30/12/2017 09:27 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT
(lienminhbng.org) - Cả xã miền núi ấy, bố là người đàn ông duy nhất làm nghề thợ may, cái nghề liên quan tới kim chỉ, tỉ mẩn và khéo léo.
Bố tôi là con út, cũng là con trai duy nhất trong gia đình có 7 chị em. Nghe kể lúc nhỏ bố cũng được chiều. Bố học thuộc hàng khá nhưng học hết lớp 10 thì nghỉ và không lâu sau thì lấy mẹ theo mối mai vì là con trai duy nhất, phải lấy vợ sớm còn sinh con nối dõi.
Tôi nhớ, trước khi trở thành thợ may bố cũng từng theo các bưởng vàng này đây mai đó, đãi bạc các bãi vàng vùng Tây Bắc... nhưng công việc ấy xa vợ xa con lại nhiều nguy hiểm nên bố dắt lưng vốn trở về nhà tìm sinh nhai khác.
Rồi bố đi học may. Những chiếc áo đầu tiên bố may dành con con cái, nhà tôi ba chị em, tôi là con gái út, điệu đà nhất nên được bố may cho đủ kiểu váy áo. Rồi bố sắm một gánh vải ngày ngày lọc cọc trên chiếc xe đạp Mifa chạy chợ may đồ.
Cứ thế, hơn 20 năm qua bố chạy chợ, từ Mifa đến Simson rồi chuyển sang chiếc Dream. Chiếc máy may từ thời Con bướm Liên Xô tới máy may công nghiệp vẫn lạch cạch hàng ngày... Với tôi, âm thanh phát ra từ chiếc máy khâu của bố chính là âm thanh của tuổi thơ, của những đêm thức trắng học bài. Bố biết tôi còn học và thức cùng tôi bên bàn máy, cứ lạch cạch, lạch cạch như thế!
Không biết có phải vì bố làm may mà trong gia đình tôi, dù ở giữa xóm núi nghèo nàn và vẫn nguyên lạc hậu, dù bố là con trai độc đinh của một gia đình có cụ và ông đều là những nhà nho... thì vẫn chẳng hề có bất cứ một khuôn thước nào cho đàn ông đàn bà. Vì bố chuyên tâm lo chạy chợ nên mọi việc đồng áng một tay mẹ tôi làm tất, cả những việc mà những nhà khác theo quan sát của tôi đàn ông sẽ là người làm như cày bừa gánh nặng, mẹ cũng làm luôn. Đổi lại, bố là người chợ búa, cơm nước cho cả gia đình. Đương nhiên, bố kiêm luôn cả chuyện mặc cho 3 chị em tôi và mẹ.
Bố khéo tay, may đồ đẹp, nấu ăn ngon, lại rất sạch sẽ, có bố ở nhà, lúc nào cũng tinh tươm. Có lẽ vì bố khéo mà phụ nữ trong nhà, là mẹ, là tôi và chị gái tôi chẳng ai giỏi may vá thêu thùa... từ cái áo sứt chỉ, chiếc khuy bị đứt đến mấy bài tập thủ công thùa khuyết thêu hoa, có bố làm cho tất.
Nhiều lúc tôi cảm giác như bố mẹ đang đổi vai cho nhau vậy, mà hàng xóm nhiều người cũng nói ra nói vào, rằng nhà ấy kỳ cục, ai lại chồng chạy chợ may vá, vợ thì tối ngày cày bừa. Sau này tôi mới hiểu, mẹ vốn là người vô tư không thích tính toán tỉ mẩn, chỉ thích vui vẻ với đồng áng, vật nuôi, nên dù nhiều lần bố đề nghị mẹ đi chợ để bố đỡ việc đồng, mẹ nhất quyết không chịu, và bố thì tôn trọng mẹ.
Và cứ vậy, bố lo chạy chợ may vá, mẹ lo đồng áng, hơn 30 năm bố mẹ sống cùng nhau nuôi lớn 3 đứa con học xong đại học và lập gia đình. Khi còn nhỏ, tôi có cô bạn cùng tuổi, bố là lính đặc công, bạn được bố dạy cho vài thế võ, rất hay thể hiện vài đường trước mặt đám trẻ con tụi tôi rồi dương dương tự đắc: Bố tao là đặc công! Những lúc ấy, tôi cũng từng ước, ước gì bố là bộ đội, là đặc công hay là một ông nào đấy thật oách để tôi có cái khoe cùng đám bạn.
Nhưng cũng có những lúc tôi có cái để mà khoe bố, ấy là khi tôi có áo mới, váy đẹp, lũ bạn lại phải trầm trồ ghen tị vì tôi có bố là thợ may nên tha hồ ăn diện. Nói thì nói vậy, chứ con thợ may như chúng tôi thì chính xác là vận đồ chắp vải, may sau cả làng.
Bố là người siêu tiết kiệm nên cứ vải gạn vải thừa của khách may đồ cho con là chuyện thường. Lâu lâu, để thử nghiệm một kiểu dáng mới, bố lại lôi tụi tôi ra làm mẫu, có những món đồ mặc lên rất thích vì đẹp, vì mốt... nhưng cũng không ít lần bố làm tôi khóc thét vì đồ ... chất quá, chẳng ăn nhập gì với một đứa trẻ quê. Còn giờ đây, tôi thực sự tự hào vì được là con của bố tôi - con của một ông thợ may.
Nếu hỏi thế nào là người đàn ông chất? Thì Bố tôi chính là người đàn ông chất ấy. Đó không hẳn là sự ưu ái của một cô con gái dành cho bố, đó là sự nể phục dành cho một người đàn ông gạt bỏ mọi định kiến đển sống trọn vẹn cho yêu thương. Bố vẫn kiếm tiền lo cho gia đình, vẫn làm tròn trách nhiệm của một người con trai, gánh vác mọi việc đại sự của dòng họ đâu ra đó. Bố không hút thuốc lá, chưa từng say rượu.
Bố là người kiệm lời nhưng đã nói là làm. Và chính 3 chị em chúng tôi, hai gái một trai, từ nhỏ chúng tôi luôn được đối xử công bằng, chưa bao giờ chúng tôi bị phân biệt con trai con gái, cũng chưa từng bị áp lực phải trở thành thế này thế nọ.
Và chúng tôi, cứ nhìn cách bố mẹ sống mà trưởng thành.
Hạn cuối cùng nhận bài dự thi “Đàn ông Chất” sẽ là ngày 20/1/2018. BTC sẽ công bố bài đoạt giải trên fanpage của báo Thể thao & Văn vóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") vào ngày 24/1/2018 và sẽ trao thưởng cho tác giả đoạt giải vào ngày 26/1/2018. Bài dự thi “Đàn ông Chất” gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: [email protected] kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Tác giải các bài viết cũng có thể đăng bài của mình trên Facebook cá nhân, với hashtag #danongchat và #ngaydanong1911 và kêu gọi bạn bè, người thân cùng share và comment. Các hạng mục giải thưởng như sau: - 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng. - 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng. - 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng. - 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng. |
Loan Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất