13/02/2017 20:19 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng hôm qua 12/2 tại Quán sách Mùa Thu (Đường sách TP.HCM) diễn ra cuộc giao lưu về “Nghệ thuật đóng sách và đóng sách nghệ thuật” với nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm Việt kiều Bỉ. Tại đây, nhiều người lần đầu tận mắt nhìn thấy những ấn bản từ thế kỷ 15 thời trung cổ được ông Dư Thanh Khiêm đem về từ nước ngoài.
Có 42 hiện vật gồm những dụng cụ đóng sách và các cuốn sách đã trường tồn qua thời gian được trưng bày trong dịp này. Xem những dụng cụ đóng sách của ông Dư Thanh Khiêm sưu tập được, có thể thấy sự kỳ công để làm ra một cuốn sách cũng như giữ gìn cuốn sách đó qua thời gian.Những cuốn sách chỉ dành cho quý tộc
Đặc biệt trong số các ấn bản trong bộ sưu tập của ông Dư Thanh Khiêm có Thủ bản (manuscrit) in năm 1450. Thời Trung cổ các thủ bản thường được thực hiện trong các tu viện và hoàn toàn làm bằng thủ công. “Giấy” làm từ da bê chết lúc lọt lòng để hội đủ ba điều kiện: trắng, trong và mỏng. Về màu sắc, màu xanh từ đá quý xay mịn, màu vàng từ vàng dát và màu đỏ từ một loại sâu trong rừng.
Ông Dư Thanh Khiêm đang giới thiệu Thủ bản trên da bê được viết bằng đá quý, vàng và sâu rừng
Ông Khiêm giới thiệu “tờ giấy” đặc biệt này: “Các chữ cái viết hoa đều được các nghệ nhân viết bằng tay trên màu mực đá quý xanh và vàng mài ra. Riêng màu đỏ lấy từ một loại sâu rừng, bắt sâu đem về nuôi béo rồi tán nhuyễn trở thành màu mực trải qua hàng thế kỷ không phai”.
Những cuốn sách in “thủ bản” kiểu này thường dành cho giới quý tộc châu Âu, một số ấn bản chỉ dành cho vua chúa nên độ quý hiếm khiến nhiều nhà sưu tập sách chỉ có dám ước mơ.
Ông Dư Thanh Khiêm hiện làm hiệu trưởng một trường dạy nghề tại Bỉ, cho hay: “Với lương của một hiệu trưởng nhưng đứng trước một số cuốn sách, tôi không dám nghĩ là lương của mình có thể mua được một trang sách. Thứ nhất là tôi không đủ tiền và thứ hai là sách được in ra để phục vụ giới quý tộc chứ không phải ai muốn cũng có”.
Vậy làm sao sách những cuốn sách quý tộc này lọt ra ngoài dân gian? Ông Khiêm cho rằng: “Sau nhiều đời được một gia tộc sở hữu, đến một đời nào đó không có người thừa kế, thì những cuốn sách quý này mới được bán ra. Có những cuốn sách in từ thế kỷ 15 nhưng trông như mới vừa được in xong. Điều này nhờ họ giữ gìn sách quá tốt cũng như cách bảo quản sách tuyệt hảo”.
Như vậy, muốn một cuốn sách “trường thọ” đầu tiên cần giữ gìn thật tốt, ở đây là các quý tộc hay vua chúa “biết đá biết vàng” chứ không phải là những bạo chúa đem sách đi đốt.
Thủ bản làm từ da bê, đá quý màu xanh, vàng và sâu rừng
Nghề chơi cũng lắm công phu
Tại đây, ông Khiêm giới thiệu cuốn Thánh kinh đầu tiên của Hà Lan - một trong những cuốn ít gặp còn nguyên khóa. Ở bốn góc bìa cuốn Thánh kinh này có bốn khuy để bảo vệ da bìa khi mở sách.
Ông Khiêm cho biết còn lưu giữ ấn bản chữ đất nung từ Iraq, nhưng không tiện để mang về triển lãm vì sợ bị vỡ.
Giới chơi sách chia làm hai lãnh vực: đóng sách và phục chế sách. Ông Khiêm, cho biết: “Trong suốt quá trình gần 2.000 năm, nghệ thuật đóng sách đã gom góp kiến thức của nhiều lĩnh vực: thuộc da, sản xất giấy, kim hoàn, mộc, thêu thùa, hóa chất, hội họa và không ngần ngại sử dụng những dụng cụ của y khoa, nha khoa vào trong ấn loát... Kể từ thập niên 1970, đóng sách không còn đơn thuần chỉ là một nghề kiếm sống. Những bước ngoặt ngoạn mục trong ngành đã làm cho việc đóng sách trở thành một nghệ thuật đầy sáng tạo với những tên tuổi mê hoặc giới sưu tầm”.
Ví dụ khi một cuốn sách bọc da bò bị mất gáy, phải nối chỉ bằng gân bò để gắn vào bìa mới, thêu gân gáy và bọc toàn da. Hoặc nếu sách bị rách, cần tìm chất liệu giấy đồng dạng để vá lại. Xem những vật dụng đóng sách các loại của ông Dư Thanh Khiêm, mới thấy để giữ nguyên trạng một cuốn sách quý cần hiểu khoa học kỹ thuật kèm với lòng đam mê sách.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất