28/04/2019 15:30 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đó là một nơi mà phụ nữ cai trị, hôn nhân không tồn tại và mọi thứ đều theo mẫu hệ. Nhưng điều đó có tốt cho phụ nữ hay không và nơi đây còn tiếp tục tồn tại bao lâu?
Hãy tưởng tượng một xã hội không có cha, không kết hôn hay ly hôn; một xã hội không tồn tại các gia đình hạt nhân. Người bà ngồi ở đầu bàn; con trai và con gái sống với mẹ, cùng với những đứa con của những người con gái đó, theo huyết thống của người mẹ. Đàn ông không đóng nhiều vai trò hơn là một chú “ngựa giống”, họ tham gia vào việc "hiến" tinh trùng cho phụ nữ nhiều hơn là cùng nuôi dạy con cái.
Thế giới nữ quyền này – hay chế độ mẫu hệ lỗi thời, tuỳ theo quan điểm của bạn - tồn tại trong một thung lũng tươi tốt ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, nằm dưới chân đồi phía Đông của dãy Himalaya.
Một cộng đồng bộ lạc cổ xưa của đất Phật giáo Tây Tạng được gọi là người Mosuo, họ sống theo một cách hiện đại đáng ngạc nhiên: phụ nữ được đối xử bình đẳng, đúng hơn là vượt trội so với đàn ông; cả hai đều có thể có nhiều, hoặc ít bạn tình theo ý muốn mà không bị phán xét; và các gia đình mở rộng cùng nuôi dạy trẻ em và chăm sóc người già. Nhưng xã hội này có “không tưởng” như vẻ bề ngoài và có thể tồn tại bao lâu nữa?
Cô Choo Waihong đã quyết định tìm hiểu điều đó. Theo tờ Guardian, từ một luật sư kinh tế thành công ở Singapore, cô đã từ bỏ công việc của mình vào năm 2006 để đi du lịch. Từng được đào tạo và làm việc tại Canada, Mỹ và Anh, Choo cảm thấy bị cuốn hút khi đến thăm Trung Quốc, đất nước của tổ tiên mình.
Sau khi đọc thông tin về Mosuo, cô quyết định thực hiện một chuyến đi đến cộng đồng đẹp như tranh vẽ, gồm những ngôi làng nằm rải rác quanh một ngọn núi và hồ Lư Cô (Lugu) này, như nhiều khách du lịch vẫn làm. Nhưng một cái gì đó vượt ra ngoài quan sát của một du khách đã giữ chân Choo.
"Tôi đã lớn lên trong một thế giới nơi đàn ông là ông chủ” - Choo nói. “Cha tôi và tôi đã cãi nhau rất nhiều - ông là thành phần tinh hoa trong một cộng đồng người Hoa cực kỳ gia trưởng ở Singapore. Và tôi không bao giờ thực sự tuân thủ các quy tắc hướng đến đàn ông. Cả đời mình, tôi là một nhà nữ quyền và Mosuo dường như đặt người phụ nữ vào trung tâm của xã hội. Thật là truyền cảm.”
Với tính cách nồng ấm, tò mò và nhanh nhẹn, Choo Waihong kết bạn nhanh chóng. Cô phát hiện ra rằng những đứa trẻ Mosuo chỉ thuộc về mẹ của chúng. Trẻ con Mosuo được nuôi dưỡng bởi mẹ, bà, dì và chú của chúng.
Nhìn từ quan điểm của một người ngoài - đặc biệt là những người Trung Quốc, Mosuo đang bị chỉ trích là một xã hội của những bà mẹ đơn thân, Waihong cho biết. “Trẻ em sinh ra ngoài giá thú, đó là điều bất thường ở Trung Quốc. Nhưng đây không phải là cách người Mosuo nhìn nhận về cộng đồng của mình - đối với họ, hôn nhân là một khái niệm không thể tưởng tượng được, và một đứa trẻ 'không cha' đơn giản vì xã hội không chú ý đến việc làm cha. Gia đình hạt nhân như chúng ta hiểu, chỉ tồn tại ở một dạng khác".
Nằm ở độ cao 2.700m so với mực nước biển, thành phố gần nhất cũng cách sáu giờ lái ô tô, sự hẻo lánh xa xôi của khu vực khiến người dân Musuo bảo tồn được những tập tục không đâu có trên thế giới.
Một trong những truyền thống văn hoá độc đáo nhất là tẩu hôn. Sau khi đến tuổi trưởng thành, trong suốt cuộc đời mình, người phụ nữ Mosuo được quyền chọn bạn tình, nhiều ít tuỳ ý. Trong những cuộc "hôn nhân" này, người đàn ông đến nhà người phụ nữ khi được mời và sẽ ở lại qua đêm trong một "phòng hoa" được chỉ định sẵn, và đến ban ngày thì lại quay về nhà mình. Một chiếc mũ của người đàn ông treo trên tay nắm cửa nhà người phụ nữ là một dấu hiệu cho những người đàn ông khác không được vào.
Có thể cuộc "tình một đêm" sẽ phát triển thành một mối quan hệ yêu đương độc quyền, suốt đời hoặc hay có thể kết thúc ngay khi người phụ nữ có thai. Nhưng các cặp "vợ chồng" không bao giờ sống cùng nhau. Phụ nữ Mosuo thường không biết cha của con mình là ai và không có sự kỳ thị nào trong việc này.
Tại nơi được mệnh danh là phiên bản thực của "Tây Lương nữ quốc" trong Tây du ký, người phụ nữ sở hữu và thừa kế tài sản, gieo trồng hoa màu cũng như điều hành các gia đình - nấu ăn, dọn dẹp và nuôi dưỡng trẻ em. Trong khi đó, tuy không phải là chủ gia đình, đàn ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong xã hội Mosuo. Theo truyền thống, họ thường vắng mặt khỏi làng, rong ruổi trên các xe hàng để bán sản phẩm địa phương. Họ cũng chịu trách nhiệm xây nhà, đánh bắt cá và giết mổ gia súc. Tuy không chịu trách nhiệm với con đẻ của mình nhưng họ gánh vác trách nhiệm tài chính đối với các cháu trai, cháu gái sống cùng nhà.
Vài tháng sau chuyến đi đầu tiên, Choo Waihong trở lại hồ Lư Cô. Một cô gái tuổi teen tên là Ladzu đã đề nghị dạy cho cô ngôn ngữ Mosuo và giới thiệu Choo với gia đình. Các chuyến thăm của Choo trở nên lâu hơn và thường xuyên hơn. Cô trở thành mẹ đỡ đầu cho Ladzu và cậu em trai Nongbu. Chú của Ladzu, Zhaxi, một doanh nhân thành đạt ở địa phương đề nghị xây cho cô một ngôi nhà, vì thế Choo bắt đầu ở lại lâu dài. Cô sống với cộng đồng Mosuo vài tháng, ba hoặc bốn lần một năm để khám phá thêm về nơi đây.
Không có hôn nhân là mục tiêu, lý do duy nhất để đàn ông và phụ nữ Musuo có điểm chung trong mối quan hệ là vì tình yêu, hoặc niềm vui làm bạn với nhau.
Tất cả phụ nữ Mosuo về cơ bản là độc thân. Với việc cuộc sống xoay quanh gia đình người mẹ, việc làm mẹ đương nhiên được tôn kính. Đối với một phụ nữ trẻ Mosuo, đó là mục tiêu cuộc sống.
Nhưng điều gì xảy ra nếu một người phụ nữ không muốn có con? Đây là một trong những lựa chọn của họ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu họ không thể có con hoặc chỉ sinh con trai? Họ sẽ nhận nuôi một đứa trẻ từ một gia đình Mosuo không liên quan, hoặc thông thường hơn, từ một trong những người anh em họ của mình. Một vài thế hệ trước đây, trước khi Trung Quốc áp dụng chính sách một con, các gia đình Musio rất lớn, có nhiều anh em họ sống gần nhau.
Trong mắt người phương Tây, đây là khía cạnh ít tiến bộ hơn của lối sống Mosuo. Là một xã hội "giải phóng" phụ nữ khỏi hôn nhân và cho họ tự do tình dục, nhưng lại sản sinh ra những bà nội trợ của những năm 1950 và không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm mẹ? Đó là một nỗi thất vọng mà Choo Waihong cảm thấy với cô con gái đỡ đầu Ladzu. “Đối với một phụ nữ Mosuo trẻ tuổi, điều đó không bất thường. Nhưng đối với tôi, đó là một sự lãng phí”, cô nói.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Kể từ khi khách du lịch Trung Quốc bắt đầu đến Musuo vào đầu những năm 1990, mang theo những con đường trải nhựa, một sân bay và việc làm cho người Mosuo, lối sống truyền thống bắt đầu tỏ ra lỗi thời với chính những cư dân Musuo trẻ tuổi.
Ladzu và những người bạn của cô có thể vẫn sống để làm mẹ, nhưng cô là một phần của thế hệ tiên phong trong quá trình chuyển đổi: cô đã kết hôn với một người Hán. Ladzu vẫn sống ở hồ Lư Cô, nhưng trong chính ngôi nhà của mình, với chồng và con trai. Cô không đơn độc, bởi mặc dù thế hệ bà ngoại cô, ở độ tuổi 60 và 70, vẫn thực hành "tẩu hôn”, nhiều phụ nữ ở độ tuổi 40 và khoảng một nửa phụ nữ ở độ tuổi 30 đã sống với những người cha của con cái họ; một nhóm thiểu số nam nữ kết hôn ngoài cộng đồng thì chuyển đi nơi khác.
Giáo dục cũng tạo ra sự khác biệt. Có một trường trung học cơ sở tại hồ Lư Cô, nhưng trường trung học gần nhất thì cách đó 100km và rất ít trẻ em theo học.
Học hành dường như không quan trọng với trẻ em Mosuo: du lịch đang cho chúng cơ hội nghề nghiệp - từ người phục vụ đến chủ nhà nghỉ, hướng dẫn viên du lịch đến tài xế taxi. Nhiều gia đình đang thuê đất để xây dựng khách sạn. Nông nghiệp tự cung tự cấp dần được thay thế bằng canh tác thương mại.
Đó là một xã hội đang trong quá trình chuyển đổi, ở một đất nước đang thay đổi nhanh chóng. Những người trẻ Mosuo đang tìm ra một con đường khác với cha mẹ của họ, đón nhận cuộc sống hôn nhân và cuộc sống gia đình với sự thích thú. Zhaxi, người đã xây dựng nhà cho Choo Waihong, thì nói rằng sẽ không còn tồn tại “Tây Lương nữ quốc” Musuo trong vòng 30 năm nữa.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất