Họa sĩ Nhốp: Mong biếm họa “thoát kiếp” con lai

13:36 25/05/2010

(TT&VH) - Họa sĩ Nhốp là một “cây biếm” lâu năm của làng biếm họa Việt Nam, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, ông mong muốn họa sĩ biếm được công nhận cả về mặt nghề nghiệp lẫn tổ chức. Nhân dịp Lễ trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần 2 - Cúp Rồng Tre tại phía Nam và triển lãm tranh biếm chủ đề: “Giao thông thời… hội nhập” sẽ diễn ra lúc 16h30, thứ Sáu, ngày 28/5 tới đây, tại Phòng triển lãm Cơ quan đại diện TTXVN tại TP.HCM (116 - 118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3), họa sĩ Nhốp đã bày tỏ ước mơ này với TT&VH.

Mong muốn có tổ chức nghề nghiệp biếm họa

* Thưa họa sĩ, ở giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần 1, ông mong muốn có một hội nghề nghiệp thực sự dành riêng cho các họa sĩ biếm, đến nay ước mơ đó vẫn còn theo đuối ông?

- Tất nhiên, với hơn 20 năm làm họa sĩ biếm như tôi, ai cũng có ước muốn nghề nghiệp của mình được công nhận một cách chính thức bằng một tổ chức thực sự chứ không chỉ dừng lại ở giải thưởng. Từ ngày báo TT&VH tổ chức giải biếm họa báo chí toàn quốc, suy nghĩ này trong tôi càng thôi thúc hơn.

Họa sĩ Nhốp tên thật là Trần Minh Dũng, sinh năm 1952, công tác tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM từ 1987. Đã tham dự nhiều cuộc triển lãm tranh quốc tế. Năm 1997, ông và các đồng nghiệp đã tổ chức triển lãm tranh biếm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Đó là triển lãm đầu tiên mà họa sĩ biếm bán được tranh để hỗ trợ cho Chương trình “Vì nụ cười tương lai” của báo Tuổi Trẻ.

Năm 1984, khi báo Tuổi Trẻ Cười thành lập cũng là lúc CLB Họa sĩ biếm ra đời với quan điểm “mở rộng” cho những ai thích vẽ biếm vào sinh hoạt. Nhưng đến nay, có thể nói CLB này chỉ còn hoạt động trên... mặt báo.

Chủ trương của Tuổi Trẻ Cười là chỉ chọn một số họa sĩ biếm có tay nghề để phục vụ cho báo. Điều này hơi tiếc, nhưng đã có chủ trương như vậy thì mình chịu thôi (cười). Tiếc vì lúc trước có mở các lớp trao đổi về vẽ biếm, thường xuyên trao đổi về nghề nghiệp giúp các bạn họa sĩ lẫn các bạn thích vẽ đến sinh hoạt vẽ “lên tay” hơn. Có thể kể những cây bút trưởng thành từ CLB này: DAD, MIT, Xuân Trung, ZARA...

* Không có CLB để những người yêu biếm họa sinh hoạt là điều đáng tiếc, nhưng trong Trường ĐH Mỹ thuật ở ta cũng không dạy vẽ biếm?

- Theo tôi biết, ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... có dạy biếm họa lẫn vẽ truyện tranh trong các trường ĐH. Nhưng ở ta thì không có. Hiện nay chỉ có một vài trường đào tạo vẽ phim hoạt hình mà thôi. Dù hình thức có “bà con” với nhau nhưng tư duy biếm họa thì hoàn toàn khác hẳn.


Tác phẩm đoạt giải của họa sĩ DAD
Như một “Pulitzer VN” dành cho biếm họa

* Biếm họa hiện nay ở TP.HCM trực thuộc Hội Nhà báo hay Hội Mỹ thuật thưa ông?

- Thuộc Hội Mỹ thuật, nhưng là một nhánh rất nhỏ nằm trong ngành đồ họa của Hội này. Cá nhân tôi mong muốn biếm họa nên trực thuộc Hội Nhà báo là hợp lý, vì tác phẩm của họ là sản phẩm báo chí, biếm họa mang trong nó nhiều giá trị thông tin, người vẽ biếm mang tố chất của nhà báo nhiều hơn. Giải báo chí Pulitzer danh giá của Mỹ có phần dành riêng cho biếm họa đó thôi.

* Ông mong muốn giải biếm họa được “sánh vai” với các thể loại báo chí khác?

- Đúng như vậy. Thông qua hai giải Biếm họa báo chí vừa qua, tôi nghĩ rằng đã có điều kiện để Hội Nhà báo VN cân nhắc để hình thành thêm giải báo chí dành cho biếm họa. Điều kiện đó là giải Đặc biệt của Hội Nhà báo trao cho họa sĩ LAP vì có nhiều tranh chất lượng được đăng báo và vào vòng chung khảo. Nếu Cup Rồng Tre phát triển mạnh về sau này, được Hội Nhà báo hỗ trợ nhiệt tình, có lẽ giá trị của giải thưởng này cũng coi như một “Pulitzer VN” dành cho biếm họa vậy.

* Cá nhân ông nhìn nhận biếm họa Việt Nam hiện nay đang phát triển đến đâu?

- Nếu so với những năm 1980 thì biếm họa bây giờ hơi ít “ép phê”. Tính thời sự được thể hiện qua bài viết, còn biếm họa hình như chỉ làm nhiệm vụ “minh họa” theo “đơn đặt hàng” cho bài viết thôi. Số lượng các họa sĩ sống được bằng nghề vẽ biếm đếm chưa đủ hai bàn tay. Trong số đó, phần nhiều tranh của họ là “minh họa” cho các bài báo chứ ít có tác phẩm độc lập như một sản phẩm báo chí thực thụ. Có giải dành cho biếm họa như TT&VH tổ chức giúp các họa sĩ vẽ biếm thấy mình được coi trọng. Nhưng tôi nghĩ, muốn giữ được như thế lâu dài thì bản thân người họa sĩ phải tự đòi hỏi mình nhiều hơn nữa.

* Như ông vừa nói, rất ít họa sĩ biếm sống được bằng biếm họa, vì sao vậy?

- Cứ xem tần suất các bút danh xuất hiện trên mặt báo thì biết. Vì nhuận bút của tranh biếm chủ yếu dựa vào việc xuất bản báo, mà nhuận bút biếm họa chỉ nhỉnh hơn nhuận ảnh một chút. Nếu vẽ ít, xuất hiện thưa thớt thì làm sao sống được.

* Bản thân ông muốn làm gì để biếm họa được công nhận như một tổ chức nhằm đưa loại hình này phát triển hơn?

- Tranh biếm là một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Cả ngành mỹ thuật lẫn báo chí đều “thừa nhận” nó có liên quan đến mình. Nhưng cho đến nay, dù ít nhiều đã được quan tâm, tôi vẫn có cảm giác nó đang mang thân phận “con lai”. Nếu Hội Nhà báo “bật đèn xanh”, tôi và một số anh em biếm họa khác sẽ tình nguyện vận động thành lập Chi hội Biếm họa, hoặc chí ít cũng là một CLB họa sĩ Biếm sinh hoạt kiểu như CLB phóng viên Ảnh báo chí, CLB phóng viên Văn hóa Nghệ thuật... vậy.

* Xin cảm ơn họa sĩ!


* Bạn đọc yêu biếm họa có thể tìm hiểu thêm về biếm họa trên trang https://thethaovanhoa.vn/biemhoa

Hoàng Nhân (thực hiện)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự