Họa sĩ NOP: Không có trường lớp, biếm họa sẽ mãi tự phát

13:27 26/05/2010

(TT&VH) - Năm 1985, để chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp Khoa Chuyên tu lý luận phê bình lịch sử mỹ thuật (ĐH Mỹ thuật TP.HCM), họa sĩ NOP (tên thật Hà Xuân Nồng) đã viết Bước đầu tìm hiểu ngôn ngữ biếm họa - đây có thể là một trong những luận văn sớm nhất, nghiên cứu về thể loại này.

Cúp Rồng Tre năm nay, họa sĩ NOP đoạt giải Nhất với chùm tác phẩm Ba giai đoạn và Bài học muộn, nhưng trong cuộc trò chuyện với TT&VH hôm qua, anh không nói về các tác phẩm này, mà là những ưu tư của anh với câu chuyện biếm họa Việt Nam.

Nên phát triển cả tranh vui và chống tiêu cực



 Nop - chân dung tự họa năm 2008
* Trên thế giới, biếm họa (caricature) không những đóng góp rất nhiều vào nhận thức của quần chúng xã hội về chức năng báo chí và sức mạnh của nó, mà còn là một bộ phận không thể tách rời của lịch sử mỹ thuật. Thế nhưng tại Việt Nam, nó vẫn còn bị xem nhẹ. Có nhiều ý kiến nhận xét về chuyện này, cách nhìn của anh như thế nào?


- Đây là một hệ quả của lịch sử, làm cho biếm họa hiện nay bị phát triển thiên lệch, bị hiểu lầm và cả bị coi nhẹ. Thời kỳ đầu, những họa sĩ vẽ biếm họa đều là những cây đa cây đề trong làng hội họa, họ vẽ cốt là để bày tỏ cách nhìn của mình về xã hội, thời cuộc... với tưởng tượng khá phong phú, đa dạng.

Thời kháng chiến, họa sĩ biếm tham gia khá sâu sát, nhưng sự châm biếm, đả kích được ưu tiên, nên thành ra sau này có định kiến rằng biếm họa chỉ là châm biếm, đả kích mà quên đi tính chất khôi hài, hý họa, hoạt kê thuần túy - vốn cũng là một đặc tính thể loại. Trên thế giới hiện nay, có một mảng lớn tranh biếm họa không còn dừng lại ở chuyện chống tiêu cực, mà là vẽ cốt để giải trí, tạo hiệu ứng hài hước bình thường. Đây cũng sẽ là tương lai của biếm họa Việt Nam; dù hiện nay, tính châm biếm, đả kích, chống tiêu cực vẫn giữ “thế thượng phong” trên mặt báo có đăng tranh biếm họa.

* Tương lai, biếm họa cần phát triển cả tranh vui?

Triển lãm và trao giải Biếm họa báo chí lần 2 - Cúp Rồng Tre, do báo TT&VH tổ chức sẽ có thêm một cuộc trưng bày nữa vào lúc 16h30 ngày 28/5 tới tại Cơ quan Đại diện của TTXVN tại TP.HCM (116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3). Triển lãm sẽ kéo dài đến 3/6

- Nếu được như vậy, tinh thần của họa sĩ biếm sẽ bớt căng thẳng, mà người xem cũng ít bị ám ảnh quá nhiều vào chuyện tiêu cực, thành ra cả hai bên đều vui. Lúc ấy, biếm họa không đơn thuần hiện diện trên mặt báo như là một “chiến sĩ phản biện”, mà có thể đi vào các bức tường của gia đình, công sở... như là một tác phẩm trang trí, giải trí. Cho nên, ngay cả với các cuộc thi biếm họa trong tương lai, tôi nghĩ nên có song song hai chủ đề: chống tiêu cực và tranh vui thuần túy. Làm được như vậy, thì diện mạo biếm họa mới có cơ may cải thiện được tình trạng “con nuôi, con ghẻ” hiện nay.


Nếu được đào tạo bài bản ngay từ nhỏ…

* Vừa rồi là chuyện thiên hạ, còn bản thân anh, sau khoảng 35 năm theo nghề biếm họa như định mệnh đã sắp đặt, có khi nào anh thấy hoang mang, mệt mỏi và nghĩ rằng giá như mình đuợc chọn nghề, nghiệp khác?

- Trong làng biếm họa Việt Nam hiện nay, xuất hiện thường xuyên trên báo chưa tới 30 người và chỉ có khoảng 1/3 trong số đó sống được với tiền nhuận bút.

Tôi có may mắn được sống hoàn toàn với nghề này, nhưng cũng đã rất nhiều lần bị stress về chuyện vẽ quá nhiều, nhưng để thay đổi tình hình, họa sĩ chẳng thể làm được gì.


Tác phẩm Người xin ý kiến chỉ đạo của NOP - biếm vật
 trong triển lãm cá nhân năm 1992

Từ nhỏ tôi đã có máu vẽ hài hước, luôn ước mộng làm nghề này. Năm 17 tuổi, khi đoạt giải Nhất của báo Tuổi Trẻ về biếm họa, lúc ấy tôi hoang mang nhất, vì chẳng biết theo học nghề này ở đâu và có họa sĩ nào đã sống được với nghề để làm tấm gương cho mình vững tâm. Những năm sau 1975, theo học hội họa đã là chuyện phù phiếm, học biếm họa càng phù phiếm hơn, vì lúc ấy chẳng mấy người nghĩ đây là chuyện nghiêm túc, là một nghề trong xã hội. Bây giờ nhìn lại, nếu từ nhỏ tôi được đào tạo bài bản về vẽ biếm họa thì chắc bây giờ đã tốt hơn rất nhiều, không phải loay hoay, mày mò tự học suốt đời.

* Như ý anh vừa nói, thì bây giờ biếm họa đã có nhiều cơ sở để giới trẻ vững tin hơn với chọn lựa của mình, dù thực tế cho thấy ở Việt Nam vẫn chưa có trường lớp chính quy nào dạy?

- Nếu bây giờ một bạn trẻ nào đó muốn theo nghề biếm họa, họ sẽ có nhiều tờ báo để trông vào. Còn thực tế về chuyện không có trường chính quy nào có lớp dạy thì hơi buồn, vì người dạy không thiếu, giáo trình thì khá dễ dàng để soạn thảo, vì thế giới đã có khá nhiều tài liệu thuộc diện chuẩn mực. Mà khi đã không có trường lớp, thì biếm họa mãi sẽ là tự phát, ai nên người, thành hình là do tự thân họ. Nói ra điều này có thể nhiều người phật ý, chứ biếm họa Việt Nam hiện nay giống như loạn 12 sứ quân, bùng phát nơi này nơi kia, chưa có ai đủ bản lĩnh để đứng ra “nhất thống”.

* Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần tiếng nói phản biện và phê bình - để kích thích sự phát triển. Có đam mê từ nhỏ, lại được học chuyên ngành về lý luận phê bình lịch sử hội họa, sao anh không thử đứng ra “cầm cân nảy mực”?

- Tất cả những nghiên cứu, những ưu tư mà tôi ấp ủ, ghi chép trong nhiều năm qua, tôi dự định khi mình “gác kiếm” với cuộc mưu sinh, tôi sẽ chuyên tâm với công việc phê bình, cố gắng cắt nghĩa môi trường biếm họa Việt Nam một cách khách quan.

Năm 1992, trong triển lãm biếm họa cá nhân tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, ngoài 24 trang biếm họa theo kiểu truyền thống, NOP còn trưng bày 20 biếm vật (dùng vật để châm biếm). Khái niệm biếm vật có thể chưa chuẩn xác về từ ngữ, nhưng đã cho thấy NOP là một trong những họa sĩ tiên phong về thể loại này ở Việt Nam, dù nhu cầu của thị trường thời bấy giờ hoàn toàn chưa có. Để bù lỗ cho triển lãm không có khách mua tác phẩm, vợ chồng NOP đã phải bán một chiếc xe máy, một tài sản quý giá thời bấy giờ.

Văn Bảy (thực hiện)

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự