(lienminhbng.org) - Ở tuổi sắp thất thập, ông Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam vẫn đều đặn duy trì một thói quen thường nhật: Hàng ngày dành thời gian đủng đỉnh đạp xe tới Trung tâm phát hành của Thông tấn xã Việt Nam (phố Phan Huy Chú, Hà Nội) để lấy một tờ Thể thao và Văn hóa mang về …
Đó là chia sẻ của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 33 năm ngày Thể thao & Văn hóa ra mắt số báo đầu tiên.
1. Tính ra, thói quen ấy cũng chỉ khiến hành trình của họa sĩ Lương Xuân Đoàn kéo dài ra thêm ít phút đồng hồ trên đường. Buổi sáng, ông mất khoảng 15 phút để đạp xe từ nhà riêng ở gần hồ Ba Mẫu tới trụ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo). Nếu trò chuyện với những người ở nơi phát hành, thời gian có thể dài thêm chút.
“Thì đúng là tôi cũng hay trò chuyện với anh em khi lấy báo. Cũng là quen biết với nhau cả” - ông kể - “Nhiều lúc vui vẻ, bên cạnh Thể thao và Văn hóa, tôi còn được tặng thêm cả mấy tờ báo khác của TTXVN”.
Những gì đang diễn ra bắt nguồn từ một thói quen đã kéo dài mấy chục năm qua, khi mỗi ngày, họa sĩ vẫn đều đặn ghé lại đây, để sau đó rời đi với tờ Thể thao và Văn hóa kẹp trên xe.
Và tính ra thì họa sĩ này cũng là người giữ một kỷ lục thú vị: Bắt đầu cộng tác với Thể thao và Văn hóa từ giữa thập niên 1990, đến giờ, ông đã có gần 1/4 thế kỷ nhận báo biếu cho mình.
“Đó là niềm vui, và cũng là sự gắn bó với một người bạn thân thiết không thể thiếu như Thể thao và Văn hóa” - ông nói.
Trò chuyện, họa sĩ Lương Xuân Đoàn dường như vẫn còn nguyên cảm xúc khi nhắc đến Thể thao và Văn hóa từ thời còn ra 2 số/tuần, với những chuyên trang cố định: Điện ảnh trong tháng, Kiến trúc trong tháng, Sân khấu trong tháng… Và tất nhiên, không thể bỏ qua trang Mỹ thuật trong tháng - mà ông vừa là độc giả, vừa là người tham gia vào việc tổ chức bài vở khi cần.
Như chia sẻ của họa sĩ, khi những trang chuyên đề này xuất hiện vào giữa thập niên 1990, Thể thao và Văn hóa đã rất sớm có uy tín và dần dần được trông đợi có tiếng nói riêng trong những cuộc tranh luận về nghệ thuật bấy giờ.
“Riêng với mỹ thuật, đó là một giai đoạn rất đặc biệt với sự xuất hiện và nổi lên của những gương mặt mà chúng tôi thường gọi là thế hệ tiền Đổi Mới. Họ có quan điểm riêng, có xu hướng muốn cách tân về mỹ thuật” - ông kể - “Và đối lập với thế hệ ấy là những người tạm gọi là bảo thủ, vẫn muốn dùng tư duy của những quan điểm mỹ học - vốn tồn tại hàng chục năm qua - để soi chiếu hiện tại”.
Họa sĩ nói thêm: “Trang Mỹ thuật trong tháng của Thể thao và Văn hóa với những tiếng nói của Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Nguyễn Xuân Tiệp, Phan Cẩm Thượng... đã cho thấy chính kiến và sự sòng phẳng để lên tiếng bảo vệ xu thế đổi mới trong một giai đoạn bản lề của Mỹ thuật Việt Nam. Gần như tất cả những bài báo của chuyên mục Mỹ thuật trong tháng của Thể thao và Văn hóa đều được tôi giữ đến giờ. Thỉnh thoảng đọc lại, tôi thấy chúng hoàn toàn xứng đáng để tuyển chọn và in thành một tập tư liệu giá trị...”.
2. Đồng hành với Lương Xuân Đoàn mấy chục năm, những tờ báo in Thể thao và Văn hóa đã trở thành một phần quen thuộc trong cách tiếp nhận thông tin mỗi ngày của họa sĩ. Cho dù, 2 thập kỷ qua, Internet và báo mạng bùng nổ, để rồi rất nhiều tờ báo - trong đó có Thể thao và Văn hóa - cũng đã có báo điện tử của riêng mình.
“Đó là câu chuyện về sở thích của cả một thế hệ. Sự thay đổi của xã hội khiến những độc giả trẻ quen với công nghệ. Họ có thể lướt web, đọc báo mạng qua điện thoại và chỉ mất vài phút để nắm bắt nhanh mọi thông tin khái quát trong ngày” - ông nói - “Còn lại, những người lớn tuổi như tôi vẫn thích mở một tờ báo giấy trên tay, nhẩn nha tìm những chuyên mục gắn bó với mình để bắt đầu hành trình đi qua từng trang báo”.
Trong một chừng mực, họa sĩ Lương Xuân Đoàn không phải là người thích đọc báo mạng. Như lời ông, dòng thông tin ngồn ngộn và luôn dễ dàng biến đổi ấy không làm cho ông có cảm giác thú vị như trước tờ báo in, nơi “giấy trắng mực đen” và đòi hỏi những người làm báo phải nghiêm cẩn nhất với bài viết của mình.
Thực tế, nếu có những sự việc mang tính thời sự cần nắm bắt nhanh, ông vẫn sẵn sàng truy cập mạng Internet để đọc báo và nắm bắt thông tin. Nhưng, việc lấy một tờ báo in như Thể thao và Văn hóa, mang về nhà và đọc vào buổi tối khuya, giữa phút nghỉ ngơi khi ngồi bên giá vẽ, vẫn là một cái thú đặc biệt.
Điều đó, trong một chừng mực, cũng giống như thói quen đi xe đạp, vốn đã trở thành giai thoại truyền miệng qua bạn bè họa sĩ Lương Xuân Đoàn. Sự thực, không phải ông chưa bao giờ đi xe máy, như câu chuyện kể của nhiều người. Chỉ có điều, lần ngồi xe máy hiếm hoi nhất, theo như trí nhớ của họa sĩ, cũng đã diễn ra từ mười mấy năm trước.
Sự lựa chọn ấy, như cách nói của ông, là việc không muốn cưỡng lại bản thể của chính mình. Những phút đạp xe của họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng chính là những lúc thả lỏng, tìm sự thư thái và cân bằng trước những luồng suy nghĩ luôn chen lấn nhau trong một ngày làm việc. Cũng giống như, thêm mấy trăm ngàn trả cho dịch vụ giao báo tại nhà không phải là một điều phức tạp trong điều kiện sống hiện tại. Nhưng, ông muốn tự đi lấy báo, để có thể được sống trọn vẹn với cảm xúc đã hình thành trong mấy chục năm trời, như đã có.
Sơn Tùng