Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - lần IV: Tôn vinh biếm họa vì sự phát triển cộng đồng

07:11 16/11/2013

(lienminhbng.org) - Một bức biếm họa có sức mạnh hơn cả trăm, ngàn từ. Nhưng nó vẫn chỉ nằm ở một góc khuất trên các trang báo. Tuy nhiên, sau 6 năm, kể từ khi TT&VH khởi xướng giải thưởng, biếm họa thực sự mới ngày càng nhận được sự tôn vinh xứng tầm.

Bốn vị giám khảo của giải Biếm họa Báo chí Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về giải thưởng:

Nhà báo Ngô Hà Thái: “Để giải lan tỏa trong cộng đồng...”


Giám khảo Ngô Hà Thái (Phó TGĐ TTXVN) nhận định: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có Giải Biếm họa Báo chí của toàn quốc. Xác định đây là một giải thưởng quan trọng, nên TTXVN đứng ra bảo trợ để đảm bảo cho giải được tổ chức liên tục và không ngừng phát triển.

Việc đưa Lễ trao giải vào TP. HCM rất tốt vì đó là trung tâm của biếm họa và có một lượng công chúng rất đông đảo. Ngoài ra, báo TT&VH nên phát triển chuyên trang biếm họa (tại địa chỉ www.thethaovanhoa.vn/biemhoa)  thành sân chơi thường xuyên cho các họa sĩ biếm. Nên liên kết với các đơn vị xuất bản để in sách nhằm phổ biến biếm họa rộng rãi tới công chúng và để giải được lan tỏa trong cộng đồng”.

Nhà báo Hà Minh Huệ: “Thúc đẩy phong trào biếm họa trên toàn quốc”


Giám khảo Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Trong từng giai đoạn phát triển của xã hội biếm họa đã và đang đóng vai trò tích cực. Góc biếm họa báo chí trên báo tuy nhỏ, nhưng lại phản ánh được nhiều điều. Hội Nhà báo Việt Nam rất hoan nghênh báo TT&VH đã tạo ra sân chơi có quy mô toàn quốc để vực dậy thể loại này.

Trải qua 6 năm với 3 mùa giải giải thưởng đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào sáng tác biếm họa trên cả nước. Tôi cho rằng với việc duy trì và phát triển giải này báo TT&VH đã thể hiện trách nhiệm của báo chí trong việc phát huy truyền thống biếm họa Việt Nam, góp phần thiết thực vào sự phát triển của báo chí trong thời kỳ hội nhập.

Để thể hiện sự ủng hộ, ngay từ đầu Hội Nhà báo Việt Nam đã vào cuộc và trao giải Đặc biệt cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng dự thi đồng thời có nhiều tác phẩm tốt được đăng tải trên báo chí trong thời gian 2 năm, qua đó khuyến khích các họa sĩ, các cơ quan báo chí quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của biếm họa”.

Họa sĩ Lý Trực Dũng: “Biếm họa Việt phải vươn tới tầm khu vực”


Đó là mong muốn của họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo. Ông nói: “Phải nói rằng Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre do báo TT&VH tổ chức từ lần thứ nhất năm 2007- 2008 đến nay là một cú hích đích thực dành cho biếm họa Việt Nam. Và nhờ đó, Hội Mỹ thuật Việt Nam liên tiếp thực hiện hai cuộc triển lãm. Mặc dù, trong giới báo chí cũng có nhiều hoạt động về biếm họa nhưng tôi thấy rất ấn tượng với giải thưởng của TT&VH khi có tới gần 100 họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư tham gia với số lượng lên đến 350 tác phẩm mỗi kỳ giải thưởng.

Thời gian vừa qua biếm họa đã có một bước tiến khi phát triển đúng hướng. Trong đó, Cúp Rồng tre là giải thưởng lần đầu được tổ chức có quy mô toàn quốc. Đặc biệt, với đề tài mở và diễn ra định kì 2 năm/ lần, nếu tiếp tục duy trì, Giải thưởng sẽ trở thành xương sống cho sự phát triển lâu dài của biếm họa Việt Nam.

Tuy nhiên, Biếm họa Việt Nam vẫn quanh quẩn bên cái "cối xay" ở nhà. Chúng ta gần như không có mối quan hệ gì với các nghệ sĩ trong khu vực chưa chưa nói tới các châu lục khác. Tôi đề nghị từ năm sau chúng ta mời một số nghệ sĩ nước ngoài tham gia, đây có thể sẽ là cú hích cho giải”.

Họa sĩ Thành Chương: “Thức tỉnh” sự quan tâm của Hội tới biếm họa”


Đó là nhận định của giám khảo Thành Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Cúp Rồng tre xuất hiện đều đặn 2 năm/ lần là sinh hoạt thực sự bổ ích, có ý nghĩa với người làm biếm họa. Phải nói thật trước đây Hội Mỹ thuật VN chưa dành sự quan tâm đúng mức tới biếm họa. Chính hoạt động của Cúp Rồng tre đã làm thức tỉnh sự quan tâm của Hội tới thể loại này. Cụ thể chúng tôi tổ chức cho các anh em họa sĩ biếm họa là hội viên hoặc không phải hội viên làm triển lãm, hoặc in tranh biếm trên tạp chí Mỹ thuật, có tài trợ để anh em có điều kiện hoạt động. Hưởng ứng Cúp Rồng tre, vào các năm lẻ, tức vào “khoảng trống” giữa hai năm báo TT&VH tổ chức giải, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã và sẽ tổ chức triển lãm tranh biếm họa.

Gần đây tranh biếm họa phát triển khá sâu rộng từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên, dù phát triển như vậy nhưng biếm họa vẫn chỉ nằm trong khóc khuất nhiều năm qua. Điều tôi muốn nói ở đây, chính là sự đóng góp quan trọng của báo TT&VH khi cho ra đời Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam từ năm 2007. Nhờ đó, Biếm họa đã bước ra khỏi góc khuất, bước lên sân khấu của Cúp Rồng tre, trở thành sân chơi sâu rộng. TT&VH đã tôn vinh và đưa biếm họa trở về đúng vị trí như vốn có của nó nhờ giải thưởng này.

Năm nay, BTC đã kịp thời và phù hợp khi trở lại đề tài mở. Giải thưởng kéo dài trong hai năm, khoảng thời gian diễn ra nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, cho nên nếu hạn chế trong một đề tài thì sẽ không bao quát được vấn đề thời sự. Vì thế, đề tài mở sẽ mở rộng cho nhiều họa sĩ tham gia. Tôi tin năm nay cuộc thi sẽ có đông tác giả tham gia, phong phú về đề tài và chắc chắn giải sẽ tốt hơn”.

Nới rộng biên độ kích thước tranh biếm họa dự thi

Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần IV vừa khai mạc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu biếm họa cả nước. Từ những ý kiến góp ý sau lễ khai mạc, Ban tổ chức đã quyết định nới rộng biên độ kích thước của tranh dự thi. Cụ thể khổ tranh tối thiểu thay vì là khổ A3 (420 x 297mm), được rút xuống khổ A4 (210 x 297mm), còn khổ tối đa thì vẫn là khổ A2 (594 x 420mm).

Như vậy các họa sĩ có thể gửi tranh dự thi với kích thước từ khổ A4 - A2.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng tăng giá trị của giải Nhì, thay vì "8 triệu đồng và 1 năm báo biếu báo TT&VH Cuối tuần", sẽ là "8 triệu đồng và 1 năm báo biếu báo TT&VH Hàng ngày và báo TT&VH Cuối tuần".

BTC Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam


>>> Chuyên trang: Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam

Ngọc Diệp - Lam Anh (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự