15/01/2025 06:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
Trong câu chuyện cùng Thể thao & Văn hóa, BLV Vũ Quang Huy cho rằng thành công từ ASEAN Cup 2024 đã khôi phục niềm tin, lấy lại vị thế hàng đầu khu vực cho bóng đá Việt Nam. Đó là một cú đạp nhảy thật tốt để bóng đá nước nhà bật đà tăng tốc trở lại. Tuy vậy, để hướng đến những giá trị bền vững thì còn rất nhiều việc phải làm.
BLV Vũ Quang Huy chia sẻ: "Sau giải đấu khu vực, các giải đấu quốc nội sẽ trở lại. Đây là cơ hội để HLV Kim Sang Sik tiếp tục tìm ra những nhân tố mới. Đội tuyển Việt Nam hầu như đã "dốc hết vốn" ở ASEAN Cup 2024. Các trụ cột rồi cũng sẽ xuống phong độ và già đi, các cầu thủ trẻ chưa có nhiều gương mặt đủ tin tưởng thay thế. Đó sẽ còn là câu chuyện dài không chỉ là nhiệm vụ của riêng HLV Kim Sang Sik. Để bóng đá Việt Nam tiếp đà thăng hoa, những nhà chuyên môn cần nỗ lực nhiều hơn sau chức vô địch ASEAN Cup 2024.
HLV Kim Sang Sik gọi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam là "lịch sử" vì các cầu thủ đã vượt qua những trận đấu rất khó khăn nhờ sự động viên từ người hâm mộ Việt Nam. Dù giành chức vô địch ASEAN Cup nhưng nhà cầm quân người Hàn Quốc khẳng định, đây mới chỉ là sự bắt đầu với đội tuyển Việt Nam. Mọi thứ còn ở phía trước với chặng đường phát triển mới".
Nỗ lực vượt giới hạn
* Bóng đá nước nhà tiếp tục guồng quay tất bật trong những ngày cuối năm Giáp Thìn, hẳn âm hưởng từ đội tuyển Việt Nam sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến các giải đấu trong nước?
- Với những gì đã diễn ra, HLV Kim Sang Sik đã chứng minh, bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng, đặc biệt là ở V-League. Vấn đề còn lại là công việc "đãi cát, tìm vàng". Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã thật sự tận tụy, công tâm cho công việc tìm kiếm và sử dụng cầu thủ.
Có một giai đoạn những cầu thủ chơi tốt ở V-League lại gần như không có "cửa" lên đội tuyển do các HLV quen "đóng khung" đội hình. Điều này ít nhiều cũng gây cảm giác buồn chán cho những người cố gắng thể hiện trong màu áo CLB. Rất may, ông Kim Sang Sik đã tạo ra một luồng gió mới, tạo niềm cảm hứng cho cầu thủ thể hiện được năng lực của mình ở V-League, giải hạng Nhất từ việc chọn người và dùng người của mình.
* Thành công của Nguyễn Xuân Son ngay khi ra mắt là cơ sở để chúng ta tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ còn mạnh hơn. Tuy vậy, chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng chỉ mới giải quyết phần "ngọn" của vấn đề phát triển, thưa anh?
- Chức vô địch tại ASEAN Cup 2024 đã cho thấy sự hiệu quả của chính sách nhập tịch cầu thủ của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cách làm này cần thận trọng và đặt trọng tâm vì lợi ích của bóng đá Việt Nam, chứ không chạy theo thành tích nhất thời.
Màn trình diễn ấn tượng của Nguyễn Xuân Son tại ASEAN Cup 2024 cho thấy giá trị của cầu thủ nhập tịch. Từ những tranh cãi, phần lớn người hâm mộ bóng đá Việt Nam dành tình cảm đặc biệt cho tiền đạo người gốc Brazil, khi anh hội đủ những điều kiện: đóng góp vào lối chơi và thành tích của đội tuyển Việt Nam; yêu mến và muốn cống hiến cho nền bóng đá Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là sau Nguyễn Xuân Son, bóng đá Việt Nam cần thêm những cầu thủ nhập tịch nào nữa và cần những tiêu chí gì?
Nói cách khác, việc tiến hành nhập tịch cho những ngoại binh rồi tạo cơ hội cho họ khoác áo đội tuyển Việt Nam chỉ giải quyết phần "ngọn" chứ không giải quyết triệt để phần "gốc" của bóng đá nước nhà.
Bóng đá Việt Nam phải chăm bẵm, vun xới được phần "gốc" để phát triển. Nền tảng vững chắc phải được dựng xây từ đào tạo trẻ, bóng đá học đường, bóng đá phong trào cùng với cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học, dinh dưỡng, y tế trong ăn uống, tập luyện, thi đấu. Khi cái "gốc" vững mới nói đến chuyện "mở đường" cho những khát vọng lớn hơn.
* Đến đây, câu hỏi đặt ra làm sao để bóng đá Việt Nam vươn lên mạnh mẽ bằng sự ổn định của đẳng cấp là rất khó và cần thêm thời gian?
- Đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024, qua đó lấy lại niềm tin của người hâm mộ với nền bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, để duy trì được thành tích và giữ vững vị trí hàng đầu khu vực và vươn tầm, cần có một nền tảng phát triển bền vững với tầm nhìn xa hơn, cả trong đầu tư và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ phát triển.
Một nền bóng đá vững mạnh, phát triển căn cơ, bền vững phải được nhìn trên 2 yếu tố nền tảng là có một giải vô địch quốc gia thật sự chuyên nghiệp và làm tốt công tác đào tạo trẻ.
Điều này, đòi hỏi phải duy trì nhịp độ ổn định bao gồm công tác đào tạo trẻ; hệ thống giải chuyên nghiệp; chiến lược phát triển vĩ mô của VFF. Nền tảng của các ĐTQG luôn nằm ở hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Vì thế, chúng ta phải từng bước cải tổ mạnh mẽ V-League, qua đó nâng tầm cả nền bóng đá nước nhà.
Đột phá đào tạo trẻ
* Việc đội tuyển U17 Việt Nam giành vé dự VCK U17 châu Á 2025 đồng thời hướng đến tấm vé dự U17 World Cup cũng đánh dấu thành công cho bóng đá trẻ nước nhà. Anh cảm nhận thế nào về đường hướng đào tạo trẻ của chúng ta hiện nay?
- Đội tuyển U17 Việt Nam đã giành vé dự VCK U17 châu Á 2025. Tấm vé ấy bảo đảm cho lứa U17 dự giải châu Á, đồng thời mở ra cơ hội đi U17 World Cup. Điều đó cũng đồng nghĩa lứa cầu thủ này sẽ được chơi, được trải nghiệm ở các sân chơi hàng đầu. Từ đó, họ sẽ có cơ hội tiến bộ, duy trì được mạch kết nối mà mới đây đã bị chững lại sau khi nhiều lứa trẻ không thành công ở Đông Nam Á.
Điểm chung của các nền bóng đá hàng đầu châu Á nằm ở hệ thống đào tạo trẻ rất mạnh, liên tục bổ sung các lứa cầu thủ tài năng cho đội tuyển quốc gia. Không còn cách nào khác, bóng đá Việt Nam cần phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, khâu tổ chức các giải đấu để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển.
Với bóng đá trẻ, đừng nhìn vào thành tích, hãy nhìn vào hiệu quả của cả một quá trình. Từ đó, sẽ thấy trong nhiều năm gần đây, các lứa trẻ U17, U19, U20 của Việt Nam đều tham dự VCK châu Á. Rõ ràng, bóng đá trẻ chúng ta được góp mặt tại các giải đấu chất lượng ở cấp độ trẻ của châu lục. Ngoài ra, cầu thủ trẻ Việt Nam còn được tham dự ASIAD, ASIAN Cup, ASEAN Cup, SEA Games. Tất cả những thế hệ cầu thủ nối đuôi nhau đều trải qua một quá trình từ các đội tuyển trẻ U17, U19, U20.
Các cầu thủ khi trải qua nhiều giải đấu chất lượng như thế, họ sẽ có được trải nghiệm rất tốt. Do đó, nhiệm vụ cũng như áp lực lớn nhất là đào tạo được bao nhiêu cầu thủ giỏi cho các đội tuyển quốc gia, phục vụ những mục tiêu trọng điểm chứ không phải đạt bao nhiêu thành tích trước mắt. Muốn vậy, chúng ta phải kiên nhẫn với cầu thủ trẻ. Phải làm tốt khâu đào tạo trẻ một cách hệ thống, bền bỉ, từ các địa phương, học viện, lò đào tạo. Khi cái nền tốt thì chắc chắn các cấp độ đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh lên.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Bóng đá Việt Nam cần tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển. Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội trong khu vực để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo.
Chúng ta phải hướng đến việc cải thiện chất lượng V-League, tăng sự thu hút với người hâm mộ. Phải tạo ra sự dịch chuyển quan trọng về nhận thức ở việc tăng cường đào tạo để có nguồn cung nội lực, tạo ra bản sắc địa phương. Đấy là những giá trị tạo nên sức sống mới cho V- League và cũng là con đường phát triển bền vững mà bóng đá chuyên nghiệp phải hướng đến.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất