Võ An Lai: Lối tranh biếm “cắt dán”!

14:27 16/06/2013

Họa sỹ Võ An Lai 
Cách đây khoảng 30 - 40 năm, trong những tháng năm gian khổ chống Mỹ cứu nước, ở Hà Nội có gần hai chục người đến với biếm họa: giáo viên, họa sĩ, viên chức Nhà nước, công nhân... Có thể xem là một phong trào với tình yêu và niềm đam mê vô bờ bến xuất phát từ trái tim dành cho biếm họa.
 
 Một trong những họa sĩ của phong trào đó là Võ An Lai!

1. Một tối mùa Đông lạnh buốt cuối tháng 12 năm 1972 trong chiến dịch dùng máy bay B52 hủy diệt Hà Nội của Mỹ, trời tối om vì bị cắt điện, có tiếng gõ cửa rồi nghe ai đó gọi: “Lai ơi”. Thì ra đó là họa sĩ Nguyễn Bích - người trực tiếp phụ trách nhóm biếm họa của Hội Mỹ thuật lúc đó - mặc áo bông dắt chiếc xe đạp cũ vừa bước vào nhà đã nghẹn ngào: “Lai ơi, anh Phú chết rồi, bom Mỹ đã giết chết anh ấy rồi. Lai cố gắng vẽ tranh nhằm lên án tội ác của giặc Mỹ để kịp trưng bày. Vẽ gấp Lai nhé. Vẽ gấp Lai nhé...”

Nói xong, HS Nguyễn Bích vội vã đi tiếp đến nhà một vài HS biếm khác chưa kịp sơ tán, vẫn còn ở Hà Nội để vận động anh em vẽ tranh đả kích giặc Mỹ kịp trưng bày ở trước cửa Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm.

Bức tranh Ních- xon trong hình hài chim bồ câu  mồm ngậm bom
 thả xuống miền Bắc là một tranh hay tiêu biểu của Võ An Lai thời chống Mỹ.
 
Anh Phú là một trong số anh em vẽ biếm họa hồi bấy giờ, nhà ở Hà Nội nhưng làm việc tận Hà Đông, không may trúng bom B52 chết trên đường đi đến nhà máy. Ngay tối hôm đó Võ An Lai cặm cụi trong ánh đèn dầu leo lét. Bỗng còi báo động có máy bay Mỹ trên nóc Nhà hát Lớn rú lên, phải vội vàng thổi tắt đèn, hồi hộp chen lẫn sợ hãi chờ đợi bom B52 của Mỹ có thể ập đến bất kỳ khi nào. Lúc sau, hết báo động, lại thắp đèn vẽ... Cứ thế, ông vẽ gần đến sáng. Tối hôm sau, HS biếm Huy Quang tạt qua nhà ông, bàn nhau về những bức tranh đã và đang vẽ để kịp trưng bày.
 
12 ngày đêm lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đó, Hà Nội, Hải Phòng đã bắn tan tác hàng chục pháo đài bay B52 của Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Chính trong thời gian này, khoảng gần 40 bức tranh biếm họa (trong đó có 6 tranh của Võ An Lai) lên án tội ác của giặc Mỹ của các HS biếm Hà Nội được căng dây, treo ngoài trời ngay trước cửa Thủy Tạ (bên Hồ Gươm)  kịp thời phục vụ nhân dân Thủ đô. Người xem rất đông, anh em HS Hà Nội có tranh tự nguyện tham gia ai cũng cảm động.

2. Về nghiệp biếm họa ông HS biếm sinh năm 1948 này tâm sự, thấy mọi người vẽ biếm họa tôi thích quá cũng theo vẽ, được đăng báo sướng rơn lên rồi cứ thế cặm cụi vẽ. Thấy có tranh đăng báo người ta gọi tôi là họa sĩ chứ thực ra tôi là giáo viên dạy toán chứ đâu phải họa sĩ, văn sĩ gì và chưa được học vẽ bao giờ.

Ông cười, hồi xưa, cách đây ba mươi, bốn mươi năm mà có tranh được đăng báo là “oai” lắm, vì dạo đó có rất ít báo, bảo sướng nhất là tiền nhuận bút.

Tranh đầu tiên đăng ở báo Điện ảnh được trả 5 đồng. Ông cùng một người bạn đi nhà hàng ăn 2 đĩa thỏ rán có cả nước sốt hẳn hoi, thêm 2 lát pa-tê, 2 cái kem, 1 chai bia mà chỉ mất có 4 đồng, vẫn còn thừa 1 đồng đem về nhà. Ở cái thời gian khổ ấy bữa ăn hôm đó mình cứ tưởng như đại tiệc.

3. Rất ý thức hạn chế của mình về hình họa, Võ An Lai tìm cho biếm họa của mình lối đi riêng. Rất nhiều tranh của ông phần lời là trò “chơi chữ”, ngẫm nghĩ người ta mới thấy thích. Ông cũng là một trong rất ít HS biếm đi đầu và sử dụng khá thành công tranh biếm họa cắt dán.
Tranh cắt dán của Võ An Lai
 
Những năm 70, Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam có lần đã mua một lúc 6 tranh biếm họa cắt dán của ông, đó là loạt tranh đánh Ngụy, đánh Mỹ và tiền bán tranh cùng nhuận bút biếm họa từng giúp ông xây được cả 1 nếp nhà cấp 4 để cưới vợ.
 
Bức tranh Nixon trong hình hài chim bồ câu mồm ngậm bom thả xuống miền Bắc là một tranh hay tiêu biểu của ông thời chống Mỹ.Bức tranh kế toán, tài vụ, thanh tra đồng loạt đeo “khẩu trang phong bì” phòng dịch ở Hà Nội khá hài, dễ đến với người xem...
 Tranh Võ An Lai
Nếu ai có dịp xem ông HS biếm này, một tay vợt bóng bàn có hạng của ngành giáo dục, với cái vợt dán một mặt phản xoáy “cắt...đánh” chẳng giống ai, nhưng cho không ít anh tài đo ván, thì ta sẽ thấy một Võ An Lai rất nhất quán, biết rõ mặt yếu của mình thì tìm cách khắc phục, tạo một phong cách riêng của mình dù là trong biếm họa hay trong... bóng bàn.
 
Ông là một con người dễ mến, nhiệt tình, thấy anh em khác vẽ đẹp, có tranh hay thì ông mừng cho họ, nhất là với các HS biếm trẻ. Ở cái tuổi 60, sau 40 năm vẽ biếm họa, nhiệt tình và đam mê, biếm họa trong ông vẫn còn nguyên. Tôi mong ngọn lửa nhiệt tình đó sẽ được những người như ông truyền cho các HS biếm trẻ, tương lai của biếm họa Việt Nam.

Lý Trực Dũng

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự