30/07/2016 06:50 GMT+7
(lienminhbng.org) - "Tan tác", "gãy đổ hàng loạt", "bị hạ gục" "la liệt"... là những cụm từ đang đồng thời xuất hiện, khi dư luận nhắc tới câu chuyện về những cây xanh tại Hà Nội sau cơn bão Mirinae vừa qua. Và, như một tất yếu, hình ảnh những thân cây còn nguyên cành lá, nằm ngổn ngang trên lòng đường... cũng đang được lan truyền trên không gian mạng với tốc độ nhanh nhất.
1. Chưa ai “đếm” một cách chính xác tuyệt đối số cây mà Thủ đô đang sở hữu, đặc biệt là từ khi thành phố mở rộng lên gấp 3 lần. Những thống kê “ước chừng” cũng chỉ tạm cho rằng kể cả phần diện tích rừng, Hà Nội có khoảng nửa triệu cây xanh. Nhưng, nếu chia theo mật độ dân cư, tỷ lệ gần 2m2 cây xanh/người mà chúng ta đưa ra gần đây nhất vẫn là vô cùng khiêm tốn.
Bởi vậy, cứ mỗi dịp cây cối Thủ đô “ vơi bớt” vì một lý do gì, sự lo lắng, tiếc nuối và cả hoài nghi của dư luận lại khiến chúng ta hiểu rõ: những câu chuyện gắn với cây xanh bỗng trở thành tiêu chí để người dân đánh giá về trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của những người đang lãnh đạo Hà Nội.
Ít nhất, chúng ta từng thấy điều ấy qua sự hân hoan của dư luận trước khẳng định gần đây của Chủ tịch Thành phố về việc trồng thêm 1 triệu cây xanh tại Hà Nội trong 5 năm tới. Và qua cả sự nghi ngờ mà một nhà báo lớn tuổi vừa cùng cộng đồng đặt ra sau cơn bão Mirinae vừa qua - khi ông cho rằng so với những cây được người dân tự trồng, những cây được thành phố đầu tư trồng mới trong thời gian qua lại… dễ đổ hơn nhiều.
2. Rất khó để nói về sự đúng/ sai của nhận xét ấy khi chưa có những số liệu thống kê và phân tích cụ thể để kiểm chứng. Nhưng, cũng cần khẳng định: ở phần “chuyên môn” về quy hoạch vị trí trồng, mật độ hay chọn từng loại cây xanh, chúng ta cũng đã tranh cãi quá nhiều trong thời gian qua.
Trong một lần chia sẻ về vấn đề ấy, các chuyên gia của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã lưu ý người viết về một đặc điểm quan trọng: Hà Nội của thế kỷ XXI đã khác rất nhiều so với Hà Nội được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Những biến đổi ấy, trên mọi lĩnh vực như khí hậu, thổ nhưỡng, mật độ xây dựng… đang đặt ra bài toán không dễ giải, khi Hà Nội muốn gắn cụm từ “thành phố xanh” với cái tên của mình.
Chẳng hạn, với hàng loạt cao ốc, gió thổi vào thành phố sẽ được phân nhánh thành các luồng rất mạnh và tạo nên nguy cơ gãy đổ cho những loại cây rễ yếu. Chẳng hạn, ở những con đường được sửa đi sửa lại, việc lu lèn chặt nền đường và vỉa hè sẽ tạo nên tác động tiêu cực với các hệ rễ cây. Chẳng hạn, trước đây, cây sao đen trồng ở Hà Nội cây nào là cây ấy “tốt bời bời”, nhưng bây giờ, không hiểu sao thành công tương tự lại rất khó đến với sao đen và cả sấu, bằng lăng, dổi.
Có nghĩa, chúng ta vẫn chưa có được những hệ thống nghiên cứu công phu và thấu đáo về tiêu chí trồng cây tại Hà Nội, cũng như những yêu cầu liên ngành về quy hoạch, xây dựng, giao thông… để bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt này. Hoặc đã có ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn chưa được công bố rộng rãi, để tạo được sự yên tâm và đồng thuận từ người dân thành phố.
Bởi, từ rất lâu rồi, Hà Nội chuyển mình trong tốc độ đô thị hóa, người ta đã sớm nhận ra: giữa hàng loạt khối nhà bê tông đang mọc lên trong thành phố, cây xanh mới là tài sản vô giá của cộng đồng và của tương lai.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất