(lienminhbng.org) - Giá vàng hôm nay, lienminhbng.org cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng hôm nay 14/7 trên thị trường thế giới trở lại xu hướng tăng bất chấp áp lực chốt lời gia tăng khi vàng lên đỉnh cao 9 năm. Các chuyên gia khuyến cáo không nên kỳ vọng giá vàng sẽ điều chỉnh dài trong bối cảnh hiện tại.
Giá vàng SJC cập nhật mới nhất
Tính đến đầu giờ chiều 10/7, giá vàng 9999 niêm yết tại TP HCM ở mức 50,20 – 50,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 ngàn đồng ở chiều mua và 150 ngàn đồng ở chiều bán so với đầu phiên giao dịch.
Với mức điều chỉnh tăng 30 ngàn đồng ở chiều mua nhưng giảm 100 ngàn đồng ở chiều bán, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 50,28 – 50,55 triệu đồng/lượng.
Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 50,25 – 50,55 triệu đồng/lượng, tăng đồng thời 150 ngàn đồng/lượng.
Và tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 50,28 – 50,54 triệu đồng/lượng, giảm 20 ngàn đồng ở chiều mua và 110 ngàn đồng ở chiều bán so với đầu phiên giao dịch.
Giá vàng châu Á hướng tới tuần tăng thứ 5 liên tiếp
Giá vàng tại thị trường châu Á đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/7, do đồng USD mạnh song vẫn neo sát ngưỡng 1.800 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng đang hướng tới tuần tăng giá thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng khiến nhu cầu đối với các kênh đầu tư an toàn được đẩy mạnh.
Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.796,03 USD/ounce. Tính tới thời điểm này của tuần giá vàng này tăng khoảng 1,2%. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn hạ 0,1%, xuống 1.801,10 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng 18% kể từ đầu năm nay, khi nhu cầu đối với các tài sản an toàn được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, đưa giá vàng gần chạm “đỉnh” của 9 năm là 1.817,71 USD/ounce vào phiên 8/7.
Cùng trong ngày 8/7 vừa qua, nước Mỹ ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới, mức tăng mạnh nhất trong một ngày đối với bất kỳ quốc gia nào, kể từ khi dịch COVID-9 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc vào năm ngoái.
Thị trường cổ phiếu châu Á đi xuống do lo ngại về nguy cơ nước Mỹ đóng cửa trở lại do sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19, cho dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất gần bốn tháng vào tuần trước.
Cũng trong phiên này, giá palladium giảm 0,2%, xuống 1.938,83 USD/ounce. Giá bạch kim hạ 0,8%, xuống 826,65 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc lùi 0,6%, xuống 18,54 USD/ounce.
Chứng khoán châu Á giảm điểm do lo ngại nguy cơ tái bùng phát COVID-19
Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 10/7 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng trên thế giới đã cản trở đà tăng của chứng khoán, cùng với hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư.
Các thị trường chứng khoán đã cho thấy “sức đề kháng” tốt trước tình trạng dịch bệnh lây lan trên thế giới, cùng hy vọng về sự phục hồi kinh tế, các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và chính phủ mạnh tay chi tiền để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, số liệu vài ngày gần đây cho thấy số ca mắc mới tăng kỷ lục tại các bang đông dân của Mỹ như Florida, Texas và California đang làm dấy lên nguy cơ tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Ngoài ra, chính quyền của thành phố lớn thứ hai Australia là Melbourne và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), sau nhiều tuần chưa ghi nhận ca mắc mới nào xuất hiện tình trạng tái bùng phát, tiến hành áp đặt các biện pháp phong tỏa trở lại đã làm gia tăng sự lo ngại trên thị trường.
Các nhà phân tích cũng cho hay mặc dù các thị trường toàn cầu đã được “hưởng thụ” đà tăng, song đà tăng này chủ yếu nhờ các nhà đầu tư chuyển hướng đến các công ty công nghệ, vốn được hưởng lợi từ các biện pháp phong tỏa.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống 22.290,81 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 1,84% (482,75 điểm) xuống 25.727,41 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải để mất 1,95% (67,27 điểm) xuống 3.383,32 điểm.
Chứng khoán Sydney giảm 0,6%, chứng khoán Seoul hạ 0,8%, còn chứng khoán Đài Bắc giảm 1%. Chứng khoán Wellington, Mumbai, Jakarta và Manila cũng hòa chung xu hướng giảm.
Tại thị trường trong nước, chỉ số VN-Index giảm 0,6% xuống 871,21 điểm, còn chỉ số HNX-Index hạ 0,43% xuống 115,66 điểm.
Tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng, USD biến động nhẹ
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 10/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.216 VND/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.912 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.520 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ .
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.070 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.098 - 23.278 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 7 đồng ở cả chiều mua và bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.269 - 3.363 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 9 đồng ở chiều mua vào và 11 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh vẫn được giữ nguyên so với hôm qua, niêm yết ở mức 23.081 - 23.310 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.259 - 3.390 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 14 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Lý do nào khiến những cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất mùa dịch COVID-19?
Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm đã trải qua nhiều biến động lớn, chỉ số VN-Index ghi nhận mức điểm cao nhất 991 điểm vào ngày 22/01/2020. Sau đó, dưới áp lực từ dịch COVID -19 lan rộng trên toàn cầu, VN-Index đã liên tiếp giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 3 để kết thúc đợt giảm ở mức thấp 650 điểm vào ngày 31/3/2020.
Trong tháng 4, 5 và 10 ngày đầu tháng 6/2020, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục ấn tượng khi chỉ số VN-Index tăng mạnh từ vùng thấp nhất 650 điểm lên mức 905 điểm ngày 10/06/2020, gây bất ngờ với nhiều nhà đầu tư.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - VNSC, ông Đỗ Ngọc Bảo, việc Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà hồi phục của thị trường.
Cùng với đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt nới lỏng chính sách bơm lượng tiền lớn hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính cũng là nguyên nhân giúp các thị trường tài chính toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong những tuần cuối tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh giảm từ đỉnh 905 điểm về mức 833 điểm và diễn biến giằng co quanh vùng từ 850 - 870 điểm. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/7, VN - Index đã vượt qua ngưỡng 870 điểm (đỉnh ngắn hạn trước đó).
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, kết thúc phiên ngày 9/7, VN–Index vượt ngưỡng 870 điểm giúp mở ra dư địa của nhịp tăng này và có thể hướng tới ngưỡng 895 điểm.
Thực tế cho thấy, từ đầu quý II đến nay, nhiều cổ phiếu đã có mức hồi phục khá tốt và dần lấy lại được những gì đã mất so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, mã cổ phiếu có mức tăng mạnh mẽ kể từ đầu năm đến nay là GAB của Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB), với mức tăng hơn 774,3%. Điều đáng nói cổ phiếu này tăng mạnh ngay cả trong giai đoạn thị trường chung giảm điểm.
Quý I là thời gian thị trường giảm mạnh nhất, nhưng cổ phiếu GAB đã tăng tới hơn 643,51%. Theo các chuyên gia phân tích, động lực tăng trưởng của GAB đến từ câu chuyện sáp nhập Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC vào FLC GAB.
FLC GAB tiền thân là Công ty cổ phần GAB hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất - phân phối vật liệu xây dựng, thương mại hàng hóa và đầu tư tài chính. Hiện, ngành nghề chính của doanh nghiệp là quản lý tài sản với danh mục đa dạng như: nhà ở thương mại, khu nghỉ dưỡng, sân golf, tàu bay…
Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, năm 2020, FLC GAB đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 326 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng tương ứng trên 73% và 50% so với năm 2019.
Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là DST của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long, tăng 533,3%. Doanh nghiệp này hiện có hơn 32,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường đạt hơn 167,54 tỷ đồng, P/E (hệ số giá trên thu nhập 1 cổ phiếu) đạt hơn 31,61 lần.
Xét về kết quả kinh doanh, doanh thu của doanh nghiệp này năm 2019 đạt gần 70 tỷ đồng, lợi nhuận là 235 triệu đồng, lần lượt giảm 67,37% và 96,82% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, năm 2020, công ty đặt kế hoạch đạt doanh thu 120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu DNM của Công ty cổ phần Y tế Danameco - đơn vị kinh doanh khẩu trang cùng các thiết bị y tế cũng tăng tới 308,6 %. Trước dịch COVID-19, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản, nhưng từ khi dịch bệnh lan ra một số địa phương trong cả nước, trong quý I, DNM có nhiều phiên tăng trần liên tiếp cùng với khối lượng giao dịch đột biến.
Đáng chú ý, trong khi nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 thì DNM lại là doanh nghiệp được hưởng lợi. Chỉ tính riêng trong quý I, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 8,2 tỷ đồng, tăng 650%, tương đương với mức lãi cả năm 2019.
Một cổ phiếu khác cũng phải kể đến là DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Cổ phiếu này tăng hơn 112,5% kể từ đầu năm 2020. Kết thúc quý I/2020, Dabaco đạt doanh thu gần 2,387 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ. Công ty lãi ròng gần 349 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần so với quý I/2019 và chỉ trong quý I, DBC đã đạt 19% kế hoạch doanh thu và 76% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất lai tạo giống gia súc, gia cầm; chăn nuôi gia công lợn, gà thương phẩm; giết mổ chế biến thực phẩm; sản xuất bao bì, kinh doanh dịch vụ, thương mại...
Theo DBC, cuối năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi giảm dần, giá thịt lợn tăng cao khiến người dân tái đàn trở lại, tạo ra nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu tăng vọt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hưởng lợi từ giá bán cao của thịt lợn từ quy trình kinh doanh khép kín con giống tới chế biến. Đây là một phần lý do giúp DBC đạt lợi nhuận đột biến trong quý I/2020.
Hay như cổ phiếu SVT của Công ty cổ phần Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông (HOSE) có mức tăng hơn 138% kể từ đầu năm. Theo báo cáo kết quả thực hiện năm 2019, công ty tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước.
Cụ thể, năm 2019, với tổng doanh thu và thu nhập của công ty đạt 98,27 tỷ đồng, gấp hơn 4,4 lần so với năm 2018 và vượt 96,54% mục tiêu cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 10,43 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần năm trước đó và vượt 24,17% kế hoạch.
Năm 2020, SVT đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập 98 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 10 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 7%.
Dù vậy, vẫn có những cổ phiếu tăng mạnh mà không có nhiều lý do. Cụ thể, cổ phiếu VTX của Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Vietranstimex cũng tăng tới 288,7%, nhưng thanh khoản của cổ phiếu này rất “èo uột” và nhiều phiên còn không có thanh khoản.
Vietranstimex là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ; vận tải hàng hoá ven biển và viễn dương; hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy...
Bên cạnh đó, mã WTC của Công ty cổ phần Vận tải thủy – Vinacomin cũng tăng tới 247%. WTC cũng nhiều phiên liên tiếp không có thanh khoản, nếu có cũng chỉ vài trăm đơn vị. Tương tự, cổ phiếu VCX Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình cũng tăng 235% dù không có nhiều thông tin hỗ trợ.
Ở chiều ngược lại, DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc giảm hơn 114,8%. Đây là mã cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE, nhưng khối lượng giao dịch mỗi phiên rất nhỏ.
Tháng 5 vừa qua, Hội đồng quản trị công ty ban hành nghị quyết ngừng hoạt động một số chi nhánh do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Thực tế, DTL có 2 năm lỗ liên tiếp, năm 2018 (lỗ hơn 17,2 tỷ đồng), năm 2019 (lỗ hơn 140,4 tỷ đồng) và năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu giảm mạnh tiếp theo là LMH của Công ty cổ phần Landmark Holding giảm hơn 91,18%. Tiếp đến là cổ phiếu V21 của Công ty cổ phần Vinaconex 21 giảm 82,18%. Năm 2020, V21 đặt mục tiêu doanh thu 254 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng. Các mã giảm mạnh tiếp theo là LM7 của Công ty cổ phần Lilama 7 giảm 78,6%, YBC của Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái giảm 75,5%, PCG Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Gas Đô Thị giảm 74,6%, PTE Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ giảm 72,1%... Đây đều là những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp, thập chí không có thanh khoản trong nhiều phiên liên tiếp.
Nhóm P.V