(lienminhbng.org) - Ngày 11/1, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức Lễ Tổng kết, Trao giải và Triển lãm Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần V–2018 với chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh. Căn cứ vào chất lượng tranh dự thi, Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 04 giải Khuyến khích (tăng 01 giải Nhì so với dự kiến).
Với chất lượng tranh dự thi vượt trội, Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 04 giải Khuyến khích.
Sau 8 tháng phát động (từ 4/2018 – 12/2018), Cuộc thi đã thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi, chưa kể hàng chục tác phẩm gửi để "dự treo" triển lãm. Điều đó cho thấy sức sáng tạo biếm họa của các họa sĩ chuyên và không chuyên khắp cả nước vô cùng dồi dào. Ấn tượng nhất là họa sĩ CẬN, ngoài 10 bức tranh dự thi, mức tối đa theo Thể lệ, anh còn gửi thêm khoảng... 50 bức để BTC tùy nghi sử dụng, như một cách cổ vũ cho Giải thưởng, cũng như cho phong trào biếm họa nói chung.
Có tới trên 30% số tranh dự thi đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Điều đó đã phản ánh rất chính xác nỗi lo lắng của toàn xã hội trong thời gian này.
Lối sống ảo đã xâm nhập vào từng người, không chỉ trong các cuộc họp, khi chủ tọa yêu cầu biểu quyết thì cử tọa đồng loạt biểu quyết bằng cách... like trên Facebook, mà ngay cả các cặp đôi khi đi ăn với nhau, khi hôn nhau hay thậm chí trong đêm tân hôn cũng cắm mặt vào smartphone...
Mặt trái của mạng xã hội đã được các họa sĩ biếm thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, sống động, khiến người xem phải giật mình. Nào là chuyện câu like, chuyện chửi bới nhau hay chuyện "ném đá" người khác trên facebook. Còn chuyện tin đồn trên mạng xã hội đang "truy sát" các nạn nhân bất hạnh... thì đã là câu chuyện hàng ngày, được nhiều bức tranh đề cập đến.
Họa sĩ Hữu Lộc đã khái quát điều đó trong bức tranh mà các nhân vật tự biến mình thành những con rối để cộng đồng giật dây "đánh nhau" bằng "cây gậy" facebook.
Thủ pháp của biếm họa, dĩ nhiên có sự "phóng đại hóa" nhưng cứ qua các con số thông kê lạnh lùng vào năm nay, thì có thể thấy rằng, biếm họa đang cung cấp một bức tranh rất thực tế về sự "phát tác" của mạng xã hội. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với 58 triệu người dùng Facebook, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. TPHCM cũng nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng.
Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh 15-18 tuổi đang sử dụng Facebook. Và gần đây đã liên tiếp xuất hiện nhiều vụ học sinh nghiện Facebook quá nặng phải cưỡng chế nhập viện, thậm chí có trường hợp phát điên vì bị cấm dùng Facebook. Hiện mỗi ngày có đến hơn 68% trẻ sử dụng Facebook bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày. Địa điểm sử dụng Facebook chủ yếu là ở nhà. Nhưng đáng chú ý, có gần 3% trẻ sử dụng Facebook trong lúc di chuyển....
Những cảnh báo của biếm họa đó có thể không mới, nhưng có sức phản tỉnh rất mạnh mẽ. Không đao to búa lớn: "Lịch chăm mẹ ốm" của họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Trí là một nụ cười mỉa mai thấm thía. Mẹ ốm không chăm, ngồi chơi Facebook nhưng trên mạng ảo lại đóng vai một người con hiếu thảo với status: "Mẹ chóng lành bệnh nhé" để nhận vô số like, love, để rồi "tự sướng" với vai diễn đó của mình.
Nhưng đương nhiên, các họa sĩ không cực đoan đến mức "anti" cả mạng xã hội. Cũng như trong cuộc sống, mạng xã hội có tính chất hai mặt của nó. Một tin xấu hay một tin tốt khi được đưa lên đó đều có thể bùng nổ thành sóng thần dư luận.
Ở bức Chực chờ, họa sĩ trẻ Lê Diệu Bang đã xếp hình logo Facebook bằng những que diêm, bên cạnh đó, một người dùng đang "chực chờ" tung lên một thông tin "hot". Người dùng ấy như một que diêm đang cháy có thể "kích nổ" cả mạng xã hội cũng đang trong trạng thái "chực chờ". Nhận thức được sức ảnh hưởng của thông tin mình sắp đưa lên, và biết kiềm chế, biết nhận thức đúng/sai, tốt/xấu trước những "ngòi nổ" vừa xuất hiện, đó là lời khuyên cho cả hai phía đang rập rình "chực chờ". Và đó cũng là một thái độ cần có của mỗi người khi đưa cũng như khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội.
***
Văn hóa ứng xử là một chủ đề rất rộng. Bên cạnh văn hóa mạng, thì còn là văn hóa ứng xử nơi công cộng (đặc biệt là giao thông, lễ hội) hay văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở (đặc biệt là ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, ứng xử trong bệnh viện, ứng xử trong học đường...). Thông qua tiếng cười của biếm họa, mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có những sự điều chỉnh thích hợp.
Qua 400 tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay, bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội (cả thực và ảo) thực sự văn minh trong ứng xử... 400 bức tranh chính là một màn tổng kết để "phản tỉnh" chúng ta trong văn hóa ứng xử trong thời gian qua, qua đó, góp phần làm cho xã hội nền nếp, văn minh hơn.
Hội đồng giám khảo do nhà báo Lê Quốc Minh (Phó Tổng giám đốc TTXVN) làm Chủ tịch và các thành viên là các nhà báo, họa sĩ nổi tiếng như: Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH,TT&DL), họa sĩ – KTS Lý Trực Dũng, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ biếm họa Trần Minh Dũng (NHOP), họa sĩ Lê Phương (LEO).
Ngồi ghế giám khảo cả hai giải Biếm họa (là giải biếm họa chủ đề "Phòng, chống tham nhũng" do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức (trao giải 11/2018) và giải biếm họa chủ đề "Ứng xử Văn hóa; Xã hội văn minh" của báo TT&VH), họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: "Vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà quản lý, tôi rất vui. Các cuộc thi thể hiện sự quan tâm của xã hội với nghệ thuật tranh biếm họa. Qua đó, đội ngũ sáng tác cũng như công chúng sẽ thấy được rằng biếm họa vẫn là một thể loại mang tính xung kích, tính thời sự và có khả năng phản biện xã hội. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng thì đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp một tiếng nói xây dựng xã hội nhân văn hơn. Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre năm nay chọn đề tài Ứng xử Văn hóa; Xã hội văn minh rất trúng và đúng. Gần đây báo chí nói rất nhiều đến những vụ bạo hành học đường, văn hóa giao thông rồi lạm dụng mạng xã hội… Qua đó cho thấy văn hóa ứng xử vẫn là một điểm nóng mà các họa sĩ biếm nói riêng và giới báo chí nói chung thông qua những tác phẩm của mình lên tiếng phản ánh, cảnh tỉnh để mỗi cá nhân, cũng như các cơ quan quản lý lưu tâm điều chỉnh, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội hiện nay. Các tác phẩm đoạt giải và được triển lãm năm nay, tôi cho là xứng đáng vì có ngôn ngữ đồ họa mạch lạc và cá vấn đề nêu ra cũng rất nóng".
Là "kiến trúc sư" của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre từ mùa giải đầu tiên đến nay, họa sĩ Lý Trực Dũng nhận xét: Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh là đề tài nghe thì dễ nhưng thực sự khó. Nó tương đối trừu tượng. Ví dụ biếm họa chống tham những, giao thông, bảo vệ môi trường thì rất cụ thể. Còn nếu nói hài hước thì đề tài ứng xử văn hóa rất khó “nhằn”. Khi chấm 400 bức tranh, ban đầu rất lo là có chọn được những tác phẩm xứng đáng không? Nhưng chấm xong thì tôi phấn khởi vì chọn được tranh tốt. Với tranh biếm họa quan trọng nhất phải có ý tưởng. 7 vị trong ban giám khảo của chúng tôi thống nhất cao để chọn ra giải nhất vì nó có ý tưởng và các thể hiện rất thú vị, vừa dễ hiểu, những cũng tạo ra nhiều suy ngẫm thâm thúy. Đó không phải là một điều dễ trong khi trước đó giải biếm họa chống tham nhũng, ban giám khảo trong đó có tôi đã không chọn ra được giải nhất. Tôi nghĩ cúp Rồng tre lần V này đã thành công. Có rất nhiều bạn nước ngoài quan tâm đến giải này. Trong đó có một giáo sư người Canada từng làm nhiều sách tranh hí họa của Châu Á đã đề nghị giới thiệu cúp Rồng tre cũng như các tác phẩm tiêu biểu trong những ấn phẩm sắp tới. Đó cũng là một dấu hiệu vui cho biếm họa Việt Nam nói chung".
Họa sĩ nổi tiếng Thành Chương, cũng là Giám khảo của Giải Biếm họa năm nay, tạm chia biếm họa thành hai loại, loại đả kích và loại hài hước. Ông cho rằng, bao giờ vẽ đả kích cũng rất thú vị vì được dùng ngòi bút để "đâm mấy thằng gian". Còn vẽ hài hước thì rất khó, phải dùng hình ảnh để tạo ra tiếng cười. Bấy lâu nay có những cái cười, mà đem ra cười mãi thì cũng nhạt. Các tranh biếm họa hiện nay, không đả kích hay hài hước hoàn toàn mà kết hợp cả hai, mang tính chất châm biếm vào những thói hư tật xấu, tạo tiếng cười lành mạnh.
Theo ông, đề tài Giải biếm họa năm nay (Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh) là rất phù hợp, kịp thời vì trong đời sống xã hội bây giờ, những cái phản cảm, thiếu văn minh rất nhiều. Dùng ngòi bút để châm biếm, để lại những bài học là cách để thay đổi thực trạng này. Cũng không dễ tí nào. Cúp Rồng tre chọn đề tài "nhẹ" hơn, lại đi sau Giải biếm họa chủ đề "Phòng, chống tham nhũng" của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, nên với tư cách giám khảo, tôi cũng rất lo lắng, đến tận khi bắt đầu vào chấm, tôi cũng không mong tìm được giải Nhất hay các tranh xuất sắc. Nhưng thật bất ngờ là khi chấm qua mấy vòng, thấy tranh dự thi rất đa dạng, phong phú, có được tranh Nhất rất xứng đáng. Bức Chực chờ vừa có chất trí tuệ vì ý tứ sâu sắc, tư duy mới mẻ, lại rất thời đại và tạo hình nghệ thuật cũng rất tốt. Cũng như thi hoa hậu, nếu chọn được hoa hậu xứng đáng, thỏa mãn kỳ vọng của tất cả mọi người thì cuộc thi ấy thành công.
Bên cạnh những bức tranh "bút sắt" trực diện, với tính chiến đấu cao, cũng có khá nhiều những bức tranh biếm đầy chất... siêu thực. Cùng gia đình đang ngồi trên ghế đá công viên buổi tối, trước cảnh hôn hít thiếu lịch sự của đôi trai gái trên ghế đá bên cạnh, ông bố đã "uốn cong" rồi "buộc túm" ánh đèn cao áp lại thành tấm màn che. "Nhiệm vụ bất khả thi" này là đứa trẻ con ông khỏi phải nhìn thấy cảnh chướng tai gai mắt nơi công cộng và để đôi trai gái cũng được "yêu nhau trong tối". Quả là lời nhắc nhở kín đáo, nhỏ nhẹ sau một năm mà rất nhiều những màn yêu đương thái quá nơi công cộng gây tức mắt dư luận. Nhỏ nhẹ mà thấm thía.
***
Biếm họa dùng tiếng cười để phản tỉnh. Nhưng có "tỉnh" ra để rồi thay đổi hành vi của mình hay không lại phụ thuộc vào ý thức của những người có liên quan.
Một bức tranh dự thi không đoạt giải, cũng không lọt vào vòng chung khảo nhưng đã nêu được một triết lý giản dị, như triết lý trong các bức tranh nhân quả của nhà Phật. Đó là tranh của họa sĩ Tín Nhượng: Ở phần thứ nhất, bức tranh về chuyện phụ huynh gây áp lực buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi. Ở phần thứ 2 là cảnh báo về viễn cảnh "nhân quả" sau này: đến lượt mình, phụ huynh cũng có thể bị chính đứa con mình bắt phải quỳ!
Vâng, giáo dục trong năm 2018 có rất nhiều những câu chuyện đau lòng, rất khó có thể kể ra hết, và cũng rất khó có thể phân tích đủ các hậu quả. Nhưng có lẽ ai cũng phải đồng ý rằng, giáo dục là ươm mầm tương lai. Cho nên, nếu hôm nay, ai trong số những người lớn chúng ta nêu những tấm gương xấu trong giáo dục thì chắc chắn rằng, sẽ phải nhận "đại bác" từ tương lai. "Hợp sức" xóa đi bạo lực học đường rất cần tình yêu thương.
Vượt lên những câu chuyện thời sự hàng ngày, biếm họa có sức sống lâu bền là nhờ những bài học thấm thía và trực quan như thế.
TRIỂN LÃM 60 TÁC PHẨM TIÊU BIỂU TẠI PHỐ ĐI BỘ HỒ GƯƠM
Cùng với việc in vựng tập, Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo Giải thưởng đã chọn 60 tranh tiêu biểu để triển lãm tại sảnh Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày 11/1/2019. Sau đó, trong 2 ngày Cuối tuần từ 12 – 13/1/2019, triển lãm sẽ được mang ra Phố đi bộ Hồ Gươm (đoạn trước tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ) nhằm lan truyền thông điệp "Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh" tới cả cộng đồng.
|
KẾT QUẢ GIẢI BIẾM HỌA BÁO CHÍ VIỆT NAM – CÚP RỒNG TRE LẦN V - 2018
Với chất lượng tranh dự thi vượt trội, Ban Tổ chức và Hội đồng giám khảo đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba, 04 giải Khuyến khích.
Danh sách 9 tác phẩm xuất sắc nhất được trao các giải thưởng như sau:
01 Giải Nhất (kèm tiền thưởng 15 triệu đồng) được trao cho:
- Tác phẩm Chực chờ của họa sĩ Lê Diệu Bang (bút danh Méo)
02 Giải Nhì (kèm tiền thưởng 8 triệu đồng/giải) được trao cho:
- Tác phẩm: Chung sức của họa sĩ Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD)
- Tác phẩm: Khi đời tư cũng thành …món ăn nhanh của họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến
02 Giải Ba (kèm tiền thưởng 5 triệu đồng/giải) được trao cho:
- Tác phẩm: Dê đen và Dê trắng của họa sĩ Trần Hải Nam (bút danh N9)
- Tác phẩm: Trật tự đô thị của họa sĩ Nguyễn Minh Đông (bút danh điop)
04 Giải Khuyến khích (kèm tiền thưởng 2 triệu đồng/giải) được trao cho
- Tác phẩm: Lịch chăm mẹ ốm của họa sĩ Nguyễn Đức Trí
- Tác phẩm: Không lời của họa sĩ Nguyễn Duy Sơn
- Tác phẩm: Nhào Dzô… của họa sĩ Nguyễn Hữu Lộc (bút danh H.Lộc)
- Tác phẩm: Dư luận của họa sĩ Lê Đức Hùng (bút danh DINGO)
|
PV