19/11/2018 22:46 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.
Kính gửi: Các cô giáo, thầy giáo, cán bộ và nhân viên ngành Giáo dục!
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018, thay mặt Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi thân ái gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm 2018 đánh dấu 5 năm ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế nhưng sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà đã đạt được những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, dạy làm người. Chất lượng giáo dục phổ thông được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước. Lần đầu tiên nước ta có 2 đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn.
Đóng góp vào thành tích chung đó là sự tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Các cô giáo, thầy giáo từ thành thị tới nông thôn, từ mầm non đến đại học, bằng những việc làm khác nhau đang ngày đêm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, giản dị mà cao quý.
Con đường đổi mới đang ở những bước đầu tiên, phía trước còn rất nhiều gian khó, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành. Nhất là khi một số bất cập, hạn chế về giáo dục và đào tạo đã bộc lộ rõ hơn trong năm 2018, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này đặt ra cho toàn ngành nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài, trước hết là để củng cố niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà.
Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào đào. Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành tiếp tục thấm nhuần tinh thần đổi mới, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Chúc các thầy cô dồi dào sức khỏe, khắc phục mọi khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt như lời dặn của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu, thầy và trò cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Những bức thư thời chiến
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Vacsava, Hội nghị Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Trong ngày 20/11/1958, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo.
Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã…
Nhiều bức thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN.
Hàng nghìn lá thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam, thông qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đã nói lên lòng sôi sục căm thù Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam; đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà…
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Hàng năm vào kỷ niệm ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của giáo viên kháng chiến nói chung.
Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.
Quyết định của Hội đồng bộ trưởng số 167-HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam Điều 1.- Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Điều 2.- Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam , rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình. Điều 3.- Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh. Điều 4.- Trong ngày 20 tháng 11, các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và của địa phương. |
Nhi Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất