12/11/2014 07:20 GMT+7 | Scandal
(lienminhbng.org) - Hai ngày sau khi tái gia nhập làng mạng xã hội, tiền vệ Yaya Toure của Man City đã phải nhận những bình luận mang tính kỳ thị chủng tộc.
Nhiều người đã khuyên Yaya Toure hãy đứng lên chống lại những kẻ “làm càn” trên Twitter. Là một ngôi sao lớn của bóng đá thế giới, Toure xứng đáng đại diện cho những cầu thủ là nạn nhân, kêu gọi trừng trị những kẻ coi thường con người chỉ bởi màu da.
Cảnh sát chậm chạp với công nghệ
Nhưng Toure yên lặng. Giống như trường hợp của Mario Balotelli, cầu thủ người Bờ Biển Ngà coi đó là việc cảnh sát địa phương cần làm. Thực tế, cảnh sát Greater Manchester đã tuyên bố tiến hành điều tra trường hợp của Toure. Tuy vậy, sẽ chẳng ngạc nhiên khi một thời gian sau, chẳng có kẻ nào bị đưa ra trừng trị.
Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) Clarke Carlisle từng mở máy tính xách tay và chỉ cho cảnh sát lẫn phóng viên những bình luận kỳ thị chủng tộc thấp hèn mà ông nhận được qua Twitter. Ông bảo phải giấu hoàn toàn sự thật đó với vợ con, vì sợ họ sẽ bị tổn thương.
Một năm trôi qua, Carlisle không nhận được phản hồi nào từ cảnh sát. Tổ chức chống kỳ thị chủng tộc Kick It Out cũng bày tỏ sự thất vọng trước thực trạng cảnh sát thờ ơ với vấn đề đang ngày càng nhức nhối.
Chẳng phải cảnh sát Anh quá lười biếng đến mức coi những bình luận trên là chuyện vụn vặt. Ngược lại, họ ý thức rõ tác động của bình luận độc ác trên mạng xã hội.
Điều đầu tiên cản họ trợ giúp làng bóng đá xóa bỏ vấn nạn chính là sự chậm chạp của toàn bộ hệ thống so với sức phát triển như vũ bão của phương tiện truyền thông xã hội. Thứ hai là việc người dùng sử dụng tên giả và thông tin nặc danh trên mạng xã hội khiến cảnh sát rất khó khăn trong việc theo dõi. Để tìm kiếm những kẻ này, cảnh sát cần phía Twitter cung cấp cho họ địa chỉ IP tài khoản cá nhân. Nhưng Twitter chỉ cung cấp thông tin này khi có lệnh của Tòa án tại Mỹ, khiến cảnh sát Anh hoàn toàn bất lực.
Cầu thủ phải tự cứu mình
Twitter ra đời đã tạo môi trường cho phép người hâm mộ và cầu thủ thần thượng có thể gần gũi hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh những cuộc phỏng vấn trở nên nhạt nhẽo và mang tính khuôn sáo, Twitter là nơi cầu thủ thể hiện cảm xúc thật, ý kiến thật và qua đó bộc lộ cá tính.
Twitter của cầu thủ vì thế có hàng triệu người hâm mộ theo (follow).
Nhưng cũng từ đó, Twitter tạo điều kiện cho kẻ khác cơ hội xúc phạm công khai cầu thủ mà họ căm ghét.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề?
Khi cảnh sát Anh vẫn đang loay hoay tìm cách thiết lập hệ thống công nghệ mới và đào tạo kiến thức cho nhân viên, các ngôi sao thể thao phải đứng lên bảo vệ mình. Năm ngoái, võ sĩ quyền Anh Curtis Woodhouse đã tự tìm hiểu kẻ kỳ thị anh trên Twitter trong nhiều tháng liền. Kết cục, anh đối đầu với kẻ hèn nhát này trước cửa nhà riêng của hắn.
Toure hay Balotelli chưa cần phải dày công kiếm tìm như Woodhouse. Điều đầu tiên họ cần làm là đứng lên phát động chiến dịch. Kick It Out cho rằng không gì thiết thực hơn bằng việc chính các nạn nhân lên tiếng để tạo tác động tới xã hội. Càng dễ dàng hơn khi họ là những cầu thủ nổi tiếng, được biết đến trên toàn thế giới.
Kevin Boateng đã làm được điều này trong thời gian thi đấu ở Serie A. Premier League có sạch vấn nạn kỳ thị chủng tộc hay không còn chờ đợi vào sự nhiệt thành của các cầu thủ. Nỗ lực của họ cùng với sự sát cánh của các tổ chức, sẽ tạo nên làn sóng mạnh mẽ đẩy lùi những “kẻ giấu mặt” trên Twitter. Kick It Out tin như vậy!
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất