(lienminhbng.org) - Màn trình diễn 1.000 bộ Áo dài cuối tuần qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã gây được ấn tượng mạnh đối với người xem. Đây là sự kiện lớn nối tiếp Hội thảo khoa học Quốc gia Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc do Bộ VHTTDL phối hợp cùng TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức trên hành trình đưa Áo dài đến với danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chương trình trình diễn “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tối 28/6 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã giới thiệu đến công chúng 21 bộ sưu tập với hơn 1.000 mẫu áo dài của 21 nhà thiết kế trong cả nước.
Chương trình giới thiệu 21 bộ sưu tập Áo dài của 21 NTK nổi danh, khai thác ý tưởng và lấy cảm hứng từ các Di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh.
“Danh phận” Áo dài
Theo NTK Minh Hạnh, thông qua những sáng tạo nghệ thuật, các NTK tài năng và tâm huyết hàng đầu Việt Nam đã bước đầu góp phần định danh, định vị Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. 21 bộ sưu tập được thành hình từ cảm hứng về các Di sản đặc biệt như: Vịnh Hạ Long (NTK Nguyễn Thúy); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (NTK Vũ Trần Đức Hải); Danh thắng Tràng An (NTK Hùng Việt); Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương (NTK Minh Minh)...
Trong không gian cổ kính, linh thiêng ở khu vực Giếng Thiên Quang của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sự hiện diện 1.000 bộ trang phục Áo dài độc đáo đã mang đến cho người xem nhiều xúc cảm ấn tượng. Hình ảnh, vẻ đẹp của 21 di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO ghi danh được đưa lên những tà Áo dài truyền thống đầy tinh tế và chuyển tải nhiều thông điệp. Theo các NTK, sự vào cuộc đầy tâm huyết của đội ngũ thiết kế nhiều năm gắn bó với Áo dài nhằm mục tiêu xác định Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, định vị Áo dài bằng tính pháp lý thông qua những sáng tạo.
NTK Minh Hạnh chia sẻ, một trong những di sản mà chúng ta ngỡ rằng đã được xác định đó chính là Áo dài thì đến hôm nay vẫn chưa có bất cứ một định danh nào. Đây là cuộc ra quân lớn nhất từ trước đến nay nhằm tạo ra một diện mạo mới, sinh động hơn cho Áo dài. Điều quan trọng nhất là để Áo dài không bị nhầm lẫn với bất kỳ một trang phục nào khác trên thế giới. Theo đó, những giá trị văn hóa từ các di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận và ngưỡng mộ sẽ là một “thẻ thông hành” để Áo dài xác định được “danh phận” của mình.
Bản quyền Áo dài Việt
NTK Cao Minh Tiến chia sẻ, anh mong muốn mang đến cái nhìn mới về Áo dài bằng quan điểm của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Khai thác ý tưởng từ di sản Bài Chòi, Cao Minh Tiến đưa hình ảnh di sản lên Áo dài với phong cách trẻ trung, phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có. Với những tà Áo dài gắn với hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, NTK Nhi Hoàng bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long là nơi mà lúc còn bé tôi thường được bố mẹ đưa đến chơi. Rất may, trong lần này tôi được chọn đúng ý tưởng di sản Hoàng thành Thăng Long, tôi mong muốn diễn đạt vẻ đẹp này qua lăng kính của một công dân Thủ đô”.
NTK Trần Thiện Khánh lại khai thác ý tưởng về di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu để đưa lên Áo dài. Mất hơn 5 tháng, Trần Thiện Khánh và các cộng sự miệt mài thiết kế, thêu hoa văn… để giới thiệu với công chúng bộ sưu tập đầy ấn tượng. Còn với NTK Công Huân, đây là một trải nghiệm rất thú vị để khám khá về di sản Hát Xoan: “Tôi rất thích hình ảnh những cô gái hát Xoan trong bộ Áo dài màu đỏ gụ và chiếc khăn mỏ quạ duyên dáng, cùng với đó là những lời thơ ý nhạc rất mộc mạc, sâu sắc và tình tứ, tạo cảm hứng để tôi đưa lên những thiết kế Áo dài nhiều đường nét độc đáo”.
Với NTK Minh Hạnh, Áo dài xuất hiện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, mang hàm ý giáo dục sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ: “Với mong muốn Áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và sau này là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm lựa chọn số một của tôi. Chúng tôi đang viết tiếp những trang sử về con đường Tơ lụa Việt Nam thông qua chiếc Áo dài. Những đóng góp của các NTK cho “chiến dịch” quảng bá Áo dài ngày hôm nay chính là định danh, định vị cho Áo dài bằng cơ sở khoa học, không đơn thuần bằng tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta mà quên đi việc rất quan trọng là danh vị của Áo dài...”. Cũng theo NTK Minh Hạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có cơ sở khoa học giúp bảo vệ di sản thì có thể giá trị này đến một lúc sẽ biến mất một cách... “rất tự nhiên”.
Trước đó, tại Hội thảo khoa học quốc gia Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam nhấn mạnh, ghi danh Áo dài thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng Hồ sơ Áo dài trình UNESCO theo Công ước 2003. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Lo ngại mất bản quyền với Áo dài không phải vô căn cứ, bởi hai năm trước từng xảy ra sự việc trang phục Trung Quốc na ná Áo dài, hay vụ việc Ne Tiger sao chép thiết kế của NTK Thủy Nguyễn, biến thành trang phục Trung Quốc trong bộ sưu tập tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019. “Việc khẳng định bản quyền Áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết và nhanh chóng thực hiện”, GS.TS Từ Thị Loan khẳng định.
Cũng theo bà Loan, chúng ta từng vất vả mới giành lại được thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên, bởi thế, cần quyết liệt để bảo vệ bản quyền cho trang phục Áo dài và cũng rất cần có chính sách bảo hộ thích hợp, trước hết cần công bố Áo dài là quốc phục Việt Nam. Các NTK cũng nên đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một số bộ sưu tập, mẫu thiết kế. Bên cạnh đó, phải có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh Áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp Áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may mặc, quảng bá hình ảnh Áo dài phải trở thành chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra thách thức cũng như kinh nghiệm để xây dựng Hồ sơ di sản cho Áo dài trình UNESCO. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, muốn xây dựng Hồ sơ này, chúng ta cần xác định khía cạnh phi vật thể của Áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản...
Chúng tôi đang viết tiếp những trang sử về con đường Tơ lụa Việt Nam thông qua chiếc Áo dài. Những đóng góp của các NTK cho “chiến dịch” quảng bá Áo dài ngày hôm nay chính là định danh, định vị cho Áo dài bằng cơ sở khoa học, không đơn thuần bằng tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta mà quên đi việc rất quan trọng là danh vị của Áo dài... (NTK MINH HẠNH)
|
Theo Báo Văn hóa