Bí ẩn về đoàn Olympic CHDC ND Triều Tiên

20/08/2012 07:43 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH Cuối tuần) - Trước thềm Olympic London 2012, nhà lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un từng nói úp mở rằng đoàn thể thao nước này hoàn toàn có thể chen chân vào tốp 4 nước dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương. Dù điều đó không xảy ra nhưng cho đến giờ phút này, với 4 huy chương vàng và vị trí thứ 19 thế giới (thứ 6 ở châu Á, sau các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan và Iran), các vận động viên Triều Tiên đã chứng tỏ những lời phát biểu từ nhà lãnh đạo trẻ tuổi của họ hoàn toàn không phải “cuồng ngôn”. Với một quốc gia yếu kém về mặt kinh tế và cũng không được bù đắp ở thể chất con người, thành công hiện tại của thể thao Triều Tiên đang được cả thế giới quan tâm và tìm lời giải đáp.

Chính sách đào tạo quyết đoán

Sau khi giành huy chương vàng ở bộ môn cử tạ hạng cân 62 kg, nam lực sĩ Kim Un Guk tuyên bố: “Tôi có thể đạt được thành tích này là nhờ vào lãnh đạo kính yêu Kim Jong Un đã truyền cho sức mạnh và lòng can đảm”. Không chỉ mình Kim Un Guk, hết thảy các vận động viên Triều Tiên giành được huy chương đều thể hiện sự tri ân to lớn nơi chủ tịch Kim Jong Un. Chắc chắn sự úy lạo của nhà lãnh đạo trẻ có vai trò phần nào, nhưng theo như lời những người từng tham gia vào thế giới thể thao cũng bí mật như đời sống ở Triều Tiên nay đã ra nước ngoài, thì  thành công hiện giờ của Triều Tiên đến từ một quá trình đào tạo gắt gao và chính sách thưởng phạt rõ ràng.


Lễ thượng cờ Triều Tiên ở làng Olympic, tinh thần dân tộc là một vũ khí đặc biệt của đoàn thể thao Triều Tiên ở Thế vận hội - Ảnh: Getty

Gu Kyeong Bang, một vận động viên Bắc Hàn đã đào ngũ hiện đang sống ở Hàn Quốc, cho biết các vận động viên ở Triều Tiên được chính Ủy ban thể thao của Đảng Lao động tuyển lựa kỹ càng ngay từ lứa tuổi rất nhỏ, sau đó được đăng ký vào các trường chuyên ngành, nơi cung cấp “bữa ăn hàng ngày và thỉnh thoảng cả tiền bạc chi tiêu”. Đối với những đứa trẻ vốn sinh ra trong nghèo khó ở Triều Tiên, việc có được một cuộc sống đầy đủ tại các trung tâm thể thao là điều đáng mơ ước. Không chỉ vậy, theo lời ông Woo Young Lee, một giáo sư tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, các vận động viên tại Triều Tiên cũng được coi ngang hàng với tầng lớp lãnh đạo và giới thượng lưu, những người thi đấu đỉnh cao được chu cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Điều này đã thúc đẩy ý thức tập luyện chăm chỉ nơi các vận động viên, để có thể xứng đáng với đãi ngộ của nước nhà.

Bên cạnh đó, việc thưởng phạt rõ ràng cũng tạo nên một động lực thi đấu mãnh liệt nơi các vận động viên. Những người chiến thắng tại các đấu trường quốc tế như Kim Un Guk khi trở về sẽ được tưởng thưởng bằng các phần thưởng cụ thể như tiền mặt, căn hộ, xe hơi hay tủ lạnh. Không những thế, họ còn trở thành hình mẫu anh hùng trong lòng người dân. Ngược lại, các vận động viên thất bại và thi đấu không đúng kỳ vọng cũng luôn phải nhận hình phạt. Tuy những thông tin về việc các vận động viên thua cuộc bị chính phủ gửi đến trại lao động chưa được xác nhận một cách chính xác và chủ yếu xuất phát từ những tờ báo có khuynh hướng chống Triều Tiên ở Hàn Quốc, việc họ phải chịu sự trừng phạt về tinh thần là chắc chắn có thật. Điển hình như đội tuyển bóng đá, sau khi phải ra về tay trắng và thủng lưới đến 12 bàn ở World Cup 2010, các cầu thủ phải hứng chịu liên tục 6 tiếng đồng hồ khiển trách từ các nhà lãnh đạo và người dân.

Tinh thần dân tộc

Khao khát giành vinh quang cho bản thân luôn khiến các vận động viên Triều Tiên có động cơ thi đấu mạnh mẽ,nhưng chính “lòng yêu nước và trung thành tuyệt đối với các nhà lãnh đạo”, theo lời của vận động viên hiện sống tại Hàn Quốc Kim Yo Han, mới chính là cốt lõi tạo nên tinh thần chiến đấu phi thường cho thể thao Triều Tiên. Phần lớn người dân Triều Tiên là những người vô thần, họ sùng kính các đời chủ tịch và coi việc chiến đấu vì lợi ích quốc gia là trên hết. Với các vận động viên, những người có đến bốn giờ “tôi luyện tư tưởng” mỗi tuần nhằm thấm nhuần lòng yêu nước, tinh thần dân tộc dĩ nhiên lại càng lớn hơn. Theo lời của ông Bang, “họ như thể có một bộ não khác”, ngụ ý việc các vận động viên Triều Tiên gần như quên mình trong việc tập luyện và thi đấu.


Niềm vui giành huy chương vàng của Kim Un Guk - Ảnh: Getty

Bên cạnh lòng yêu nước, sự cạnh tranh mang tính quốc gia cũng là một nguyên do khiến các vận động viên Triều Tiên nỗ lực tập luyện và thi đấu hơn hẳn. Ông Kim cho biết, những thất bại trước Mỹ và Hàn Quốc luôn bị giới lãnh đạo nước này xem như sự sỉ nhục và các vận động viên phải nhận lãnh mức hình phạt nặng hơn bình thường. Giống như khẩu hiệu “vượt qua người Mỹ” của thể thao Trung Quốc, điều này lý giải sự tiến triển của thể thao Bắc Triều Tiên, bởi Mỹ và Hàn Quốc đều là những cường quốc hàng đầu tại các kỳ Thế vận hội.

Dù cho tấm màn bí ẩn đằng sau sự thành công của thể thao Bắc Triều Tiên vẫn chưa thực sự được vén lên, các cường quốc thể thao khác trên thế giới có lý do để e ngại thế lực mới nổi này. Kể từ Sydney 2000 cho đến London 2012, thành tích Olympic của Triều Tiên đang tiến triển rất đều đặn. Nếu cứ đà này, ngay cả cái đích tốp bốn đoàn dẫn đầu Thế vận hội mà ông Kim Jong không còn là không tưởng với thể thao Triều Tiên nữa.

Huy Đăng

"Tôi có thể đạt được thành tích này là nhờ vào lãnh đạo kính yêu Kim Jong Un đã truyền cho sức mạnh và lòng can đảm"- lực sĩ cử tạ Kim Un Guk, HCV Olympic 2012




Thành tích của đoàn thể thao Triều Tiên từ Olympic Sydney 2000

Vàng
Bạc
Đồng
Sydeney 20000
1
3
Athens 20040
4
1
Bắc Kinh 20082
1
2
London 2012401


Những cổ động viên đặc biệt của Triều Tiên

Đoàn Triều Tiên không có cổ động viên nào lặn lội từ nhà sang cổ vũ như hầu hết các đoàn khác, nhưng họ có một cổ động viên đặc biệt cho môn bóng đá nữ tại thành phố Manchester, trong trận gặp tuyển Mỹ ở vòng bảng. David Greenhough, 70 tuổi và là một người Anh đã về hưu, một nhà nghiên cứu độc lập về chủ nghĩa Marx, đã mang theo lá cờ Triều Tiên tới sân vận động Manchester.

Người dân Triều Tiên cố gắng sống một cuộc đời có ý nghĩa, làm việc và luyện tập chăm chỉ, họ xứng đáng được tôn trọng”, Greenhough nói. Ông cho biết thêm rằng những người yêu mến Triều Tiên ở Anh không chỉ có mình ông. “Chúng tôi có truyền thống ủng hộ Triều Tiên, đặc biệt là ở miền bắc Anh”, Greenhough nói và nhắc tới kỳ World Cup 1966 tổ chức tại Anh khi Triều Tiên là bất ngờ lớn và thú vị nhất giải khi họ loại Italia và vào tới tứ kết. Những kỷ niệm đó vẫn còn được lưu giữ ở thành phố miền bắc Middlesbrough. Greenhough cũng tự tin về một tương lai tốt đẹp hơn ở Triều Tiên: “Họ có một nhà lãnh đạo mới, trẻ trung, vừa lấy vợ, học ở Thụy Sĩ. Có lẽ mọi thứ sẽ thay đổi”.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm