20/08/2016 15:18 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Trung Quốc đang thành công hay thất bại tại Olympic Rio de Janeiro 2016? Chưa dễ kết luận. Dù sao đi nữa, đây rất có thể là kỳ Olympic mang tính cột mốc, sẽ làm thay đổi thể thao Trung Quốc trong tương lai. Không phải kỷ lục thế giới hay chức vô địch danh giá nào, thay đổi lớn đến từ một chiếc HCĐ trong môn bơi lội!
Có vẻ là đang thất bạiỞ các môn thể dục, Trung Quốc vẫn chưa có HCV sau khi kết thúc 10/18 nội dung tại Olympic Rio de Janeiro 2016 (tới ngày 15/8). Đấy hẳn nhiên là một bước lùi so với lúc Trung Quốc đoạt 11 HCV tại sân nhà Bắc Kinh 2008. Bốn năm trước, tuy "chỉ" giành 5 HCV, Trung Quốc vẫn dẫn đầu bảng huy chương trong môn sở trường này. Đã thế, có vẻ như cả thế giới chỉ đang mải mê ngưỡng mộ nữ VĐV da đen Simone Biles trong đội tuyển Mỹ, như một biểu tượng mới ở môn thể thao kinh điển này.
Thể dục là một trong sáu môn thể thao mà Trung Quốc luôn có huy chương ở bất cứ kỳ Olympic nào họ tham dự. Ngoài bước lùi về thể dục, Trung Quốc cũng không thể hài lòng với vỏn vẹn 1 HCV ở môn sở trường thứ 2 là bắn súng. Tại hai kỳ Olympic vừa qua, Trung Quốc có tổng cộng 7 HCV trong môn này.
Ngược lại, Trung Quốc vẫn chưa có đối thủ xứng tầm ở môn nhảy cầu, khi giành 4 HCV trong 5 nội dung đầu tiên. Môn này có 8 bộ huy chương, Trung Quốc từng giành 6 và 7 HCV nhảy cầu trong hai kỳ Olympic Bắc Kinh và London vừa qua.
Cú ngã của You Hou tượng trưng cho sự trượt dài của TDDC Trung Quốc
Cử tạ và bóng bàn là hai môn sở trường khác mà Trung Quốc vẫn đang giữ vững tư thế cường quốc hàng đầu. Các nội dung đơn nam và đơn nữ trong môn bóng bàn đều kết thúc bởi các trận đấu "nội bộ" của đoàn Trung Quốc. Môn "mũi nhọn" còn lại của thể thao Trung Quốc ở đấu trường Olympic là cầu lông thì chưa ngã ngũ tính đến thời điểm này.
Tóm lại, mọi chuyện vẫn đang diễn ra ở mức độ bình thường, dù cái nhìn trên bề mặt cho thấy có vẻ như đây không phải là kỳ Olympic "ưng ý" đối với đoàn thể thao Trung Quốc. Giới quan sát đánh giá Trung Quốc "không thành công" chủ yếu là vì nước này chỉ có vỏn vẹn 1 HCV bơi lội, 1 HCV bắn súng (hai môn được xem là "mỏ huy chương", đều đã kết thúc) và đang thất thế trong các môn thể dục, như đã nêu.
Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc chỉ so kè với Anh ở thời điểm giữa đại hội và coi như không còn hy vọng tranh chấp vị trí số 1 toàn đoàn với Mỹ. Đây có phải là thất bại hay không, cũng còn tùy vào cách đánh giá riêng của mỗi người. Lập luận cho rằng Trung Quốc thất bại tại Rio 2016 dựa vào chính thái độ của đoàn thể thao này trong những ngày qua: họ phàn nàn quá nhiều, về gần như mọi chuyện - cả trong lẫn ngoài chuyên môn. Có ai thành công mà lại tỏ ra không vui!
Vì sao cứ phải... cau có?
Trung Quốc cho rằng họ bị trọng tài xử ép, hoặc ít ra là chấm điểm không hợp lý trong môn thể dục. Họ phản đối việc tay bơi Úc Mack Horton gọi Sun Yang là "kẻ doping" (dù Sun Yang từng có quá khứ doping thật). Ngoài chuyên môn thì đấy là chuyện ban tổ chức dùng không đúng quốc kỳ Trung Quốc. Rồi những bất tiện trong việc ăn, ở, di chuyển đoàn Trung Quốc cho rằng dẫn đến hệ quả là VĐV của họ không thể thi đấu với phong độ tốt nhất.
Một cách tổng quát: quả có tình trạng đoàn thể thao Trung Quốc tỏ ra không hài lòng về kỳ Olympic Rio 2016 này. Bằng chứng là biên tập viên Wang Jingjin của một tờ Gusu Evening News ở Tô Châu đã viết bài: "Vì sao đoàn thể thao Trung Quốc sẽ không ngừng than vãn về Olympic Rio de Janeiro 2016?".
Sun Yang không thật thanh thản trong suốt quá trình đua tranh dù sau đó giành HCV
Có hai khía cạnh đáng bàn. Về chuyên môn, Trung Quốc từng vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Bắc Kinh 2008 và do vậy, không ít người hâm mộ Trung Quốc kỳ vọng họ sẽ lại tranh chấp vị trí cao nhất tại Olympic này. Khác biệt về sự đầu tư từ phía nhà nước cũng như phương pháp tập huấn cho thấy Trung Quốc quả có thể trở thành cường quốc thể thao số 1 thế giới. Ở đa số cường quốc phương Tây, thể thao là chuyện của xã hội và chính quyền không trực tiếp đầu tư hoặc trợ giúp cho các ngôi sao thể thao - đấy là khác biệt quan trọng.
Ở khía cạnh ngoài chuyên môn, nhà báo Wangjin chỉ rõ: thật ra thì sau Olympic Bắc Kinh 2008, đoàn thể thao Trung Quốc luôn phàn nàn rằng họ không được tranh tài trong điều kiện tốt nhất. Vì những nước chủ nhà Olympic khác không xem trọng việc tổ chức đại hội thể thao lớn nhất hành tinh? Không phải, mà vì chính Trung Quốc đã quá xem trọng việc tổ chức đại hội này, từ đó họ luôn cảm thấy khác biệt mỗi khi dự Olympic ở nước khác.
Sẽ có một sự đổi thay?
Với các ngôi sao thể thao Trung Quốc, cái câu "được tất cả hoặc không có gì" chính xác đến mức ám ảnh. Không đoạt HCV như sự kỳ vọng, họ gần như chắc chắn trở thành "tội đồ". Còn ai nhớ đến người hùng Liu Xiang? Anh là VĐV điền kinh nam đầu tiên của Trung Quốc từng đoạt HCV Olympic (110m rào tài Athens 2004), là VĐV chạy vượt rào duy nhất trong lịch sử từng sở hữu cùng lúc 3 danh hiệu lớn: vô địch Olympic, vô địch thế giới và giữ kỷ lục thế giới. Liu Xiang trở thành cả một biểu tượng văn hóa chứ không chỉ là ngôi sao điền kinh nổi tiếng nhất Trung Quốc. Và, ngay giữa đỉnh cao phong độ (25 tuổi), Liu Xiang sụp đổ dưới núi áp lực tại Bắc Kinh 2008, cũng như Olympic London 2012 sau đó. Không phải ai cũng tin rằng Liu Xiang đành bỏ cuộc vì không vượt qua chấn thương ở các kỳ Olympic ấy.
Trong những ngày qua, tại Rio 2016, có một câu chuyện ngược lại. Tay bơi nữ Fu Yuanhui tỏ ra ngỡ ngàng, không biết mình đã đoạt HCĐ ở cự ly 100m ngửa với thành tích 58"76 - kỷ lục châu Á. Phản ứng của cô gái đặc biệt này sau khi nghe kết quả, khi được một phóng viên cho biết rằng cô đoạt HCĐ, và sau khi lĩnh huy chương, có thể sẽ trở thành một trong những biểu tượng của kỳ Olympic Rio 2016 này. Tràn ngập vẻ hồn nhiên, lại có cả cảm giác bất ngờ của người... trúng số độc đắc.
Fu Yuanhui chỉ giành HCB nhưng có nụ cười tỏa nắng
Chỉ là HCĐ thôi mà! Vâng, đấy mới là chi tiết đắt giá nhất của câu chuyện. "Tôi không chờ đợi gì hết, thế này là quá vui rồi" - Fu nói khi lọt được vào đợt bơi chung kết. Thế rồi, cách ăn mừng chiếc HCĐ với hàng loạt hành động "kỳ lạ" của Fu Yuanhui bỗng đưa người ta trở lại với cái thời kỳ xa xưa, khi tinh thần nghiệp dư ngự trị ở sân chơi Olympic, khi mục đích tối thượng ở đấy là niềm vui góp mặt chứ không phải là việc tranh chấp ngôi cao. Đã có ngay một nhân vật hoạt hình được vẽ theo gương mặt của Fu Yuanhui ở Trung Quốc. Trong vòng 2 ngày, lượng người theo dõi Fu Yuanhui trên mạng xã hội ở Trung Quốc tăng từ vài trăm ngàn lên đến 4 triệu.
Thể thao trước tiên cứ phải là niềm vui thuần túy? Đấy là chi tiết tích cực mà tay bơi ít tên tuổi Fu Yuanhui đang truyền đạt trong nền thể thao Trung Quốc. Giới quan sát bên ngoài tỏ ra thích thú điều này. Giới chuyên môn ở Trung Quốc có lưu ý câu chuyện của Fu hay không, đấy lại là chuyện khác. Nhưng trước mắt, Fu đã gây ảnh hưởng rõ ràng đến giới hâm mộ trẻ Trung Quốc, qua câu chuyện kỳ lạ của mình.
TÂN GIA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất