31/08/2017 16:15 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tổ chức một cuộc họp báo mùa Hè trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức. Tại đây bà đã chia sẻ về nhiều vấn đề của châu Âu như khủng hoảng Ukraine, nhập cư… Bên cạnh đó, bà cũng ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Chia sẻ nhiều vấn đề quan trọng của châu Âu
Tại cuộc họp báo mùa Hè ngày 29/8, Thủ tướng Merkel đã nêu ra một loạt vấn đề quan trọng của châu Âu như cuộc khủng hoảng người di cư, khu vực sử dụng đồng euro, hiệp ước Schengen, quan hệ giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ…
Về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, bà Merkel bày tỏ mong muốn có quan hệ tốt hơn với chính quyền Ankara mặc dù hiện nay đang là giai đoạn phức tạp trong quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Đức đã kêu gọi chính quyền Ankara thả các công dân Đức bị giam giữ sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo Đức gọi việc giam giữ này là “không công bằng”.
Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các mối quan hệ tốt đẹp hơn, song cần phải tuân theo các nguyên tắc của luật pháp”. Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ khoảng 10 người Đức với các cáo buộc mà chính quyền Đức cho là thiếu minh bạch.
Về tình hình Khu vực đồng euro (Eurozone), Thủ tướng Đức Merkel đánh giá các số liệu hiện nay cho thấy tất cả các nước thành viên Eurozone đều đạt tăng trưởng kinh tế, kể cả Hy Lạp. Khu vực này đang trong vị thế tốt hơn nhiều so với 1 năm trước. Hy Lạp cũng đang hưởng lợi từ việc có nhiều việc làm hơn và sự thịnh vượng hơn.
Bên cạnh đó, bà Merkel Thủ tướng Đức cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble biến Cơ chế Bình ổn châu Âu thành Quỹ Tiền tệ châu Âu vì điều này có thể làm cho châu Âu ổn định hơn.
Về vấn đề người di cư vốn đang được dư luận Đức đặc biệt quan tâm, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực tự do đi lại Schengen, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 11/2017 tới. Khu vực tự do đi lại Schengen gồm 22 nước EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ đã sụp đổ sau khi khoảng 1,5 triệu người tị nạn và di cư đến EU trong năm 2015 và 2016, khiến liên minh này gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh làn sóng người tị nạn và di cư tràn vào châu Âu, kể từ năm 2015 đến nay, Đức đã cho phép hơn 1 triệu người nhập cư xin tị nạn và với quyết định này, Thủ tướng Merkel đã phải chịu nhiều áp lực từ các phe phái phản đối cũng như ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà.
Tuy nhiên, bà Merkel đến nay vẫn bảo vệ chính sách mở cửa chào đón người tị nạn của mình, đồng thời khẳng định các cuộc biểu tình phản đối chính sách này sẽ không thể cản trở được bà vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Bà khẳng định, việc mở cửa biên giới đối với người tị nạn là một quyết định quan trọng và chính xác trong "trong tình huống nhân đạo ngoại lệ". Theo bà, “các quốc gia châu Âu chỉ có thể sống trong thịnh vượng và an toàn nếu chúng ta cùng nhau nhìn vào bức tranh tổng thể."
Tìm hướng đi tích cực với Nga
Một vấn đề không kém phần quan trọng được đề cập trong cuộc họp báo mùa hè lần này của Thủ tướng Merkel, đó là mối quan hệ với Nga. Bà Merkel ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga bởi theo bà điều này sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Nga và Đức, song phải đi kèm với một số điều kiện.
Cụ thể, bà Merkel cho rằng việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn là vô cùng quan trọng và việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn chưa có giải pháp hiệu quả, bà khẳng định sẽ tiếp tục làm việc hết sức mình để tìm kiếm một phương pháp ràng buộc các bên thực hiện điều kiện hòa bình - thỏa thuận Minsk về các khu vực Donbass.
Thực tế quan hệ Nga và phương Tây đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga (hồi tháng 3-2014) dẫn đến các vấn đề nảy sinh liên quan tới cuộc xung đột tại Donbass, miền Đông Ukraine. Thỏa thuận Minsk được coi là cơ sở để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Donbass, song cho đến nay, các bên xung đột vẫn cáo buộc nhau chưa thực thi triệt để thỏa thuận này.
Trong bối cảnh này, bà Merkel cho biết Đức-Pháp đang rất nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ Normandy gồm Nga, Đức, Pháp và Ukraine. Trong một tuyên bố chung ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tôn trọng đầy đủ các cam kết, ủng hộ lệnh ngừng bắn một cách công khai và rõ ràng, đảm bảo đưa ra những chỉ đạo hợp lý cho quân đội cũng như các lực lượng địa phương.
Có thể dễ dàng nhận thấy, thông qua những tuyên bố và khẳng định mạnh mẽ về thỏa thuận Minsk mang đậm tính chất "xử lý khủng hoảng", nữ Thủ tướng Đức đang thể hiện rõ ý chí quyết tâm của mình là tìm ra một hướng đi tích cực cả về chính trị lẫn kinh tế với Nga, từ đó phát triển nền kinh tế của Đức, và khẳng định vị thế của chính bà trong lòng người dân.
Các nhà phân tích đánh giá, sự ủng hộ Nga của bà Merkel cũng đã từng được thể hiện khá rõ ràng trong cuộc gặp giữa bà và Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi hồi tháng 5/2017.
Khi đó, bà Merkel đã nhấn mạnh rằng Nga là "đối tác xây dựng", đồng thời bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ sau khi Thỏa thuận Minsk 2 được thực hiện thành công. Theo bà Merkel, bất chấp những vấn đề đang tồn tại trong quan hệ song phương, Đức và Nga vẫn cần phải thường xuyên tiến hành đối thoại để "hiểu nhau hơn".
Nhìn chung, đánh giá về cuộc họp báo lần này của Thủ tướng Merkel, giới truyền thông đều cho rằng, những bước đi trong chính sách của bà đang cho thấy bà có đủ quyết tâm để vững vàng đưa nước Đức trở nên phát triển hơn nếu tiếp tục đắc cử với vị trí người đứng đầu đất nước.
Hiện nay, khi mà chỉ còn 4 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Đức (dự kiến vào ngày 24/9 tới), các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) thuộc phái bảo thủ của bà Merkel có thể nhận được khoảng 38% số phiếu, nhiều hơn Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) thuộc phái trung tả của cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz với tỷ lệ khoảng 22%. Điều này mang lại cơ hội để bà Angela Merkel hầu như nắm chắc cơ hội tiếp tục giữ chiếc ghế Thủ tướng Đức ở nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
TTXVN/Trọng Đức (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất