne tìm thấy bức vẽ bằng chì và phấn về phần đầu của một cô gái. Đó là lần đầu tiên người ta tìm thấy bản phác thảo bức Flaming June đã thất lạc suốt 120 năm.


Nữ diễn viên Jessica Chastain tái hiện bức tranh trên bìa tạp chí Vogue năm 2013.

Chính bức vẽ này đã giúp cung cấp thêm thông tin về người đẹp say ngủ. Gương mặt cô gái trong tranh là của Dorothy Dene, người mẫu và cũng là nàng thơ tâm đắc nhất của họa sĩ Leighton.

Nàng có tên khai sinh là Ada Alice Pullan, sau này đổi thành cái tên đậm chất nghệ thuật hơn là Dorothy Dene, hy vọng đường nét cân đối và cơ thể dong dỏng, uyển chuyển của mình sẽ thu hút những nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật như Leighton. Dene từng làm mẫu cho rất nhiều bức tranh của vị họa sĩ trong 15 năm cuối đời ông.

Khi Leighton vẽ bức Flaming June, nhiều người mẫu khác đã được giới thiệu cho ông, trong đó có người mẫu cùng lứa với Dene là Mary Lloyd. Nhưng những đường nét của cô gái trong tranh, khuôn miệng hơi vểnh lên, cặp mắt cách xa nhau và mái tóc xoăn dài đến khó tin, tất cả đều thuộc về Dene, cũng như trong các bức tranh khác của cùng tác giả, gồm Crenaia (1880) và Clytie (1895).

“Mona Lisa của Nam bán cầu”

Sau khi hoàn thành vào năm 1985, Flaming June được đưa vào nhà triển lãm Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh. Nhưng Leighton đã quá yếu nên không thể đến dự triển lãm này. Không lâu sau đó, ông qua đời vì một cơn đau tim.

Các tác phẩm nghệ thuật cổ điển, tỉ mỉ của ông về sau bị lu mờ trước các tác phẩm tự do, phóng khoáng hơn của chủ nghĩa ấn tượng.

Flaming June được trưng bày tại Bảo tàng Ashmolean ở Oxford cho đến năm 1930, rồi được cá nhân mua và cho vào bộ sưu tập riêng, không còn xuất hiện trước công chúng.

Năm 1962, có tin bức tranh được rao bán trong một tiệm đồ cổ ở London với giá chỉ 50 USD. Năm 1963, Luis Ferré, một cựu Thống đốc người Puerto Rico, đã mua bức tranh với giá 2.000 bảng (khoảng 3.200 USD, biến nó thành tác phẩm nghệ thuật trung tâm trong bảo tàng ở thành phố Ponce quê ông. Tới nay, bức tranh vẫn được biết tới với tên gọi khác là "nàng Mona Lisa của Nam bán cầu”.

Có một sự trùng hợp thú vị là Dorothy Dene từng đến New York hơn một thế kỷ trước để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Nhưng các vở kịch của nàng không hề thành công. Điều trớ trêu là giữa thất bại, nàng vẫn thấy khung cửa sổ ở các cửa hiệu kinh doanh treo đầy ảnh mình, các sản phẩm quảng cáo in hình của mình.

Dene đã không bao giờ biết rằng, đó là sự khởi đầu cho cả một thế kỷ hình ảnh của nàng được biến thành một kiệt tác thương mại.

Tranh vẽ, cũng như các nghệ sĩ, thường tình cờ bước đúng con đường trở thành biểu tượng. Những ngôi sao được sinh ra, tìm thấy, quên lãng, bán đi và chỉ một số ít được lưu danh. Cuối cùng, số phận của bức Flaming June, có lúc tưởng chừng như nguội lạnh, hóa ra vẫn là rực lửa.

Hạ Huyền (Theo Vanity Fair)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm