26/05/2020 08:09 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo thống kê của trang worldometers.info, đến 7h30 sáng 26/5, tổng số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới là 5.584.211, trong đó có 347.613 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, với 1.706.226 ca, và nhiều ca tử vong nhất với 99.805 ca.
Diễn biến mới nhất là Brazil lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trong 1 ngày cao hơn Mỹ và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng thứ hai sau Mỹ.
Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận thêm 806 ca tử vong, trong khi con số này ở Mỹ là 505 người. Tổng số ca nhiễm ở quốc gia Nam Mỹ này hiện là 376.669 người. Số ca nhiễm mới tại Mỹ là 19.790 người và tại Brazil là 13.051 người. Cùng ngày, Nhà Trắng đã ra thông báo về việc điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng các quy định hạn chế mới đối với hoạt động đi lại từ Brazil đến Mỹ. Các quy định mới sẽ có hiệu lực kể từ 23h59 ngày 26/5 (theo giờ Bờ Đông của Mỹ), thay vì ngày 28/5 như tuyên bố ban đầu.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng ở mức 3 con số. Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngoài hai nước có số ca nhiễm cao nhất châu lục này là CH Nam Phi và Ai Cập, nhiều quốc gia châu Phi còn lại tiếp tục ghi nhận tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới ở mức 3 con số trong 24 giờ qua, đặc biệt là Algeria, Ghana, Djibouti, CHDC Congo. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi khác cũng ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức 2 con số như Maroc, Senegal, Somalia và Côte d’Ivoire.
Theo Ủy ban Giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19, tính đến chiều 25/5 (giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận thêm 197 ca nhiễm và 9 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 8.503 người, trong đó có 609 trường hợp tử vong. Cùng ngày, Sudan xác nhận thêm 192 ca nhiễm mới và 19 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.820 người, trong đó có 165 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Djibouti là 198 ca và 4 ca tử vong. Ghana cũng thông báo 125 trường hợp nhiễm mới trong ngày, song không ghi nhận thêm trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này lên 6.808 người, trong đó có 32 ca tử vong. Tiếp đó, CHDC Congo xác nhận 156 ca nhiễm mới và 4 trường hợp tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, cùng ngày 25/5, Bộ Y tế Nam Phi ra thông báo yêu cầu chính quyền các tỉnh thành trên toàn quốc khẩn trương tiến hành tìm kiếm vị trí và diện tích đất phù hợp cho việc chôn cất tập thể những ca tử vong do COVID-19.
Phát biểu tại một sự kiện, Bộ trưởng Zweli Mkhize nhấn mạnh trong trường hợp số ca tử vong tăng đột biến và vượt quá năng lực mai táng thông thường của địa phương, chính phủ sẽ hỗ trợ cho công tác chôn cất tập thể. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần đảm bảo việc chôn cất tập thể được tiến hành theo nghi thức trang trọng, cũng như thực hiện việc ghi danh đầy đủ tên người quá cố trên những nấm mồ chung.
Theo quy định ban hành cùng ngày của Bộ Y tế Nam Phi hướng dẫn về việc chôn cất các bệnh nhân COVID-19, ngoài yêu việc cầu tử thi các nạn nhân COVID-19 cần được hỏa táng hoặc chôn cất trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm tử vong, bộ trên đề nghị thời gian tiến hành tang lễ không quá 2 giờ và chỉ những người thân trong gia đình được tham dự. Trước đó, các nhà khoa học Nam Phi dự đoán số ca tử vong tại nước này có thể lên tới 50.000 ca, trong khi số ca nhiễm có thể lên tới 3 triệu ca vào cuối năm nay, khi Nam bán cầu đón mùa Đông tới (từ tháng 6 đến tháng 8), tạo điều kiện thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 lây lan.
Diễn biến dịch tại châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, song theo con số thống kê đến nay châu lục này chỉ chiếm 1,5% tổng số ca nhiễm và dưới 0,1% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Ngày 25/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá cao những thành công và tiến bộ đạt được trên toàn châu Phi và rằng đó là lý do để châu lục này ít bị ảnh hưởng nhất do đại dịch.
Mặc dù vậy, ông cảnh báo rằng những số liệu này không đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về tình hình trên toàn châu lục, vì nhiều trường hợp chưa được phát hiện. Tổng Giám đốc WHO cũng thừa nhận kiến thức và kinh nghiệm của châu Phi trong kiểm soát bệnh truyền nhiễm là điều thiết yếu và tuyên bố rằng tất cả các nước châu Phi hiện đã sớm đưa ra một kế hoạch sự chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, ít nhất là 10 tuần khi ca đầu tiên xuất hiện trên châu lục này.
Trong một diễn biến khác, WHO tiếp tục cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát đại dịch. Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cảnh báo các quốc gia - những nơi đại dịch đang thuyên giảm - có thể vẫn phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp phòng chống dịch.
Theo ông Ryan, hiện thế giới vẫn đang ở trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên. Dù số ca nhiễm đang giảm xống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Ông nhấn mạnh tỷ lệ lây nhiễm sẽ có cơ hội gia tăng trở lại nhanh chóng hơn nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên bị dỡ bỏ quá sớm.
Bích Liên - Tấn Đạt - Phi Hùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất