29/07/2014 15:30 GMT+7 | Thế giới
Theo đó, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Địa điểm thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là các trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia. Về việc chấm thi, sẽ thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền.
Về môn thi, có ba phương án được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thảo luận. Phương án 1 sẽ thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, đồng thời để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo cho từng trường đại học, cao đẳng quy định.
Phương án 2, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, 8 môn học ở lớp 12 gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ sẽ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: bài thi Toán; bài thi Ngữ văn; bài thi Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là: bài thi Toán, bài thi Ngữ văn và bài thi Ngoại Ngữ; đồng thời 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Phương án này có ưu điểm: với 2,5 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1; hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.
Phương án 3, 11 môn học ở lớp 12 Trung học phổ thông gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán – Tin; bài thi Khoa học Tự nhiên; bài thi Khoa học Xã hội và bài thi Ngoại ngữ.
Tại hội nghị, sau khi phân tích các ưu điểm và hạn chế của từng phương án, nhiều đại biểu cho rằng: phương án 2 là phương án phù hợp với xu hướng phát triển chung của giáo dục hiện đại. Đại diện một số trường và Sở Giáo dục đề xuất, phương án 2 nên được áp dụng theo lộ trình, từ năm 2016.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho rằng: Phương án 2 cần có thời gian để thay đổi cách dạy và học, nên được áp dụng từ năm 2016, thay vì áp dụng ngay trong năm 2015. Việc áp dụng thi các bài thi tổng hợp ngay trong năm 2015 chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, việc tổ chức theo phương án này cần có sự chuẩn bị kỹ càng ở tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên. Vì vậy, năm 2015, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nên thực hiện theo phương án 1, thi tách riêng từng môn, tiến tới thi bài thi tổng hợp theo phương án 2 vào năm 2016.
Cùng chung quan điểm trên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất: Năm 2015 nên thực hiện thi theo phương án 1 và phương án 2 cần được chuẩn bị để có thể triển khai sớm nhất vào năm 2016.
Đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến: Với điều kiện một tỉnh có nhiều học sinh dân tộc miền núi như Tuyên Quang, việc áp dụng ngay phương án bài thi tổng hợp sẽ khiến học sinh khó tiếp cận, khó khăn khi làm bài. Để có thể triển khai phương án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện theo lộ trình, có tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nhằm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập của học sinh. Trước mắt, trong năm 2015 nên thực hiện thi theo phương án 1.
Về phía cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét để hướng tới thống nhất thi theo phương án 2. Vì đây là phương án hợp lý hơn cả, phù hợp với việc dạy và học tích hợp, hướng tới thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để không gây “sốc” cho học sinh và giáo viên, việc triển khai phương án này cần theo lộ trình. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng cần sớm xây dựng phương án tuyển sinh của mỗi trường trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để phổ biến sớm cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục trong toàn ngành, của dư luận và Hội đồng giáo dục quốc gia, trước khi quyết định phương án thi vào năm 2015.
Việt Hà - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất