'Sự sang của cổ phục, đồ tân thời chưa chắc đã bằng'

18:41 09/07/2020

(lienminhbng.org) - “Dần dần nhiều năm nữa, trang phục dân tộc ta qua các triều đại sẽ được tái hiện một cách rất công phu và sinh động…” – Nguyễn Đức Lộc (Giám đốc) và Nguyễn Văn Hiệu (chuyên viên nghiên cứu) đến từ Công ty Ỷ Vân Hiên chia sẻ giấc mơ của mình trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN):

Những chàng trai 8X và giấc mơ phục dựng cổ phục (kỳ 1): Đưa cổ phục Việt vào phim ảnh, giải trí

Những chàng trai 8X và giấc mơ phục dựng cổ phục (kỳ 1): Đưa cổ phục Việt vào phim ảnh, giải trí

Xuất phát từ niềm “tự tôn và tự ái” dân tộc, những người Việt trẻ đã bắt tay vào nghiên cứu phục dựng, sản xuất và tìm cách đưa cổ phục đến với đời sống đương đại. Để rồi, họ đã có được những kết quả bước đầu…

* Nói về tư liệu thì một bộ trang phục lên hình hài với hoa văn, họa tiết đặc trưng của một thời đại như vậy hẳn là kết quả của việc tìm tòi rất vất vả, công phu. Các bạn có thể chia sẻ về những khó khăn mà mình đã gặp?

- Văn Hiệu: Công việc nghiên cứu của tôi có thể tóm gọn lại là thắc mắc - tìm câu trả lời. Ví dụ khi đến chùa Bút Tháp nhìn thấy tượng quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, tôi thắc mắc liệu mình có thể đưa quần áo trên tượng này thành một sản phẩm thực tế hay không? Câu trả lời là có thể. Rồi tôi thắc mắc tiếp làm hoa văn trên đó có đúng thời Lê không? Muốn có câu trả lời phải đi tìm những nhà chuyên môn, thư viện, hỏi han khắp nơi để xác nhận.

Chú thích ảnh
Đức Lộc và Văn Hiệu

Quá trình thắc mắc - trả lời đó cứ lặp di lặp lại cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng. Rồi khi cầm sản phẩm trên tay, tôi lại phải hỏi tiếp như này đã ổn chưa, có phù hợp bối cảnh không hay phải cải tiến tiếp.

Cái khó khăn của tôi là những tư liệu trực quan còn khá hạn chế. Nhiều khi muốn làm 1 bộ trang phục thời Lê chẳng hạn, chưa chắc đã có hiện vật. Lúc đó, tôi lại phải phỏng đoán dựa vào những hiện vật tương quan như thời Minh bên đó họ mặc như nào, kết cấu như thế nào… sau đó tìm những hoa văn trang trí. Tôi luôn luôn mong ước giá mà các cụ nhà mình vẽ tranh nhiều hơn thì con cháu bây giờ đỡ mệt (cười).

* Hiện tại, Ỷ Vân Hiên chủ yếu đang phục dựng trang phục nhà Nguyễn và một ít thời Lê - những triều đại gần với chúng ta nhất. Hẳn các bạn cũng có những lý do để lựa chọn?

- Đức Lộc: Lịch sử chúng ta trải qua rất nhiều triều đại khác nhau, văn hóa nói chung hay trang phục nói riêng là sự tiếp diễn và tiếp biến, sự học hỏi và tiếp thu lẫn nhau. Triều đại sau luôn luôn học hỏi và kế thừa những tinh hoa của triều đại trước, thể hiện một tư duy, thẩm mỹ quan riêng biệt.

Bây giờ chúng ta muốn đưa nó trở lại đời sống đương đại. Sau rất nhiều những thời điểm bị đứt gãy thì công chúng trong nước không thể ngay lập tức nắm bắt và hiểu về trang phục cổ của cha ông chúng ta ở những niên đại quá xa xưa được.

Vì thế nên chúng tôi bắt đầu từ triều Nguyễn, khi hệ thống hiện vật, tư liệu còn khá đầy đủ và cũng đã có nhiều ấn tượng với người Việt hiện đại. Chúng tôi muốn cung cấp thông tin để người Việt hiểu rõ hơn về trang phục triều Nguyễn trước, sau đó mới quay lại những triều đại xa xưa hơn như Lý, Trần… Dần dần nhiều năm nữa, trang phục dân tộc ta qua các triều đại sẽ được tái hiện một cách rất công phu và sinh động. Giống như bên Trung Quốc, khán giả xem phim là nhận ra ngay trang phục đó là của thời Tống, thời nhà Minh hay nhà Thanh của Trung Quốc…

Chú thích ảnh
Các mẫu cổ phục của Ỷ Vân Hiên dùng trong “Phượng khấu”

* Thời điểm ra mắt, có rất nhiều hồ nghi về khả năng ứng dụng của những bộ cổ trang được các bạn nghiên cứu: các bạn trẻ sẽ phục dựng trang phục cổ như thế nào, khi hoàn thành ai sẽ là người mặc...?. Đến nay câu trả lời đã khá rõ ràng: Không chỉ đưa vào các sản phẩm nghệ thuật giải trí, trang phục của Ỷ Vân Hiên còn được các bạn trẻ đón nhận và sử dụng trong đời sống hiện đại. Các bạn đã truyền cảm hứng cho họ như thế nào vậy?

- Đức Lộc: Ngay từ khi bắt tay vào làm, mọi người đã thắc mắc: Sản phẩm này bán cho ai, mặc như nào... vì thấy nó kén người quá, không có tiềm năng để phát triển. Nhưng tôi nghĩ ngược lại. Đó là mảnh đất cực kỳ màu mỡ, nguồn tài nguyên phong phú và có thị trường vô cùng rộng. Chỉ có điều chúng ta chưa biết cách khai thác mà thôi.

Nhiều người bảo chúng tôi, cổ phục không hợp đời thường lắm hay là cách tân đi. Tôi thì chưa làm cách tân vội mà vẫn giữ nguyên phom dáng của cổ phục, cho nó một hình hài chuẩn mực của nó. Chỉ cần vậy nó đã có tính ứng dụng trong đời sống.

Chú thích ảnh
Một số cổ phục của Ỷ Vân Hiên được dùng trong lễ cưới hỏi hiện đại

Cổ phục có hai ưu điểm nổi bật. Một là nó rất sang và đẹp. Sự sang đó đồ tân thời chưa chắc đã bằng. Thêm một cái nữa nó che được các khuyết điểm trên cơ thể, người cao, người ốm, người béo, người gầy cũng che được hết. Chỉ hai cái đó thôi cũng giúp nó có thể sống ở thời đương đại.

Tôi nghĩ đơn giản, cổ phục do cha ông ta sáng tạo ra để phù hợp với đời sống. Đã phù hợp với người Việt xa xưa rồi thì chẳng lý gì không phù hợp với người Việt hiện đại.

Cũng có người nói trang phục này chỉ phù hợp với người lớn tuổi. Thật ra, bây giờ người trẻ mặc cổ phục nhiều hơn. Rất nhiều bạn trẻ có tư duy mới, không “xiềng xích” ràng buộc đón nhận cổ phục với tư duy không nhiều định kiến như thế hệ cha ông. Điều ấy khiến tôi nhớ một câu nói của đại sứ Phạm Sanh Châu: “Nếu ở các nước khác truyền thống là một cái mạch được thế hệ trước truyền cho thế hệ sau thì ở Việt Nam, thế hệ sau đang nhắc nhở những thế hệ đi trước phải bảo tồn những giá trị văn hóa, cổ phục”...

Chú thích ảnh

* Khi nhìn những bộ cổ phục hiện hữu ngoài đời sống với sự đón nhận nồng nhiệt của các bạn trẻ, cảm xúc của các bạn như thế nào?

- Văn Hiệu: Tôi sung sướng và càng có động lực cho mình làm việc, nghiên cứu nhiều hơn. Tôi luôn cảm thấy mình có rất nhiều việc cần làm, để không chỉ các bạn trẻ mà tất cả mọi người đều yêu trang phục và các nét văn hóa cổ của cha ông. Đấy cũng là trách nhiệm không phải của riêng tôi hay Ỷ Vân Hiên mà còn của rất nhiều người yêu văn hóa cổ Việt Nam hiện nay.

- Đức Lộc: Chúng tôi có slogan: Nơi tương lai kiến tạo từ quá khứ. Quá khứ là nền tảng, cách chúng tôi làm là đưa quá khứ ấy vào những loại hình mới để tiếp cận các bạn trẻ. Từ việc yêu mến cổ phục, yêu mến văn hóa truyền thống, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai từ những điều tốt đẹp trong quá khứ.

* Cám ơn các bạn về cuộc trò chuyện!

Yên Khương - Vân Anh (thực hiện)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự