(lienminhbng.org) - LTS: Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ VH,TT&DL chủ trì lập 2 hồ sơ trình UNESCO để được xét ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của tổ chức này. Đó là Mo Mường (Hòa Bình) và lễ hội Vía bà chúa Xứ núi Sam (An Giang).
Tại Công văn số 4591/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu một số nét về 2 di sản độc đáo này cùng bạn đọc. Trước hết là Lễ vía Bà chúa xứ Châu Đốc (tỉnh An Giang).
Nhiều nghi thức lúc nửa đêm
Bà chúa xứ được xem như phúc thần bảo hộ cư dân của vùng đất Nam bộ, nên được thờ cúng phổ biến. Một số nơi thờ tự nổi bật như ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp). Ngay ở TP.HCM cũng có như chùa Bà Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè), chùa Bà Châu Đốc 3 (quận 9)… Đây là lễ hội lớn nhất ở Nam Bộ, thu hút gần 2 triệu khách thập phương đến dự, tạo ra một mùa lễ hội.
Ở Nam Bộ, Bà chúa xứ là hiện thân của bà “chủ đất”, “chúa đất” với nhiều tên gọi như Chúa xứ Nương nương, Chúa xứ Nguyên nhung, Chúa xứ Thánh mẫu... Bà có quyền năng của một phúc thần như ông Địa, hoặc như Thành hoàng bổn cảnh. Bên cạnh đình làng to lớn, miếu Bà chúa xứ cũng nhỏ như miếu Thổ Địa. Trong các ngôi đình cũng thường có miếu Bà chúa xứ, được thể hiện bằng tranh kiếng, tượng gỗ hoặc xi măng, thạch cao. Vị nữ thần bổn xứ này uy linh thường “lấn át” các Thành hoàng bổn cảnh của đình làng. Bà ngự trị ngay cả trong các ngôi chùa của Phật giáo.
Lễ vía Bà chúa xứ tại Chúa xứ thánh miếu ở Núi Sam (Châu Đốc, An Giang) diễn ra từ ngày 23-27/4 Âm lịch, trong đó ngày chánh lễ là 25/4. Nhưng từ tháng Giêng, khách tham quan đã đến nơi đây chiêm bái. Nơi đây có cả một quần thể di tích lịch sử - văn hóa như chùa cổ Tây An, chùa Hang, Pháo Đài, đồi Bạch Vân, đồi Đá Chẹt, vườn Tao Ngộ, miếu Sơn Thần, đặc biệt là lăng Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong khai hoang lập ấp và bảo vệ biên cương Tây Nam dưới thời Nguyễn. Miếu Bà chúa xứ được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1980.
Những truyền thuyết về sự hiển linh của Bà chúa xứ đã tạo nên sự huyền ảo, sự tôn kính của người dân đối với vị nữ thần này. Từ một ngôi miếu nhỏ được xây dựng đơn sơ vào khoảng đầu thế kỷ 19, trải qua nhiều lần xây dựng, trùng tu, đến nay miếu Bà chúa xứ ở Châu Đốc là một trong những ngôi miếu lớn nhất nước, với võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của ban quý tế...
Nhiều nghi thức trang nghiêm diễn ra vào những ngày lễ hội. Lễ tắm Bà (mộc dục) diễn ra vào lúc 0h đêm 23/4, thu hút rất đông người tham dự trong không khí nhộn nhịp nhất. Trên các tuyến đường dẫn vào miếu như nêm chật cứng người. Vị chánh bái trong trang phục khăn đóng, áo dài trang nghiêm đốt hương, dâng rượu, dâng trà lên cho Bà. Những người phụ nữ được lựa chọn bước vào phía sau tấm màn để “tắm Bà” với những chậu nước thơm ngâm hoa lài, quế. Bà được mặc bộ đồ mới nhất, đẹp nhất sau lễ tắm kéo dài một tiếng đồng hồ. Những dãy nhà trong khuôn viên miếu cất giữ hàng trăm bộ đồ do người dân dâng cho Bà.
Lễ túc yết là chánh lễ, diễn ra từ 0h đêm 25 rạng sáng 26/4 Âm lịch. Từ buổi chiều hôm đó, ban quản trị cùng các cụ già đã chuẩn bị sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc về miếu (đúng hơn là chỉ rước bài vị, vì sắc phong đã không còn). Sắc được vua phong cho Thoại Ngọc Hầu do ông có công tích khi làm trấn thủ Vĩnh Thanh.
Sau lễ túc yết là nghi thức xây chầu tiến hành ở võ ca, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hát bội được diễn ra ngay sau nghi thức, để phục vụ cho bá tánh. Các nghi thức cúng lễ trong ngày 27/4 Âm lịch gần giống như lễ túc yết. Buổi chiều là lễ hồi sắc, bài vị của Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân được đưa trở lại về lăng, kết thúc lễ vía Bà.
Tích hợp nhiều dòng chảy tâm linh
Nằm trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt Nam, đến Nam Bộ, tín ngưỡng thờ Bà chúa xứ đã tích hợp trong mình nhiều lớp văn hóa khác nhau, gồm nhiều “biến thể”, nên việc truy cứu lai lịch của Bà chúa xứ là điều không dễ dàng. Nhưng có thể nhận diện những biểu hiện hết sức đa dạng, phong phú, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Bà chúa xứ trong hệ thống thần linh ở Nam Bộ. Đó là sự giao thoa giữa yếu tố tín ngưỡng dân gian với Phật giáo, Đạo giáo; giữa văn hóa Việt - Hoa - Khmer; với tâm thức thờ Mẹ đất có từ trong cội nguồn.
Lễ vía Bà chúa xứ Châu Đốc là sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn ở Nam Bộ, có sức cuốn hút mãnh liệt đối với mọi tầng lớp. Đó là sự gặp gỡ nhau giữa các tôn giáo, tín ngưỡng trong một tâm thức chung về Mẹ đất, tín ngưỡng thờ nữ thần của những người đi mở cõi ở phương Nam. Họ tìm thấy ở đó một điểm tựa tâm linh vững chãi khi tìm đến với Bà. Người dân đi lễ hội để cầu tài lộc, cầu mong Bà phù hộ cho việc làm ăn buôn bán được hanh thông, sức khỏe, bình an trong cuộc sống…
Năm 2001, lễ hội vía Bà chúa xứ Núi Sam được công nhận là lễ hội cấp quốc gia, rồi được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống năm 2014. Tính chất “hội hè” đã được mở rộng với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân - sư - rồng… để thỏa mãn nhu cầu du lịch hành hương ngày càng cao. Nghệ thuật hát bóng rỗi là loại hình diễn xướng dân gian, phổ biến ở các miếu Bà, vốn trước đó đã có lễ hội này, để bảo tồn một di sản quý, vốn tồn tại trong môi trường tín ngưỡng của nó.
(Còn tiếp)
Nguyễn Thanh Lợi (nhà nghiên cứu)