29/05/2015 13:10 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Bộ “Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” vừa được các cơ quan chức năng công bố vào ngày 25/5 vừa qua. Nhưng, nếu chiếu theo thói quen văn hóa của người Việt, chuyện nhạy cảm này có dễ xử lý bằng... quy tắc?
Thực tế, từ năm 2012, việc chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Và, bộ quy tắc ứng xử này ra đời với tính chất như những hướng dẫn cụ thể về hình thức phòng ngừa, hoặc các bước ứng phó cho “người trong cuộc” nếu hiện tượng này diễn ra.
Đặc biệt, khái niệm “QRTD” tại đây đã được cắt nghĩa rất cụ thể, bao gồm quấy rối qua thể chất (tiếp xúc, cố tình đụng chạm, cấu véo), bằng lời nói (nhận xét không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục...), phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm).
TS Trịnh Hòa Bình: Lo ngại “bệnh hình thức”
Là Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Chuyện QRTD nơi công sở là chuyện không quá hiếm. Nhưng, nội hàm của vấn đề không hề đơn giản để xây dựng luật cũng như bộ quy tắc ứng xử hướng dẫn luật thấu tình đạt lý. Bởi, riêng vấn đề định nghĩa khái niệm đã rất khó khăn. Việc thu thập chứng cứ để cấu thành tội lại càng khó.
Bên cạnh đó, không như văn hóa phương Tây, trong văn hóa phương Đông, mà cụ thể là văn hóa Việt Nam hiện tại, nạn QRTD vẫn là vấn đề nhạy cảm.
Cụ thể, nhiều vụ hiếp dâm bằng chứng rõ ràng, nạn nhân vẫn ngại không tố giác tội phạm vì sợ bị dư luận soi mói, đánh giá, ảnh hưởng tới danh dự cá nhân. Nên những vụ lạm dụng với những bằng chứng không rõ ràng đòi hỏi phải điều tra lâu, tranh tụng qua lại nhiều sẽ là rào cản để nạn nhân đứng lên bảo vệ chính mình.
Cho nên, tôi lo ngại bộ quy tắc ứng xử sẽ đi vào hình thức. Tức là, có luật, có quy tắc ứng xử hướng dẫn luật nhưng cả năm không có một vụ xâm hại nào được tố giác dù ai cũng biết là chuyện lạm dụng nơi công sở vẫn diễn ra thường xuyên.
Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là tâm lý người dân thấy luật, bộ quy tắc ứng xử hướng dẫn luật có cũng như không. Và việc nhờn luật, nhờn kỷ cương này sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực.
Ở một khía cạnh khác, tính đúng - sai của lĩnh vực này khá mong manh. Nên nếu không nghiên cứu kỹ, không phân định rành mạch, trong trường hợp sếp quấy rối nhân viên, bộ quy tắc ứng xử sẽ không đủ sức bảo vệ người lao động. Hoặc ngược lại, nó lại trở thành công cụ để nhân viên “tấn công” người lãnh đạo bằng việc vu khống.
Tuy nhiên, tôi hiểu, những người làm luật có lý khi ra luật cũng như xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ người lao động. Và, việc cần làm thì vẫn phải làm song cá nhân tôi rất hồ nghi ở khâu vận dụng, đưa bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống.
GS Nguyễn Lân Dũng: Không nên chi li như thế
Ở góc độ cá nhân, tôi hơi băn khoăn về việc phải “luật hóa” việc QRTD tại nơi làm việc. Việc QRTD hiện tại có khủng khiếp và phổ biến tới mức chúng ta cần có những quy định đặc thù về vấn đề này? Những số liệu hoặc lập luận mà các nghiên cứu xã hội học đưa ra liệu có phân biệt được rạch ròi giữa việc đâu là QRTD thật sự, đâu là những đùa nghịch, trêu ghẹo qua lại của thanh niên nam nữ?
Tôi đồng ý, ngay cả với việc trêu đùa cợt nhả, chúng ta cũng nên tìm hướng ngăn ngừa và chấm dứt, bởi đây là một cách hành xử không hay ho gì. Nhưng, đó là một vấn đề thuộc về ứng xử văn hóa, và nên được giải quyết từ góc độ văn hóa.
Nếu “lượng hóa”, cân đong đo đếm các mức độ trêu đùa để ghép thành câu chuyện QRTD, vô hình trung, chúng ta lại để ngỏ khả năng “bé xé ra to”, biến những phút bốc đồng, sơ ý của một vài thanh niên trẻ thành cái “án” rất nặng cho danh dự và nhân phẩm của họ.
Những năm tôi còn làm việc, chuyện QRTD rất ít khi xuất hiện. Có thể, do sự thay đổi của cuộc sống, vấn đề này trở nên phổ biến hơn ở thời điểm hiện tại. Hoặc cũng có thể, do mạnh dạn hơn, những người từng chịu cảnh QRTD hiện đã biết lên tiếng bảo vệ mình. Nhưng, việc “lượng hóa”, xử lý tất cả mọi vấn đề bằng các quy định, khế ước xã hội không phải là điều đã có thể áp dụng ngay ở một nền văn hóa phương Đông như Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính nội quy làm việc tại công sở hiện nay cũng thường xuyên yêu cầu mọi cá nhân nghiêm túc, lịch sự và có văn hóa trong khi làm việc. Quy định này cũng đã bao hàm vấn đề ngăn ngừa những hành vi QRTD rồi.
Nhà báo Thanh Hoa (VTV1): Càng ngại ngùng, càng cần được bảo vệ
Tôi nghĩ một số hành vi được quy định trong bộ quy tắc này, không ít người, ngay chính chị em phụ nữ, cũng đã quen tới mức chẳng còn cho đó là quấy rối nữa rồi. Ví dụ như những câu nói, trêu chọc quá mức tục tĩu, đề cập đến chuyện tình dục.
Cô bạn tôi ngày mới đi làm đã phải mở cửa bước ra ngoài vì không chịu nổi mức độ tục tĩu của câu chuyện mà các nhân viên lâu năm đang trêu đùa nhau. Càng ngại ngùng, cô càng bị trêu chọc nhiều hơn, thậm chí bị chị em trong công ty nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm vì tội “giả vờ ngây thơ trong sáng”.
Tôi nghĩ, hầu hết phụ nữ không muốn thế. Những người phụ nữ có thể trơ lì đi, có thể cùng ngồi với nam giới bàn luận công khai những chuyện như vậy, thì trước kia có lẽ cũng từng tông cửa chạy ra ngoài giống như bạn tôi. Họ trở nên như vậy, vì đó là cách để họ hòa nhập và bớt bị trêu chọc. Vì đàn ông đâu có nhu cầu trêu ghẹo người phụ nữ còn dạn dĩ hơn cả họ!
Bởi vậy, bộ quy tắc ứng xử về QRTD này là cần thiết, thể hiện sự tiến bộ và văn minh của pháp luật. Có thể có người sẽ cho rằng nó chẳng giúp được gì, và không phù hợp với Việt Nam, bởi phụ nữ Việt Nam rất e ngại lên tiếng về vấn đề này, bởi mọi người thường dĩ hòa vi quý, không muốn đụng chạm. Nhưng tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam càng e ngại và không dám lên tiếng thì họ lại càng cần được bảo vệ tốt hơn chứ!
Hơn nữa, một khi có những quy định cụ thể, chắc chắn những người định quấy rối người khác sẽ phải lo lắng và ngại ngùng hơn. Còn phụ nữ, nếu họ nói ra mà mọi chuyện được giải quyết, họ sẽ lên tiếng.
Quan trọng nhất là những người sử dụng lao động và Công đoàn các cơ quan, tổ chức, phải thực sự quan tâm, lắng nghe, và giải quyết có hiệu quả để bảo vệ những người dám lên tiếng.
Trong công việc của mình, tôi cũng tiếp xúc với nhiều người đàn ông rất văn minh và vô cùng tôn trọng phụ nữ. Có người phụ nữ nào không mong muốn làm việc trong những môi trường có những người như vậy? Luật pháp, bên cạnh việc xử lý các hành vi vi phạm, thì còn có tác dụng răn đe, điều chỉnh hành vi và cả nhận thức nữa.
Nếu có những quy tắc có thể giúp điều chỉnh những hành vi, những nhận thức lệch lạc, để phụ nữ được sống trong một môi trường làm việc văn minh hơn, được tôn trọng hơn, thì tại sao lại không ủng hộ?
Mỹ Mỹ - Ngọc Diệp – Cúc Đường (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất