(lienminhbng.org) – “Tranh biếm họa không thể thiếu với nhiều tờ báo, có vị trí đặc biệt, vô cùng sống động và đáng yêu... Sau khi "ngủ đông", lần này, biếm họa sẽ trở lại với sức sống lớn hơn, với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng” – ông Hồ Quang Lợi Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ.
Sáng nay 3/4, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018 và khai mạc Triển lãm “96 năm biếm họa báo chí Việt Nam”.
Tại sự kiện, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam chia sẻ sự vui mừng khi đồng hành cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) để tổ chức Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ V-2018.
Ông Hồ Quang Lợi nhận định: “Trong nhiều năm, biếm họa là thứ không thể thiếu ở rất nhiều tờ báo. Các báo đều dành cho tranh biếm họa một vị trí đặc biệt, quan trọng và xứng đáng. Góc biếm họa báo chí với tranh của các họa sĩ - nhà báo Phạm Tấn Phú, họa sĩ Lý Trực Dũng... khiến cho tờ báo trở nên sống động, lý thú và cũng rất đáng yêu”.
“Những năm vừa rồi theo dõi báo chí, tôi cũng không hiểu vì sao lại thiếu vắng tranh biếm họa như vậy và tôi có cảm giác gương mặt báo chí thiếu đi một điều lý thú.
Đúng như một số họa sĩ ý kiến, hãy coi như chúng ta "ngủ Đông" và bây giờ, chúng ta khởi động giải biếm họa vào đúng mùa Xuân. Tôi nghĩ lần này, biếm họa sẽ trở lại với sức sống lớn hơn, với sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Thành Chương, Duy Liên, Phạm Tấn Phú, Lý Trực Dũng...
Sự có mặt của các họa sĩ nổi tiếng chứng tỏ rằng giải này luôn có ý nghĩa rất lớn trong đời sống. Tôi tin, họ sẽ là những người đầu tiên gửi tác phẩm tới cuộc thi, không phải chỉ để dự thi mà còn để những tác phẩm biếm họa của mình được xuất hiện trên đời sống qua các phương tiện thông tin đại chúng” – ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Ông Hồ Quang Lợi cũng hết sức tâm đắc với chủ đề Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V-2018: "Đề tài về văn hóa ứng xử rất trúng, rất hay. Làm việc ở Hà Nội nhiều năm, trong đó có 6 năm làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, tôi thấy văn hóa ứng xử nói chung và ở Hà Nội nói riêng là vấn đề “nóng”. Xã hội phát triển đến mấy, thiếu văn hóa ứng xử thì vẫn chưa đẹp, chưa hoàn hảo, bởi đó là bộ mặt của chúng ta.
Tranh biếm họa bên cạnh tính đả kích, chiến đấu, còn có cả tính xây dựng và nhân văn. Tính nhân văn là điều xã hội đang rất cần, và báo chí cũng đang làm nhiệm vụ góp phần bảo vệ và bồi đắp nó” – ông Lợi bày tỏ.
Hoàng Nguyên (ghi)
Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần này chúng tôi quyết định chọn chủ đề Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh, nhằm sử dụng tiếng cười của biếm họa để phản tỉnh mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc.