17/10/2018 15:48 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho rằng công văn của chi cục yêu cầu buộc tái xuất các lô hàng lúa mì có lẫn cỏ dại là sai thẩm quyền, chưa kể tác động rất lớn tới doanh nghiệp, cần phải thu hồi ngay và "không thể chấp nhận chi cục trưởng ký văn bản như vậy".
Vấn đề được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 5 bộ về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, sáng 17/10.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực cải cách trong thời gian qua. Đặc biệt, bà Chi cho biết “các doanh nghiệp vỡ òa hạnh phúc” khi Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 với những thay đổi lớn về kiểm tra an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần trao đổi và bà Chi trước hết nhắc tới quy định yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải sử dụng muối có bổ sung I ốt. “Chúng tôi vẫn đang dùng tạm công văn công bố của Bộ Y tế về việc tạm dừng không áp dụng quy định này, nhưng quy định sửa đổi chính thức vẫn chưa có”, bà Chi nêu.
Vấn đề thứ hai, theo bà Chi, đang làm doanh nghiệp khốn đốn. Bà Lý Kim Chi cho biết, gần đây nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì rất lo lắng trước thông báo của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), bắt đầu từ ngày 1/11 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (cây kế đồng theo tên gọi Việt Nam) sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất.
“Các anh nói việc này ảnh hưởng môi trường, trong khi mấy chục năm nay vẫn nhập khẩu. Rất nhiều con tàu đang trên đường chuẩn bị cập cảng thì vẫn phải tái xuất, mà đây là lệnh của Cục chứ không phải của Bộ trưởng. Từ nửa tháng nay, các đàm phán quốc tế về bột mì đều dừng lại”, bà Chi cho biết.
Bà Chi cho biết thêm, rất may là sau khi gửi thư kêu cứu, đề nghị xin lùi thời gian áp dụng, thì ngay hôm sau, bà nhận được tin nhắn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đang xử lý.
Về kiến nghị này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trước hết đặt vấn đề về thẩm quyền ban hành văn bản. “Chắc chắn sai thẩm quyền, Cục không có thẩm quyền ban hành văn bản như vậy. Thứ hai, chưa xét đúng sai, nhưng khi ban hành văn bản như vậy tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, trước khi ban hành văn bản phải tham khảo ý kiến các đối tượng tác động, đồng thời hiệu lực văn bản phải có độ trễ, “không thể chặt đứt như vậy”, trong khi tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không cho phép hồi tố.
Sau khi tìm hiểu thêm thông tin, Bộ trưởng cho biết thêm, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Cục, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 ban hành văn bản. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét, ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense.
“Xét về tính pháp lý thì hoàn toàn không đúng thẩm quyền, Cục không đúng, Chi cục càng không đúng”, Bộ trưởng nêu rõ và nhắc lại tinh thần cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép. “Việc không đúng thẩm quyền, tác động rất lớn tới các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu từ bột mì như bánh, kẹo, mì tôm...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT có mặt tại cuộc họp cho biết vừa gọi điện cho Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và được biết Cục đã họp bàn với doanh nghiệp về tác động của văn bản trên. “Chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ xử lý ngay vấn đề này”, bà Kim Anh cho biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết VPCP sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT trước hết thu hồi văn bản nói trên, đồng thời tiếp tục đánh giá về tác động toàn diện từ việc tạm dừng nhập khẩu lúa mì để có giải pháp phù hợp.
Tiếp sau bà Kim Chi, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng nêu ý kiến về văn bản của cấp chi cục thuộc Tổng cục Thủy sản đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh vấn đề thẩm quyền khi ban hành các văn bản là rất quan trọng khi một phó chi cục trưởng mà ban hành một văn bản áp dụng trên cả nước. “Chúng tôi sẽ xem lại, lắng nghe hai tai và báo cáo về nội dung này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
“Không thể chấp nhận chi cục trưởng ký văn bản như vậy. Tuy nhiên, cũng cần nói rõ đây không phải là phổ biến, Bộ khác, còn chi cục khác”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhấn mạnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất quyết liệt trong cải cách, nếu không làm sao tăng trưởng nông nghiệp năm nay có thể đạt 3,3%, kim ngạch xuất khẩu nông sản hơn 40 tỷ USD, nhưng cấp dưới vẫn tồn tại sai sót.
Liên quan tới ý kiến về việc sử dụng muối I ốt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Nghị định 115 vừa được Chính phủ ban hành không có quy định nào về kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp thực phẩm trong việc sử dụng muối có bổ sung I ốt. Nghị định chính thức có hiệu lực từ 20/10 và các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp đồng hành cùng cơ quan y tế trong việc bổ sung I ốt vì sức khỏe người dân.
Cải cách sẽ không dừng lại
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết với Nghị định 15 năm 2018 thay thế Nghị định 38 năm 2012 về an toàn thực phẩm, số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm đã giảm tới 95%, chỉ kiểm tra xác xuất 5% và sẽ tiến tới giảm 97-98%. Đồng thời, không còn chuyện 3 Bộ cùng kiểm tra một mặt hàng.
Bộ Y tế có 1.871 điều kiện kinh doanh tại 6 luật, 14 nghị định, Bộ rất tích cực rà soát và “họp hằng tuần” về vấn đề này. Bộ dự kiến sửa đổi 14 nghị định, bãi bỏ 9 thông tư, cắt giảm, đơn giản hóa 1.363 điều kiện và 169/234 thủ tục hành chính. “Hôm qua, chúng tôi đã hoàn thành và đợi Bộ trưởng về để ký trình chính thức Chính phủ và khi được ban hành sẽ có hiệu lực ngay”, Thứ trưởng Long cho biết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng báo cáo những kết quả đạt được của Bộ, nổi bật là đã đơn giản hóa, cắt giảm 22/24 dòng hàng phải kiểm tra. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 74 năm 2018, theo đó nếu doanh nghiệp đạt yêu cầu 3 lần liên tiếp sẽ được miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa trong 2 năm.
Bộ cũng có 121 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, trong đó 36 điều kiện nằm ở luật. Bộ sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 48 điều kiện trong tổng số 85 điều kiện nằm ở các nghị định.
Đánh giá cao Bộ đã làm tốt cải cách kiểm tra chuyên ngành, song Bộ trưởng, Chủ nhiêm Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ cần nỗ lực cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh (gồm cả các điều kiện nằm trong luật, chứ không chỉ tính điều kiện nằm ở các nghị định), tức Bộ sẽ phải cắt giảm tối thiểu 61/121 điều kiện. Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu trước 20/10, Bộ cần trình dự thảo sửa đổi 4 nghị định để cắt giảm.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết Bộ LĐTB&XH đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, 60/112 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý rằng Bộ còn “nợ” 32 điều kiện nữa so với phương án cắt giảm đã đăng ký.
Còn bà Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết lãnh đạo Bộ hằng tháng đều có 2 cuộc họp về vấn đề này, chưa kể các cuộc họp cấp vụ. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 123 năm 2018 cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Thủy sản sửa đổi, trong đó cắt giảm, đơn giản hóa 53/62 điều kiện. Bộ sẽ tiếp tục trình sửa đổi Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi trong tháng 10 này để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa; các nghị định hướng dẫn các luật này cũng sẽ cắt giảm ít nhất 50% điều kiện.
Về kiểm tra chuyên ngành, Bộ có hơn 7.000 dòng hàng xuất nhập khẩu, Bộ lên phương án cắt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.800 dòng hàng phải kiểm tra, Bộ sẽ hoàn thành nhiệm vụ này chậm nhất trong tháng 11, tinh thần là làm nhanh nhưng hết sức cẩn trọng.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ có lĩnh vực quản lý rất rộng, các điều kiện kinh doanh, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành rất nhiều. Bộ đã rất nỗ lực, nhưng phải làm nhanh hơn nữa việc cắt giảm các dòng hàng kiểm tra chuyên ngành.
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, ngày 30/10 là thời hạn cuối cùng để các bộ trình Chính phủ ban hành xong các nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các bộ đều có quyết tâm mạnh mẽ, vào cuộc quyết liệt, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ thì cần đẩy nhanh hơn nữa. Với các dự thảo các bộ đã trình, các vụ của VPCP cần xử lý ngay.
Sau ngày 30/10, VPCP sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cụ thể về những mặt được, chưa được trong đợt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện này, nhìn nhận rõ việc cắt giảm có thực chất hay không, các điều kiện được cắt giảm có “núp bóng” trong thông tư của Bộ không…
Tổ trưởng Tổ công tác cũng ghi nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp về các vấn đề tồn tại, nhất là việc kiểm tra còn chồng chéo, phát sinh các thủ tục mới trong khâu thực thi…
“Việc cải cách sẽ được tiếp tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo, vì quá trình phát triển đòi hỏi phải liên tục thay đổi cho phù hợp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là như vậy”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Hà Chính/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất