(lienminhbng.org) - Giáo sư, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm, người đỡ đầu cho ban nhạc Hy vọng nhớ một kỷ niệm khiến ông cảm động. Năm 2007, đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó là ông Michael Marine đã phát biểu sau buổi biểu diễn của nhóm tại tư gia, rằng những gì mà Hy vọng thể hiện khiến ông thấy chính các em là sứ giả của văn hóa, của hòa bình và âm nhạc!
Tuần này, nhiều hoạt động đáng chú ý của âm nhạc dân tộc cùng lúc diễn ra ở nhiều địa bàn trên cả nước.
Cuối tuần qua, chương trình nghệ thuật Thanh âm hy vọng diễn ra tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội với 7 thành viên của nhóm nhạc dân tộc Hy vọng. Tất cả là những người khiếm thị.
Những sứ giả âm nhạc
Các thành viên đã trình diễn những giai điệu thuộc kho tàng âm nhạc dân gian như: Tổ khúc 4 bài thuộc hệ thống nhã nhạc cung đình Huế (Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ); các bài dân ca Hoa thơm bướm lượn, Lý ngựa ô; hát chầu văn Cô bé Thượng ngàn, những tác phẩm được sáng tác cho nhạc cụ dân tộc như Cung đàn đất nước... Đặc biệt, chương trình có cả màn hòa tấu liên khúc các tác phẩm âm nhạc dân ca của các nước châu Á…
Không giấu nổi niềm khâm phục và cảm mến với nhóm nhạc Hy vọng, bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội những người bạn di sản Việt Nam chia sẻ: “Âm nhạc của các bạn vang lên truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta, tiếp nối thanh âm vang vọng trong mỗi chúng ta, giúp chúng ta thêm nghị lực đương đầu với cuộc sống”.
Còn bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết: “Sau buổi biểu diễn ngày hôm nay, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội hy vọng sẽ được chung sức phối hợp với nhóm Hy vọng và những nhóm yêu nghệ thuật, âm nhạc truyền thống khác để cùng chung tay bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa Việt, âm nhạc truyền thống Việt, lan tỏa nhiều hơn tới giới trẻ về loại hình âm nhạc này”.
Tiếp nối mạch cảm xúc với những kỷ niệm từng có với nhóm Hy vọng, GS Tôn Thất Triêm nói: “Các em đã lặng lẽ làm được những điều khiến những người bạn quốc tế, những người bạn Mỹ, hết sức cảm động. Nơi biểu diễn và tập luyện của các em còn khó khăn, nhưng những nỗ lực của các em đã tạo nên kỳ tích. Các em không những trình diễn âm nhạc của Việt Nam mà còn cả các bản nhạc của các nước Nga, Đức, Pháp… Ở thể loại nhạc nào, các em cũng đều cố gắng hết sức mình để truyền tình cảm, tình yêu, tình đoàn kết tới các bạn bè quốc tế”.
GS Tôn Thất Triêm kể, trong một buổi biểu diễn dịp Giáng sinh tại Đại sứ quán Mỹ, một thành viên của Hy vọng đánh đàn bầu giai điệu Những người bạn xưa của quê hương mình, một giai điệu truyền cảm rất nổi tiếng của nước Mỹ. Ngày hôm ấy, bà mẹ của cựu đại sứ Mỹ Ted Osius, lúc đó gần 90 tuổi, đã lén lấy tay lau nước mắt khi nghe bản nhạc. Sau đó, bà đi taxi đến thăm các em ở 21 Lạc Trung. “Rõ ràng, âm nhạc là nhịp cầu nối liền tình cảm các dân tộc. Mà các em là một trong các sứ giả âm nhạc đó!” - giáo sư Triêm nhấn mạnh.
Được đông đảo người nghe trong nước và quốc tế đón nhận, song nghệ sĩ khiếm thị Trần Quốc Hoàn, Trưởng nhóm Hy vọng khiêm tốn: “Âm nhạc là tiếng nói từ trái tim đến trái tim. Với những nghệ sĩ có khiếm khuyết như bọn mình, âm nhạc là cầu nối để nối bọn mình với xã hội và thế giới”.
Những ước mơ giản dị
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, (đơn vị phối hợp thực hiện chương trình), những nghệ sĩ nhóm Hy vọng được đào tạo bài bản, đều tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhưng không may mắn bị khiếm thị, họ không có điều kiện theo nghề dù đam mê của họ rất lớn. Từ đó, nhóm Đình làng Việt tổ chức chương trình nhằm quảng bá rộng rãi để mọi người biết đến hơn tài năng của họ, và động viên họ có thêm niềm tin trong cuộc sống”.
Mỗi nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn trong chương trình đều là một tấm gương về nghị lực và khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong số các thành viên, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt hơn cả khi anh mắc phải căn bệnh suy thận. Phát hiện ra bị suy thận mãn giai đoạn cuối đã 8 năm, từ đó đến nay, mỗi tuần 3 lần anh phải đến viện lọc máu chạy thận nhân tạo. Dù vậy, Linh vẫn cố gắng theo đuổi đam mê của mình. Hàng tối, anh đến chơi sáo tại quán cà phê Mơ phố tại Yên Lãng, Hà Nội. Ước mơ lớn nhất của Linh là khoa học tiến bộ sẽ chữa khỏi căn bệnh, và anh có được công việc và cuộc sống ổn định.
Một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của Hy vọng là em Nguyễn An Như, 17 tuổi. Đang học năm thứ 6 Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khoa nhạc cụ truyền thống chuyên ngành đàn tranh, An Như kể khó khăn lớn nhất của những người khiếm thị khi học nhạc là không thể nhìn thấy nốt nhạc trong khuông nhạc. Người khiếm thị phải nhờ các bạn đọc, chép ra bằng chính ký hiệu của mình và học theo hình thức thu âm, ghi âm.
“Qua âm nhạc, em mong ước những người mắt sáng có thể hiểu hơn về khả năng của những người khuyết tật, và sẽ ko còn những suy nghĩ rằng là: Người khuyết tật sẽ ko làm được gì cả!” - An Như bày tỏ mong muốn giản dị của mình.
Ngân Lượng