Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 7 quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế

12/11/2021 11:44 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Các cơ sở để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, như dòng vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung cấp hàng hóa đứt gãy, đòi hỏi Chính phủ vừa phải có giải pháp tổng thể, đồng bộ, vừa phải có những giải pháp ưu tiên.

Những nội dung chính kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Những nội dung chính kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Ngày 20/10/2021, khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, nguồn lực ngân sách đang khó khăn nên Việt Nam khó triển khai được các gói kích thích nền kinh tế như nhiều quốc gia khác. Nêu vấn đề trên, cuối buổi chiều 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư “là cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, đề nghị Bộ trưởng cho biết cách tiếp cận, xây dựng các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế của Việt Nam”.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cùng nhiều nội dung liên quan đến nới trần nợ công, bội chi… đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời vào đầu giờ sáng 12/11.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ttrả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

7 cách tiếp cận, quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế

Thông tin về 7 cách tiếp cận cũng như những quan điểm, nguyên tắc xây dựng giải pháp phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccinen và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Từ đó, chủ động xây dựng các phương án.

Thứ hai, xây dựng theo hướng mở để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.

Thứ ba là phải vừa hỗ trợ để phục hồi nhanh trong ngắn hạn, vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và các kế hoạch 5 năm trong dài hạn.

Thứ tư, các chính sách phải bảo đảm các mục tiêu cao nhất là phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát…

Thứ năm, các chính sách này phải hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động, việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ sáu là phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.

Nhóm giải pháp cuối cùng được Bộ trưởng đề cập là phải có một nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và phải đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chương trình.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Hai kịch bản bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn

Trả lời về các giải pháp, kịch bản để ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, quản trị được các rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn trong thời gian tới đã được đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) chất vấn trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Bộ xây dựng theo 2 kịch bản, đó là không có chương trình phục hồi và có chương trình phục hồi, từ đó xác định mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản. Bộ cũng đang cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội để tính toán về việc sử dụng các công cụ, chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào, khả năng huy động, phân bổ, sử dụng và hấp thụ của nền kinh tế ra sao?

“Về quan điểm, phải mạnh dạn hơn để phối hợp vừa phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt là phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, vừa tăng trưởng, tăng quy mô GDP của nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách nhà nước, vừa tạo nhiều việc làm cho xã hội, nhưng vẫn đảm bảo được an toàn về nợ công và bội chi ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ông cho rằng, quan trọng nhất là phải theo dõi chặt chẽ diễn biến về giá cả, nợ xấu, điều hành linh hoạt việc cung tiền để giảm áp lực cho lạm phát, bảo đảm nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu. Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả và mang tính dẫn dắt để kích hoạt nguồn vốn ngoài nhà nước cùng tham gia.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, đối với việc tăng bội chi, tăng nợ công, cần phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về thực trạng, nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn đầu tư công và các yếu tố có liên quan trước khi quyết định. Nêu ý kiến đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) chỉ ra nợ công cuối năm 2021 ước tính khoảng 44% GDP là thấp do từ năm 2021 ta điều chỉnh tăng GDP theo cách tính mới, vì vậy, cho dù giá trị tuyệt đối của nợ công không giảm nhưng mẫu số GDP tăng nên tỷ lệ này thấp, đã “tạo ra cảm giác còn dư địa để tăng nợ công, nhưng thực chất thì không hoàn toàn như vậy”, cùng các con số Bộ trưởng Tài chính đã đưa ra tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách chiều 9/11, khi cho biết, nợ công dự kiến năm 2025 khoảng 45,6% theo GDP mới, còn nếu tính theo cách cũ là 57,9% GDP có nghĩa đã vượt ngưỡng 55%, đại biểu Lê Minh Nam nhận định, nếu phải ưu tiên kiểm soát nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính và các cân đối vĩ mô, chúng ta phải thận trọng khi quyết định.

Về bội chi, theo đại biểu, Chính phủ đặt mục tiêu giảm dần thâm hụt ngân sách cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3,7% GDP, như vậy, dự kiến theo chương trình phục hồi kinh tế, nếu làm tăng bội chi 1% sẽ tăng gánh nặng giảm tỷ lệ này trong những năm tiếp theo. Vì vậy, chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), đại biểu Lê Minh Nam cho rằng, phải có chương trình phục hồi kinh tế, nhưng cũng phải tính toán thận trọng tỷ lệ nợ công, bội chi để hạn chế rủi ro.

Trước khi tính đến kịch bản tăng, cần tập trung tính toán sử dụng các gói kích cầu, chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, từ đó giảm bội chi và tăng cường quản trị hiệu quả nguồn lực hiện có bằng các giải pháp thích hợp, đặc biệt, phải quyết liệt trong thực hiện phân bổ và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, hạn chế tình trạng nơi có tiền chưa tiêu được, nhưng có chỗ khi cần vẫn phải vay.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp sáng ngày 12/11. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Không nới trần nợ công và bội chi, không có nguồn lực để phục hồi và phát triển

Cũng tranh luận với Bộ trưởng liên quan đến việc hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch cần một gói hỗ trợ tài khóa đủ lớn, khoảng 3 đến 4% GDP, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), vấn đề đặt ra là, nếu làm như vậy sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách, vượt chỉ tiêu bội chi ngân sách, tăng nợ công, nợ Chính phủ. Còn nếu gói hỗ trợ không đủ lớn, có thể làm cho nền kinh tế chậm phục hồi và lỗi nhịp phát triển so với các nước và có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đồng tình với nhiều quan điểm Bộ trưởng đã nêu, song, ông cho rằng, trong Báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ không thể hiện rõ một kế hoạch tổng thể về tổng mức chi cho các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Các gói trên từng lĩnh vực đã có, nhưng còn rất riêng lẻ.

“Mong muốn ở đây là chúng ta cần phải có một kế hoạch tổng thể và cần phải có thống kê tổng hợp, dự báo rất đầy đủ tổng thể các gói hỗ trợ từ ngân sách, bao gồm cả tài khóa và tiền tệ và cả các nguồn lực khác của hệ thống chính trị đã, đang dành cho phục hồi nền kinh tế, trong đó có cả những dự báo, dự tính cả các nguồn lực của toàn xã hội. Tôi cho rằng đây là một cơ sở rất quan trọng để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể, cũng như trong đó xác định đầy đủ các nguồn lực làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định, điều hành kinh tế vĩ mô một cách chính xác và hiệu quả hơn”, đại biểu nêu quan điểm.

Trao đổi lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, vấn đề tăng bội chi, nợ công, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo an toàn tài chính cũng như hệ thống ngân hàng đã được Bộ lưu ý, tính toán hết sức thận trọng trong quá trình xây dựng chương trình kích thích kinh tế. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tính toán dư địa còn lại của việc sử dụng các công cụ  chính sách tài chính, tài khóa, tiền tệ.

Đồng tình với ý kiến đại biểu, Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Khi tính toán phải hết sức thận trọng, làm sao vừa đảm bảo được phục hồi và phát triển cho nền kinh tế, tận dụng cơ hội đảm bảo được các mục tiêu trong dài hạn, đồng thời phải cân nhắc đến cả vấn đề an toàn ổn định kinh tế vĩ mô.

“Nếu chúng ta không nới trần nợ công và nới trần bội chi thì chắc chắn không có nguồn lực để phục hồi và phát triển. Nhưng nếu chúng ta nới cao quá, kiểm soát không được, hiệu quả không đảm bảo sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, mất các cân đối lớn thì còn nguy hiểm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông nới trần nợ công bao nhiêu, huy động bằng cách nào, sử dụng vốn huy động sao cho hiệu quả... những vấn đề này các bộ, ngành đang tính toán, "chưa dám đưa ra một kịch bản cụ thể”. Bộ đã xây dựng kịch bản nhưng còn phải tính toán thận trọng, kỹ lưỡng và báo cáo với các cấp có thẩm quyền trước khi báo cáo Quốc hội.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm