(lienminhbng.org) - Ngày hôm nay 24/6, ở tuổi 74, Xuân Đức chính thức về với đất mẹ. 4 ngày trước đó, tin nhà văn - nhà viết kịch này qua đời đã khiến nhiều bè bạn trong giới phải bàng hoàng.
Tác giả 'Nỗi buồn chiến tranh' không ngờ “đám trẻ viết tốt thế” về chiến tranh, còn Chu Lai, tác giả 'Vòng tròn bội bạc' cảm thấy lớp nhà văn 8x, 9x thật đáng trân trọng.
1. Cả cuộc đời mình, Xuân Đức chủ yếu sống ở Quảng Trị. Nhưng, cái tên ông lại không hề xa lạ với các đoàn sân khấu phía Bắc. Sơ sơ, gần chục kịch bản của Xuân Đức đã được dàn dựng tại đây như: Người mất tích, Chứng chỉ thời gian, Cái chết chẳng dễ dàng gì... Bởi thế, mỗi lần ra Hà Nội, Xuân Đức trở thành cái tên khá “hot” cho báo giới.
Tóc bạc, khuôn mặt khắc khổ, ăn vận xuề xòa, nhìn qua chẳng ai nghĩ Xuân Đức đã có nhiều năm làm giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Trị. Và thực tế, cũng không khó để gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn - nhà viết kịch này. Với ông, chỉ một khoảng trống bên hành lang, đủ để ngồi xổm với điếu thuốc trên tay là câu chuyện có thể bắt đầu.
Nhưng, khi vào chuyện, người ta mới hiểu, những gì mà Xuân Đức đau đáu lại không hề đơn giản như vẻ ngoài của ông.
Quê nội lẫn quê ngoại Xuân Ðức ở 2 bờ Hiền Lương: Cha bờ Nam, mẹ bờ Bắc. Cả một tuổi trẻ của Xuân Đức gắn với vùng đất nổi tiếng trong chiến tranh ấy. Để rổi, ở tuổi 18, ông ra mặt trận, chiến đấu trong một tiểu đoàn bộ đội địa phương - và cứ vậy, ở trong quân ngũ suốt 25 năm liền.
Như lời Xuân Đức, với bất cứ tác giả nào, những gì mà họ thật sự dấn thân và nếm trải chắc chắn sẽ luôn trở đi trở lại trên trang viết, dù ở hình thức nào đi nữa. Ở Xuân Đức, cái sự “trở đi trở lại” ấy là kết tủa của chiến tranh, của đời lính và đặc biệt là của những con người sống tại Quảng Trị - nơi chứng kiến những éo le và khốc liệt nhất của đất nước trong một giai đoạn dài.
Bởi thế, không có gì lạ khi rất nhiều những vở kịch của Xuân Đức đều viết về chiến tranh. Với ông, đó là một mảng đề tài mênh mông và luôn ám ảnh bản thân, với bao điều cần lý giải, cần tôn vinh và cả những chiêm nghiệm cần được giãi bày. Ông nói, đó là một cái mốc đặc biệt của lịch sử và dân tộc - để rồi mỗi khi cầm bút, bản thân mình lập tức không thể dứt ra.
2. Kể cả không trực tiếp viết về chiến tranh, nhưng người tinh ý vẫn nhìn thấy bóng dáng của nó từ Xuân Đức, qua những gì mà ông thể hiện qua cá tính và thân phận của nhân vật.
Nhưng sẽ là sai lầm, nếu nghĩ rằng những trang viết của Xuân Đức về đề tài chiến tranh (và hậu chiến tranh) đều đơn điệu và một màu - như định kiến của nhiều người về những sáng tác thuộc mảng này.
Với những độc giả 7X, hẳn nhiều người vẫn nhớ Người không mang họ - cuốn tiểu thuyết từng tạo cơn sốt vào giữa thập niên 1980 với 5 lần tái bản và 10 vạn bản in - một kỷ lục ở thời điểm ấy.
Nhiều năm trước, người viết từng có dịp được Xuân Đức kể về cơ duyên để viết cuốn sách đặc biệt này. Thuở nhỏ, bên bờ Bắc Hiền Lương, ông có người bạn cùng cắt cỏ chăn trâu tên Lạng. Một lần ông thấy bạn thở dài thườn thượt và nói rằng muốn đi tìm cuộc sống mới, rồi vài hôm sau vượt tuyến.
Để rồi, nhiều năm sau, khi viết Người không mang họ, ông lấy cái tên Lạng, và cả những ký ức về người bạn cũ, để đặt cho nhân vật chính của mình. Ở đó, chàng trai Lạng gặp một bi kịch trớ trêu khi vừa là con địa chủ, vừa là con du kích - điều khiến cả hai bờ sông Bến Hải bấy giờ đều khó lòng chấp nhận anh. Và, chàng trai dần sa ngã, trở thành con quỷ sau một quãng thời gian làm người.
Ngay cả những vở diễn sân khấu về đề tài hiện đại, phong cách của Xuân Đức cũng như thế: Dữ dội, khốc liệt nhưng vẫn uyển chuyển và tinh tế khi cần. Tại Hà Nội vài năm trước, 2 kịch bản: Tai biến (Nhà hát kịch Hà Nội) và Những mặt người thấp thoáng (Nhà hát kịch Việt Nam) của ông đều để lại xúc cảm đặc biệt với người xem.
Trong lần trò chuyện về những vở diễn ấy, Xuân Đức khá suy tư. Ông bảo, khoảng nửa thế kỷ này, những sáng tác của chúng ta có thể chia làm 2 bước chính. Bước đầu tiên diễn ra trong những năm chống Mỹ, sáng tác đề tài chiến tranh, ca ngợi chính nghĩa, khai thác cảm hứng anh hùng ca, phân biệt trận tuyến địch - ta rất rõ ràng. Còn bước thứ hai, gắn với thời Đổi mới, chuyển đề tài từ cái chung sang cái riêng, từ "chúng ta" sang "tôi", từ sự hy sinh của tập thể sang quyền sống chính đáng của mỗi cá nhân. Nhưng đến giờ, diễn biến của đời sống không còn dừng lại ở chuyện về quyền của mỗi con người nữa...
“Xã hội hiện có những sự phức tạp, nghiệt ngã và éo le hơn thời xưa rất nhiều. Bây giờ, đang diễn ra cuộc vật lộn giữa sự tăm tối và trung thực, giữa những tha hóa khủng khiếp và lẽ phải, giữa những cung bậc cao cả nhất và thấp hèn nhất trong suy nghĩ của con người” - ông chia sẻ với người viết - “Thực tế ấy đòi hỏi một tác giả (đủ tầm) không thể chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực mà cần có thêm cả chiều sâu triết lý và nhân bản”.
Ngừng viết mãi mãi ở tuổi 73, bây giờ Xuân Đức đã vĩnh viễn không thể tiếp tục đi theo những suy tư, ám ảnh và cả trăn trở của mình với cuộc đời...
Vài nét về nhà văn Xuân Đức
Nhà văn Xuân Đức sinh năm 1947 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị, từng có nhiều năm làm việc trong quân ngũ. Năm 1979, ông theo học trường Viết văn Nguyễn Du khóa đầu tiên, sau đó công tác tại Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị cho tới khi chuyển ngành và làm việc tại Sở VH,TT& DL Quảng Trị.
Xuân Đức có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Cửa gió, Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân, Bến đò xưa lặng lẽ (tiểu thuyết); Ám ảnh, Chứng chỉ thời gian, Cái chết chẳng dễ dàng gì, Chuyện dài thế kỷ (kịch bản sân khấu). Ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
|
Sơn Tùng