BLV Lý Chánh: Trần trụi

10/07/2014 19:27 GMT+7 | Bán kết

(lienminhbng.org) - Sẽ có rất nhiều cách để diễn tả thất bại lịch sử của Brazil ở trận bán kết với Đức, nhưng có lẽ, “trần trụi” là từ gần nhất diễn tả được cảm xúc của tôi về hình ảnh của đội tuyển Brazil với hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới.

1. Một người bạn của tôi đã nhắn tin sau bàn thứ 5 của tuyển Đức rằng Brazil đã bị rơi vào chiếc cối xay khủng khiếp của Đức: “Chưa kịp tỉnh dậy sau một bàn thua đã bị chiếc cối xay cuốn thêm một vòng nữa. Cứ thế, Brazil bị cuốn 4 vòng nữa chỉ trong vòng 6 phút!”. Tôi thấy hình tượng đó cũng hay nhưng chưa thật đúng vì sẽ là rất đau nếu bạn bỏ mạng trong một chiếc cối xay như thế. Đằng này…

Một người bạn khác lại nhắn: “Brazil thua nhanh như chớp mắt, mới quay đi quay lại đã 3 trái rồi!”. Tôi tra cứu, trong 6 phút đó – từ bàn thắng thứ 2 đến bàn thứ 5 – trung bình người ta chớp mắt bao nhiêu lần? Khoảng 72 lần là câu trả lời. Còn nếu bạn đang trong tình trạng chăm chú, ngạc nhiên tột đỉnh thì số lần chớp mắt còn ít hơn nữa. Tôi nghĩ, trong khoảng thời gian đó, tôi cứ chớp mắt 10 lần thì Đức lại ghi một bàn thắng. Cũng may, không có bàn nào được ghi đúng vào lúc tôi chớp mắt.

Vì ”tai nạn” ập đến quá nhanh như vậy mà tôi nghĩ, lúc đó các cầu thủ Brazil chưa kịp nhận ra sự đau đớn nên vẫn cứ “ngơ ngơ, ngác ngác” chịu trận. Nhưng nỗi đau đó rồi sẽ đến khi họ nhận ra rằng trận thua 1-7 của Brazil đã được xếp chung hạng với những trận thua đậm nhất trong lịch sử World Cup bên cạnh những trận Zaire – Nam Tư 0-9, Hungary – El Salvadore 10-1, Saudi Arabia – Đức 0-8…

2. Trong thể thao, thắng thua là chuyện thường tình, nhưng thua như Brazil là điều không thể tin được chứ không phải chỉ là khó tin! Mỗi lần Đức ghi bàn, người xem trung lập cứ hy vọng, nhưng lại phải liên tục thay đổi ước muốn của mình để theo kịp tỷ số: Brazil sẽ san bằng tỷ số, rồi Brazil sẽ gỡ lại một trái, rồi Brazil sẽ thu ngắn cách biệt, rồi Brazil phải có trái danh dự… Cho đến một lúc, dù á khẩu nhưng người ta lại muốn hét lớn lên “Dừng lại đi, đủ rồi!”. Dẫu biết, trong bóng đá không có sự nhượng bộ, nhưng ngay vào thời điểm Brazil của Scolari như bị lột trần trước thiên hạ đó, tôi đã nghĩ đến ba chữ “tính nhân đạo”. Có thể ai đó sẽ cười nhạo tôi, nhưng thật tình tôi đã nghĩ thế.

3. Tôi tự hỏi, trong 18 phút kinh hoàng đó – từ phút 11 đến 29, phải chăng có điều gì đó bất thường đã xảy ra trong vũ trụ làm ảnh hưởng trực tiếp đến những người Brazil? Trong 18 phút đó, tôi có cảm tưởng các cầu thủ Brazil không thể suy nghĩ, không thể chạy, và thậm chí không thể nhìn thấy gì cả. Họ chỉ trân mình chịu trận, kể cả toàn bộ thành phần ban huấn luyện. Chẳng có một thay đổi nào, chẳng có một đối sách nào được đưa ra nhằm làm thay đổi lối chơi, hoặc ít nhất là làm chậm lại đà hưng phấn của tuyển Đức. Và chỉ cần có vậy, người Đức đã lột sạch và quăng vào sọt rác gần như tất cả mọi thứ hào hùng nhất của bóng đá Brazil ở World Cup. Cũng may, bóng đá không có luật thách đấu như boxing, nếu không thì có lẽ Đức đã lấy luôn 5 danh hiệu vô địch thế giới của Brazil rồi!

Năm 1950, Brazil thua Uruguay trong trận chung kết, cũng trên sân nhà, và họ đã phải đổi luôn màu áo truyền thống từ trắng sang vàng. Thua trận này, Brazil không cần phải đổi trang phục lần nữa, mà chỉ cần thay đổi cách xây dựng lối đá để đưa đội tuyển trở lại chốn vinh quang vốn thuộc về họ.

Lý Chánh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm