Bí thư huyện ủy vào UBND xã: 'Vi hành' thời hiện đại

10/07/2018 07:12 GMT+7

(lienminhbng.org) - Ông Nguyễn Hữu Quế (Bí thư Huyện ủy Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vừa có chuyến giả dạng thường dân, đi trụ sở UBND xã Ia Pếch để kiểm tra lề lối làm việc. Báo giới gọi chuyến đi ấy là "vi hành".

Và trong chuyến "vi hành" đặc biệt ấy, ông lập tức có một trải nghiệm thú vị. Vào UBND xã, bắt gặp một nhân viên đang gác chân lên bàn làm việc để ngủ trong giờ làm việc, ông nhắc nhở thì lập tức nhân viên này trừng mắt và hếch mặt lên hách dịch hỏi: "Có việc gì?".

Ở một nơi khác, xã Ia Khai, ông Quế đến kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự tại xã thì vắng từ đầu tới cuối, không ai trực. Thậm chí phòng công an xã mở cửa nhưng không có ai. 

Từ cổ chí kim, vi hành là cách thức được nhiều vị vua - hay rộng ra là giới lãnh đạo - chọn thực hiện, mà mục đích chính là để biết cấp dưới làm việc như thế nào, để hiểu hơn về lòng dân. Đồng thời, từ kinh nghiệm vi hành đó, giới lãnh đạo cũng sẽ tu chỉnh lại cung cách làm việc của chính mình. Sử sách kể rằng sau khi vua Lê Thánh Tông gặp Quận Gió - một trùm ăn trộm ở kinh thành - ông đã thay đổi nhiều điều, trong đó có việc phòng chống nạn tham nhũng, hối lộ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hữu Quế (phải) chia sẻ việc "vi hành" chấn chỉnh cấp dưới với phóng viên. Ảnh: Báo Người lao động

Ngày xưa, dù đường sá rất khó khăn, nguy hiểm, nhưng việc vi hành sẽ tương đối dễ dàng, vì “dung nhan” của vua quan đâu có mấy người nhìn thấy, trực tiếp gặp cấp dưới, gặp dân dễ hơn. Với công nghệ và thông tin như ngày nay, việc cải trang để vi hành không hề đơn giản, vì cấp dưới sẽ dễ dàng nhận ra. Việc một cán bộ xã không nhận ra diện mạo của bí thư huyện mình - như trường hợp ở vị ở xã Ia Pếch - là điều rất hiếm hoi.

Nhưng tất nhiên, khó vậy chứ khó nữa thì hành động của ông Nguyễn Hữu Quế cũng là một gợi ý thú vị về chuyện tăng cường vi hành thời hiện đại.

Bởi những gì diễn ra trong chuyến đi của ông cho thấy: việc cán bộ hách dịch, cửa quyền vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi. Và cán bộ lãnh đạo "vi hành" để quản lý sâu sát và hiệu quả hơn thì rất đáng hoan nghênh.

Ông Quế, như lời chia sẻ với báo giới, tin rằng hiểu được cán bộ cấp dưới thế nào thì chỉ có cách mặc áo quần bình thường để kiểm tra thì mới nắm tình hình thực chất. Bởi thế, trước đây, khi còn là lãnh đạo ngành giao thông tỉnh Gia Lai, ông cũng từng "mật phục" và xử phạt cấp dưới vì để xảy ra tình trạng xe quá tải lan tràn.

***

Nhìn ở phía ngược lại, nhất là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, việc một lãnh đạo huyện xuống tận xã không phải bao giờ cũng phổ biến. Một số cán bộ xã than phiền rằng suốt cả nhiệm kỳ mà chưa hề thấy “dung nhan” lãnh đạo quá bước xuống cơ sở một lần.

Ngồi trong văn phòng máy lạnh, tìm hiểu sự thật chủ yếu qua các bản báo cáo từ cấp dưới - đó là lý do để một số nơi xảy ra chuyện lãnh đạo “xa rời quần chúng”, hay “thiếu sâu sát với cán bộ cấp dưới”.

Tính đến tháng 4/2018, Việt Nam có 11.162 đơn vị cấp xã hoặc tương đương, kèm theo đó là 713 đơn vị cấp huyện hoặc tương đương. Bình quân mỗi đơn vị cấp huyện quản lý gần 16 đơn vị cấp xã, nếu trong một nhiệm kỳ, lãnh đạo cấp huyện muốn "vi hành" vài lần, cũng không mất quá nhiều thời gian.

Biết làm thế nào được, khi ở thời hiện đại, văn bản và máy móc vẫn chưa thể thay thế được... sự trung thực và trách nhiệm của mỗi con người. Bởi thế, những người như ông Quế vẫn phải chọn cách "vi hành" trực tiếp.

Bộ trưởng 'vi hành' kiểm tra lễ hội

Bộ trưởng 'vi hành' kiểm tra lễ hội

Ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra đột xuất công tác tổ chức lễ hội tại tỉnh Ninh Bình.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm