Câu chuyện di sản - du lịch: Sơn Trà mây nhuộm nắng vàng...

11/06/2014 14:30 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Thời gian gần đây, các hoạt động văn hoá - du lịch diễn ra rất sôi động trên cả nước nói chung, miền Trung nói riêng. Tuy nhiên, việc đánh thức tiềm năng văn hóa, du lịch, di sản của các địa phương thực sự vẫn là bài toán không dễ giải.

Thể thao & Văn hoá thực hiện chuyên đề này với hy vọng vẽ nên cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh văn hóa, di sản, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là “viên ngọc thiên nhiên” của TP. Đà Nẵng, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về du lịch. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong định hướng tương lai gần của phát triển du lịch Sơn Trà, chỉ chú trọng vai trò của các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, mà không hề nhắc đến sự tham gia trực tiếp của người dân. Phải chăng TP. Đà Nẵng chưa tin tưởng vào nguồn nhân lực của chính mình?

Một tiềm năng hiếm có

Sơn Trà nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng về phía Đông Bắc chừng 10km. Đây là một quần thể du lịch tiềm năng như du lịch biển, sinh thái, tâm linh,….có thể khai thác các tour đường bộ, đường thủy. Chỉ với chiếc ba lô sau lưng trên “con chiến mã sắt”, hẳn dân phượt nào cũng bị quyến rũ bởi cảm giác chinh phục khi vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo và sự thả lỏng khi lao từ trên cao xuống men theo triền núi. Vào ban đêm, từ Sơn Trà nhìn về thành phố, như một bức tranh tối sáng, lung linh và như chính ta vừa mới là người tạo nên sự kì diệu ấy.


Sơn Trà được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ về du lịch nhưng người dân địa phương vẫn đứng ngoài cuộc trong các định hướng của chính quyền.

Sơn Trà chưa dừng lại ở vẻ đẹp trên những con đường dài hun hút mà còn đem đến sự tò mò với hệ sinh thái phong phú trong rừng. Còn gì thú vị hơn khi biến thành nhà thám hiểm, chụp lại khoảnh khắc tình tự của những cặp chà vá, nghe tiếng chim gọi bày và nghỉ ngơi dưới tán cây di sản.Đặc biệt, với những người ưa sự tĩnh lặng, có thể đến chùa Linh Ứng, sẽ cảm thấy gột bỏ hết phàm tục ngoài kia, thoát xác vào cõi Phật.

Tuy nhiên, nếu ai đó thay đổi ý định lên rừng xuống biển thì ngay trong tích tức sẽ được hòa mình vào dòng mước mát của một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, tắm biển hoặc lặn ngắm san hô hay bắt cá.

Nhưng có lẽ tài sản quý giá nhất mà Sơn Trà còn giữ được, chính là nếp sống miền biển đặm nghĩa tình của người dân nơi đây. Họ còn nguyên đó sự thuần phác những đứa con của biển cả. Các làng nghề truyền thống, lễ hội, đình làng,…còn giữ nguyên bản sắc. Nếu như du khách trong nước mê mẩn cảnh quan của Sơn Trà thì hầu hết khách du lịch nước ngoài đều tỏ ra thích thú khi được chứng kiến nếp sinh hoạt của người dân địa phương.

Phát triển du lịch phải gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của dân địa phương

Ai cũng biết, sự phát triển của du lịch chưa hẳn nằm ở vẻ hào nhoáng của những khu nghỉ dưỡng cao cấp, mà phải ở chính kết quả nó mang lại. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Trưởng ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trong thời gian qua, vẫn chỉ là 0% người dân địa phương tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Đi dọc đường biển, người dân địa phương được hưởng lợi chỉ là những chiếc vé giữ xe 2-3.000đ hay những quán nhậu nhỏ tạm bợ ven đường. Hầu hết người dân vẫn sống không dư dả gì với nghề truyền thống hay làm việc trong các khu công nghiệp.

Năm 2007, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng kết hợp với các công ty du lịch đưa vào khai thác tour câu cá trên biển. Đó là ý tưởng du lịch duy nhất mà người dân có thể tham gia và hưởng lợi trực tiếp, nhưng tour câu cá này đã thất bại. Kết quả như vậy cũng là điều dễ hiểu khi người dân chỉ đóng vai trò “kẻ làm thuê” mà chưa hề ý thức được gì về du lịch.

Từ thất bại ấy, trong định hướng phát triển du lịch Sơn Trà vì thế không nhắc đến vai trò của người dân. Ông Phan Liêm, người đóng thuyền thúng lâu đời tại Sơn Trà có kể lại, rất nhiều khách nước ngoài đi dạo, say mê nhìn ông làm thuyền thúng cả buổi. Rồi những lễ hội cầu ngư hay trong nhiều phiên chợ cá, du khách nước ngoài rất thích thú ghi lại hình ảnh và muốn tìm hiểu kỹ.

Nhìn từ Hội An, ngoài phát huy giá trị của di sản thế giới, người dân và chính quyền nơi đây cũng tự biến mình thành di sản sống. Từ những người bán rong, những người chèo thuyền, những chiếc xe trâu,… đều để lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Ở Mỹ Sơn, cũng có làng du lịch cộng đồng khi du khách sẽ sống với nếp sinh hoạt của người dân địa phương.

Vẫn biết mỗi địa phương có đặc thù và hướng phát triển du lịch riêng nhưng lâu nay, việc học hỏi nhau không hẳn là thừa. Du lịch, nôm na như một bữa ăn và mỗi ngày cần có những món mới, vẫn với nguyên liệu cũ. Du lịch Sơn Trà hẳn sẽ độc đáo hơn nếu có các tour “sống cùng ngư dân”, “thăm làng nghề truyền thống”,…

Nhưng biết làm sao được, với vị thế của một địa danh có quá nhiều tiềm năng du lịch, với mong muốn “rồng vươn ra biển lớn”, mà mới chỉ dám chú trọng đến thị trường trong nước, như ông Vũ chia sẻ, thì đến bao giờ du lịch Sơn Trà mới có khởi sắc, bao giờ người dân mới được tham gia khai thác du lịch trên chính mảnh đất của họ?

Bảo tàng tỉnh Quảng Bình là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử của mảnh đất 400 năm văn hóa này. Đây là nơi miêu tả lại rõ nét nhất những giai đoạn phát triển của Quảng Bình qua những hiện vật quý giá tại đây. Nhưng từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Quảng Bình vẫn chưa thu hút được nhiều khách tham quan, chỉ làm được vai trò giữ gìn nhưng chưa phát huy được giá trị các hiện vật.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm