BLV Lý chánh: Bỉ - Kẻ cướp vai diễn vĩ đại

05/07/2014 16:05 GMT+7 | Bảng H

(lienminhbng.org) - Tôi xin nói ngay: Với hai trận Đức gặp Pháp và Bỉ đối đầu Argentina ở vòng tứ kết này, tôi chẳng cần phải hỏi “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Hai cặp đấu đó đã là cả một vùng tuổi thơ của đám cổ động viên bóng đá ở tuổi trung niên như tôi rồi.

Sự trùng hợp thú vị

Thật trùng hợp làm sao, cả hai cặp đấu trên đều gặp nhau ở Espana 1982 và Mexico 1986, giờ là Brazil 2014. Tuổi thơ xem bóng đá của thế hệ chúng tôi gắn liền với các trận kinh điển Pháp – Đức 3-3 ở bán kết và Bỉ thắng Argentina 1-0 ở ngày khai mạc Espana 82 với pha làm bàn “như từ dưới đất chui lên” của Erwin Vandenberg. Rồi bốn năm sau, trận Bỉ - Argentina được “dời” lên, đá bán kết song song với Đức – Pháp. Đức tiếp tục thắng, còn Argentina trả được món nợ xưa bằng hai cú solo của Diego Maradona: một quả đá phạt trực tiếp, và một pha ghi bàn giữa muôn trùng vây của hàng phòng ngự Bỉ.

Espana 82, Bỉ thủ vai kẻ vô danh gặp ĐKVĐ thế giới Argentina. Mexico 86, Bỉ khoác lên mình chiếc áo kẻ gây bất ngờ gặp Argentina của Maradona đi chinh phục thế giới. Brazil 2014, Bỉ và Argentina cùng sắm vai kẻ đi chinh phục. Vậy ai sẽ là nạn nhân?

World Cup có cái hay ở chỗ nó làm ta trẻ lại với những trận đấu tưởng như chỉ mới là hôm qua. Nhưng xem kỹ lại mới giật mình, thời gian chẳng buông tha hay chừa ai cả. Từ Espana 82 đến Brazil 2014 đã là 32 năm, đã là kỳ World Cup thứ 9. Từ cậu thiếu niên 12 tuổi, nay tôi đã thành người đàn ông trung niên 44 tuổi. Argentina đã đi từ Diego Maradona đến Lionel Messi. Và Bỉ đã đi từ Jan Ceulemans đến Eden Hazard.

Kẻ cướp vai vĩ đại

Mọi thứ đã đổi thay rất nhiều trong 32 năm, và Bỉ không còn là đội chiếu dưới trong lần đụng độ Argentina này nữa.

Nếu ở vòng loại, Argentina giành vé sớm ở khu vực Nam Mỹ thì Bỉ cũng bỏ xa Croatia đến … 9 điểm để có mặt ở Brazil. Tại Brazil, Bỉ toàn thắng 3 trận vòng bảng – cũng như Argentina, Hà Lan và Colombia (lần đầu tiên trong lịch sử cả 8 đội đầu bảng đều vào tứ kết).

Trong trận tứ kết này, ai cũng đặt câu hỏi “Bỉ làm thế nào để ngăn chặn Messi”. Tôi đồng ý. Đó là cầu thủ hay nhất thế giới, và ngay từ đầu giải tôi đã từng viết Messi chỉ cần là Messi, không cần xuất chúng như Maradona thì Argentina cũng có thể vô địch, hay chí ít cũng vào chung kết. Và nó đã đúng cho đến thời điểm này. Messi chơi tầm thường, và chỉ thật sự lóe sáng ở đúng hai thời điểm Argentina cần anh nhất: ghi bàn phút cuối trong trận thắng 1-0 đầy bế tắc trước Iran, và pha đi bóng rồi dọn cỗ cho Di Maria hạ gục Thụy Sĩ. Bàn thắng đó làm gợi nhớ đến pha làm bàn của Argentina trong trận thắng Brazil 1-0 ở Italia 90, Maradona là người chuyền bóng, còn người kết thúc là thần gió Claudio Caniggia. Hoặc khi Argentina ghi bàn quyết định 3-2 ở trận chung kết gặp Đức ở Mexico 86 mà ba tôi đã mô tả đại loại như: Maradona chuyền bóng như chuyền thanh kiếm cho Jorge Burruchaga, và tiền đạo này đã tung ra nhát kiếm kết liễu số phận đội Đức. Đề cập lại chuyện cũ để thấy, Messi – cũng như Maradona – có thể chuyển sang vai trò kiến tạo khi bế tắc trong nỗ lực ghi bàn.

Tuy nhiên, tôi lại có câu hỏi, và cũng là dự đoán của riêng mình: Liệu Eden Hazard có trở thành kẻ cướp vai diễn vĩ đại của Lionel Messi trong màn tái hiện pha solo tuyệt đẹp của Maradona ở Mexico 86?

Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm