21/01/2017 13:46 GMT+7
(lienminhbng.org) - Ngày Tết đến gần. Đường xá ngày càng đông đúc, kín đặc. Cũng vì thế mà rác rưởi nhiều hơn, và tiếng nhạc xe rác vang rền khắp phố: "Điều đó tùy thuộc hành động của bạn. Chỉ thuộc vào bạn mà thôi".
Trong âm hưởng của giai điệu này, tôi muốn bắt đầu cuộc tranh luận bỏ hay không bỏ Tết âm lịch
Có người muốn bỏ Tết âm lịch. Có người muốn gộp Tết Âm lịch vào Tết dương lịch. Lại có người muốn gộp Tết Âm lịch vào ngày giỗ Tổ Hùng Vương và phân tích đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".
Tôi không quá yêu Tết âm lịch, nhưng theo tôi, Tết âm lịch tồn tại không tùy thuộc vào ý muốn và hành động của bạn.
Trước hết, ta cần phải hiểu rằng, Tết âm lịch tồn tại khách quan theo luật vận động của trời đất, nó hoàn toàn không giống với từ "âm lịch" theo nghĩa bóng thời @, nghĩa là mù mờ, lạc hậu. Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn. Nó được tính toán dựa trên sự chuyển động của mặt trời, trái đất và mặt trăng.
Thực tế, hiện nay, trong tiếng Việt, khi nói tới âm lịch thì người ta nghĩ tới loại lịch được lập dựa trên các cơ sở và nguyên tắc của lịch Trung Quốc, nhưng có sự chỉnh sửa lại theo UTC+7 thay vì UTC+8. Nó là một loại âm dương lịch theo sát nghĩa chứ không phải âm lịch thuần túy.
Và ngay Âm lịch của Việt Nam cũng ghi dấu ấn bản sắc Việt, bởi cách tính âm lịch đó khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam đôi khi không hoàn toàn trùng với Xuân tiết của người Trung Quốc và các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa và vòng Văn hóa chữ Hán khác.
Như vậy, Tết Âm lịch thực sự là thời gian kết thúc một chu trình của vũ trụ và mở ra một chu trình mới. Giao thừa là khoảnh khắc tự nhiên của trời đất, để chuyển từ mùa Đông sang mùa Xuân. Và do đó nó tồn tại vĩnh hằng, không phụ thuộc vào mong ước của con người.
Và vì con người là một bộ phận của tự nhiên, cho nên tâm sinh lý con người cùng các hoạt động thực tiễn của nó cũng bị tác động nhất định bởi quy luật của vũ trụ, trong đó có thời khắc giao mùa: năm hết, tết đến.
Mùa Xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương lúa
Cư dân nông nghiệp ở khắp nơi trên thế giới đều phải tôn trọng quy luật của tự nhiên, khi cày cấy, gieo trồng, khi bón phân, làm cỏ, khi thu hoạch, nghỉ ngơi... Và các hoạt động sống của họ cũng dựa trên quy luật đó.
Trong xã hội hiện đại, con người ít bị chi phối bởi tự nhiên, nhất là trong lao động, nhưng không vì thế mà tinh thần của họ có thể thoát ly khỏi chu trình của vũ trụ.
Cái Tết – thời khắc chuyển từ năm cũ, sang năm mới – luôn tồn tại. Nó khác với mọi ngày lễ lạt, kỷ niệm – là do loài người đặt ra để kỷ niệm chính bản thân họ. Tết Nguyên đán là do vũ trụ (gồm cả mặt trăng, mặt trời và trái đất) đặt ra.
Chúng ta có thể bỏ Tết. Chúng ta có thể không còn ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi và chào đón năm mới, nhưng không vì thế mà cái Tết không đến. Trái lại, năm mới vẫn cứ gõ cửa, hoa đào vẫn cứ nở, mưa phùn vẫn cứ lây phây và những đợt rét vẫn lăm le dội về. Hơn thế, tự trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta luôn có khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng.
Từ chối Tết Âm lịch do đó là một cách hành xử phi tự nhiên, chưa nói đi ngược lại với truyền thống văn hóa.
Chúng ta chỉ có thể làm cho cái Tết Âm lịch đẹp hơn, hạn chế bớt những tiêu cực của nó bằng cách đón Tết thực sự văn minh.
Bỏ Tết, Tết vẫn đến. Vậy thì đừng bỏ!
Thiếu Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất