Biếm họa Fukushima gây phẫn nộ

08:04 18/09/2013

(lienminhbng.org) - Tuần báo châm biếm Le Canard Enchaine của Pháp mới đây đã gây sốc và phẫnnộ khi đã đăng 2 tranh biếm họa lấy sự cố hạt nhân Fukushima, hậu quả của thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản tháng 3/2011, để vẽ tranh biếm họa giễu cợt nước Nhật.

1. Hành động này diễn ra khi Nhật Bản vừa giành quyền đăng cai Thế vận hội 2020. Ở một tranh, phía trước có 2 võ sĩ Sumo gầy gò, tay chân biến dạng, phía sau là tàn tích của nhà máy điện hạt nhân. Trong tranh, một phóng viên truyền hình được bảo vệ chống phóng xạ thốt lên: “Tuyệt diệu, nhờ Fukushima nên Sumo được thi đấu ở Olympic”.

Ở tranh khác có cảnh 2 người trang bị áo quần chống nhiễm xạ cầm thiết bị kiểm tra phóng xạ đứng trên bờ, dưới là chú thích: "Chắc là người ta sẽ cho vận động viên mặc “đồ bơi đặc chủng”.


Hai bức biếm họa đăng trên tờ Le Canard Enchaine của Pháp

2. Qua báo chí, truyền thông, tháng 3/2011, cả thế giới đã kinh hoàng chứng kiến thảm họa quá sức tưởng tượng của con người. 15.846 người đã chết và 3.317 người vẫn còn đang mất tích, theo số liệu mới nhất của cảnh sát Nhật Bản. Trong năm 2012, vẫn còn khoảng 300.000 người sống sót phải ở trong các khu nhà tạm, và những nỗ lực xây nhà mới cho họ có thể phải mất thêm 10 năm nữa. Vẫn còn hàng chục triệu tấn bùn, rác phải dọn...

Tôi vô cùng khâm phục người dân Nhật Bản với ý chí và nghị lực phi thường đã và đang khắc phục một cách thần kỳ hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần. Nhiều câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức tuân thủ luật pháp của người dân Nhật Bản đã khiến cho cả thế giới phải khâm phục.

Về sự cố hạt nhân Fukushima, mặc dù rất khó khăn, họ cũng đang vật lộn để giảm thiểu tối đa hậu quả rò rỉ chất phóng xạ độc hại ở đây và Tokyo đã cam kết không để chất phóng xạ ở đây ảnh hưởng đến Thế vận hội.

3. Họa sĩ biếm họa phải là những người có trách nhiệm với xã hội. Tôi cho rằng tác giả của 2 bức tranh biếm họa nói trên và Ban Biên tập Le Canard Enchaine là những người vô trách nhiệm và có thể nói vô nhân đạo, xúc phạm đến  hàng trăm ngàn nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản. Đây là vụ việc xấu hổ, phải bị lên án.

Việc Tokyo giành được quyền đăng cai thế vận hội Olympic và Paralypic mùa Hè 2020 và ý tưởng cao đẹp vì hòa bình, bác ái giữa các dân tộc của Olympic cần được hoan nghênh. Đây là một nguồn cảm hứng, an ủi và động viên cho thế hệ trẻ Nhật Bản, đặc biệt là các em bị ảnh hưởng bởi thảm họa nói trên. Tôi tin Thế vận hội 2020 ở Nhật bản sẽ thành công tốt đẹp và đó chính là tình cảm đoàn kết, chia sẻ thiết thực của vận động viên khắp thế giới dành cho nạn nhân của động đất và sóng thần ở Nhật Bản.

Họa sĩ biếm họa, KTS Lý Trực Dũng
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 
  • Nguyễn Hoàng (Gửi lúc: 9/18/2013 11:02:21 AM)

    Nhật có an toàn hay không, thì phải có kết luận kiểm tra chứ ko phải là anh tin hay tôi tin. Hiện nay vấn đề về phóng xạ vẫn còn chưa kiểm soát được mà. Cái tin của tác giả có cảm tính quá không? Tôi thì mong nước Nhật xử lý được, mọi vấn đề đều có tính 2 mặt. bức biếm họa này cũng vậy. Tuy chế nhạo đấy, nhưng nếu người xem hiểu là cần phải phấn đấu hơn để người khác tin tưởng mình thì đó là phải ứng tích cực, còn xù lông lên để đốp chát nhau thì tốt nhất đừng nên xem biếm họa. "kẻ chỉ ra cái sai của ta là thầy ta"

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự