(lienminhbng.org) - Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh là chủ đề mà Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V - 2018 đưa ra để các “nhà báo vẽ” trong cả nước “ứng thí”. Kết quả, sau 8 tháng phát động đã có khoảng 400 tác phẩm dự thi, chưa kể hàng chục tranh “dự treo”.
Vừa qua, BGK Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre lần V - 2018 đã có buổi thảo luận và chấm giải căng thẳng tại Tòa soạn Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) tại 11, Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Vào 15h hôm nay, thứ Sáu (11/1/2019), Lễ tổng kết, trao giải và triển lãm các tác phẩm dự giải sẽ được báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Từ những báo động về văn hóa ứng xử…
Có một điểm chung là cả 7 vị giám khảo đều thú nhận rằng mình đã không hề... cười trong suốt quá trình chấm giải.
Không cười, bởi nội dung của hầu hết các tranh biếm đều xoáy sâu vào những chuyện từng khiến dư luận bức xúc hoặc vẫn còn nguyên tính thời sự, trong đó, tập trung nhiều nhất là về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Theo thống kê sơ bộ, có đến trên 30% tác phẩm dự thi lần này “tấn công” vào vấn đề nói trên, qua đó phản ánh rất chính xác nỗi lo lắng của toàn xã hội trong thời gian này. Đó là các họa sĩ Hữu Lộc, Nguyễn Đức Trí, Lê Diệu Bang, Lê Đức Hùng... với những tác phẩm xoáy sâu vào mặt trái của mạng xã hội khiến người xem phải giật mình.
Những chuyện câu like, chuyện chửi bới nhau hay chuyện ném đá người khác trên Facebook... đã làm nên một “bức tranh khổ lớn” có sức phản tỉnh mạnh mẽ. Họa sĩ Lê Đức Hùng (Hùng Dingo) nhận xét, nổi lên trên “bức tranh khổ lớn” ấy là một “gam màu buồn”. “Cuộc sống hiện đại giờ đây dường như chia làm 2 phần rõ rệt: Thật và ảo, trong đó phần ảo lại thật hơn, người ta nói chuyện, giao tiếp, kết bạn, làm việc... thậm chí cưới nhau hay giết nhau trên mạng” - anh nói.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Lý Trực Dũng, vấn đề chính không phải nằm ở mạng xã hội. “Mạng xã hội, theo tôi, không ảnh hưởng đến nhiều người như thế mà trước hết ảnh hưởng đến chính những người đọc nó, nghiện nó” - ông Dũng nói - “Còn cái ứng xử chưa văn hóa nó nằm ở ngoài xã hội, chứ không phải nằm ở trên mạng. Có lẽ trong đời thật, người ta không nói hết được với nhau nên mới căng thẳng trên mạng xã hội như vậy. Vì thế, hơn 30% tranh biếm họa mùa giải năm nay, “đụng bút” vào vấn đề đó theo tôi vẫn là... ít”.
Đương nhiên, các họa sĩ không cực đoan đến mức "anti" cả mạng xã hội. Cũng như trong cuộc sống, mạng xã hội có tính chất hai mặt của nó. Một tin xấu hay một tin tốt khi được đưa lên đó đều có thể bùng nổ thành sóng thần dư luận. Ở bức Chực chờ, họa sĩ trẻ Lê Diệu Bang đã xếp hình logo Facebook bằng những que diêm, bên cạnh đó, một người dùng đang "chực chờ" tung lên một thông tin "hot". Người dùng ấy như một que diêm đang cháy có thể "kích nổ" cả mạng xã hội cũng đang "chực chờ". Nhận thức được sức ảnh hưởng của thông tin mình sắp đưa lên, và biết kiềm chế, phân biệt tốt/xấu, đúng/sai trước những "ngòi nổ" vừa xuất hiện, đó là lời khuyên cho cả hai phía đang "chực chờ". Và đó cũng là một thái độ cần có của mỗi người khi đưa cũng như khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội.
... đến xã hội văn minh
Văn hóa ứng xử là một chủ đề rất rộng. Bên cạnh văn hóa mạng, thì còn là văn hóa ứng xử nơi công cộng (đặc biệt là giao thông, lễ hội) hay văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở (đặc biệt là ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, ứng xử trong bệnh viện, ứng xử trong học đường...). Thông qua tiếng cười của biếm họa, mỗi người có thể tự soi lại bản thân để có những sự điều chỉnh thích hợp.
Qua 400 tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử, cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh trong các quan hệ ứng xử trong xã hội ngày nay, bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội (cả thực và ảo) thực sự văn minh trong ứng xử... 400 bức tranh chính là một màn tổng kết để "phản tỉnh" chúng ta trong văn hóa ứng xử trong năm, qua đó, góp phần làm cho xã hội nền nếp, văn minh hơn.
Theo họa sĩ Lý Trực Dũng, trước những vấn đề xuống cấp về văn hóa ứng xử, tìm được một tiếng cười lạc quan, hay khiến ta phải suy nghĩ, động não là rất khó. “Vì thế, tôi hy vọng, sau khi công chúng đến với triển lãm lần này sẽ nhìn lại mình, sẽ suy nghĩ và tự trả lời câu hỏi: Tại sao Cúp Rồng tre lần này lại đưa ra chủ đề Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh, từ đó tìm cách góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Đánh giá về chất lượng của các tay biếm mùa giải lần 5, họa sĩ Lý Trực Dũng cho rằng, đây là một sân chơi chung cho các họa sĩ, trong đó, có những họa sĩ chuyên nghiệp thì “bút pháp” rất văn minh, hiện đại, còn những họa sĩ không chuyên hoặc mới vẽ thì “non” hơn. Tuy nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng nên cái quý nhất của Cúp Rồng tre lần 5 cũng như các mùa giải trước là đã được đông đảo các nghệ sĩ đại diện cho các tầng lớp, lứa tuổi tham gia.
“Các họa sĩ tham gia sân chơi này tôi cho rằng không đặt nặng vấn đề đoạt giải hay không đoạt giải mà quan trọng là cùng nhau góp tiếng nói bằng đặc thù nghề nghiệp của mình để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn” - họa sĩ Lý Trực Dũng nói. “Còn họa sĩ nào nhăm nhăm lao vào cuộc thi này để hy vọng mình đoạt giải thì tôi cho rằng không phải ở cuộc thi này”.
Ngồi ghế giám khảo cả hai giải Biếm họa (giải biếm họa chủ đề Phòng, chống tham nhũng do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức - trao giải 11/2018. Và giải biếm họa chủ đề Ứng xử Văn hóa; Xã hội văn minh của báo TT&VH), họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: "Vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà quản lý, tôi rất vui. Các cuộc thi đã thể hiện sự quan tâm của xã hội với nghệ thuật tranh biếm họa. Qua đó, đội ngũ sáng tác cũng như công chúng sẽ thấy được rằng biếm họa vẫn là một thể loại mang tính xung kích, tính thời sự và có khả năng phản biện xã hội. Trong bối cảnh xã hội còn nhiều vấn đề nóng thì đây chính là lúc tranh biếm họa lên tiếng, góp một tiếng nói xây dựng xã hội nhân văn hơn”.
Tín hiệu vui cho Rồng tre và Biếm họa Việt Nam
“Tôi nghĩ Cúp Rồng tre lần 5 này đã thành công. Có rất nhiều bạn nước ngoài quan tâm đến giải này. Trong đó có một giáo sư người Canada từng làm nhiều sách tranh hí họa của châu Á đã đề nghị giới thiệu Cúp Rồng tre cũng như các tác phẩm tiêu biểu trong những ấn phẩm sắp tới. Đó cũng là một dấu hiệu vui cho biếm họa Việt Nam nói chung” - Họa sĩ Lý Trực Dũng tiết lộ.
|
Triển lãm biếm họa tại Phố đi bộ Hồ Gươm
Sau lễ trao giải và triển lãm diễn ra tại số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (từ 15h ngày 11/1/2019), toàn bộ 60 tranh sẽ tiếp tục được trưng bày tại Phố đi bộ Hồ Gươm (đoạn trước tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ) trong 2 ngày Cuối tuần, từ 12 - 13/1/2019, để đông đảo nhân dân được thưởng lãm.
Các tác phẩm tiêu biểu cũng được in vào vựng tập, 60 trang, nhằm giới thiệu tổng quan về Giải năm nay.
|
Phạm Huy