Thế giới tìm cách cứu di sản văn hóa Nepal

08/05/2015 10:42 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhiều di sản văn hóa của Nepal đã bị phá hủy sau thảm họa động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra hôm 25/4 vừa qua. Nhưng thế giới vẫn chưa từ bỏ ý định cứu các di sản này, thông qua những chương trình phục dựng.

Trả lời phỏng vấn mới đây, Christian Manhart, Trưởng đại diện của  UNESCO ở Kathmandu, đã chia sẻ về ý định phục dựng di sản văn hóa Nepal.

* Ông có thể mô tả hiện trạng của các di sản thế giới ở Kathmandu?

- Nhiều di sản đã hư hại nặng. Tôi có thể nói rằng tới 2/3 trong số 7 di sản thế giới ở Thung lũng Kathmandu đã bị phá hủy hoàn toàn.


Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện của  UNESCO ở Kathmandu

* Liệu các công trình này còn giữ được danh hiệu di sản thế giới?

- Chắc chắn là chúng vẫn còn danh hiệu. Tổ chức duy nhất có thể loại bỏ chúng ra khỏi Danh sách di sản thế giới của UNESCO là Ủy ban Di sản thế giới. Vào cuối tháng 6, Ủy ban sẽ có cuộc họp ở Bonn, nhưng tôi không tin tổ chức sẽ loại các di sản ở thung lũng Kathmandu ra khỏi danh sách di sản.

Nguyên nhân do một phần của các di sản đó vẫn còn tồn tại, như các bức tượng. Người ta hoàn toàn có thể tái dựng các di sản. Loại chúng ra khỏi danh sách di sản sẽ truyền đi thông điệp sai lầm tới người dân Nepal.

* Đối với người dân Nepal các di sản này có ý nghĩa ra sao thưa ông?

- Tôi tới Nepal cách đây 8 tháng và thực sự kinh ngạc khi thấy người dân nơi đây vẫn rất tôn thờ truyền thống văn hóa. Hầu như ai cũng tới đền thờ ít nhất 1 lần/ngày để dâng lễ. Nếu biểu hiện vật chất của văn hóa và truyền thống mất đi thì có nguy cơ các yếu tố phi vật thể cũng biến mất.


Quảng trường Durbar ở Thung lũng Kathmandu sau thảm họa động đất

* Kế hoạch hành động của UNESCO nhằm cứu các di sản thế giới ở Nepal như thế nào?

- Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xem xét làm rõ các di sản đã bị phá hủy. Việc này đã được tổ chức tốt ở Kathmandu. Nhóm của chúng tôi đang tới các ngôi làng ở ngoại ô thành phố để đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất cách củng cố tạm các công trình. Hiện một số di sản vẫn tồn tại song đã bị hư hại nặng và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

Trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ củng cố các di sản đó và giai đoạn 3 là phục dựng, tu sửa chúng.

* Chắc chắn việc tái xây dựng các công trình này sẽ rất tốn kém?

- Hiện giờ chúng tôi chưa thể nêu con số chính xác, song nhiều khả năng sẽ tốn hàng trăm triệu USD. Có điều mừng là nhiều bức tượng và tác phẩm điêu khắc gỗ vẫn đang trong tình trạng khá tốt. Thực ra, chỉ có những bức tường gạch cổ là cần phải xây lại.

* Liên hợp quốc đã chỉ trích nhiều tổ chức khác nhau ở Nepal khi không cùng phối hợp làm việc sau thảm họa động đất. Ông có lo lắng một cuộc cạnh tranh tương tự giữa các tổ chức cứu trợ trong lĩnh vực văn hóa sẽ làm chậm nỗ lực của mình?

- Chúng tôi đã có được sự ủy nhiệm chính thức từ cơ quan bảo vệ di sản Nepal. Tuy nhiên, trách nhiệm của những người có thẩm quyền không phải lúc nào cũng được xác định rõ ràng. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp các nỗ lực của mình, song có những lúc gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, giới chức địa phương ở Bhaktapur không cho phép chúng tôi làm việc, thậm chí còn cử nhân viên đi cùng chúng tôi tới tận cơ quan bảo vệ di sản Nepal để làm rõ.

* Các tình nguyện viên có liên lạc với ông và đề nghị hỗ trợ không?

- Rất nhiều người. Tôi đã nhận được nhiều lời yêu cầu đến mức không thể trả lời hết.

* Rủi ro sẽ lớn tới đâu nếu các công trình bị phá hủy lại gặp phải một trận động đất mới nữa? Liệu ta có thể xây dựng những ngôi đền chịu được động đất ở Nepal không?

- Thực ra các tòa nhà ở Nepal khá vững chắc. Nepal sử dụng cách xây dựng truyền thống là dùng gạch và gỗ, cho phép các tòa nhà có thể lắc lư trong các trận động đất.

Sóng chấn động địa chất thường đi theo chiều ngang so với mặt đất, nhưng trong thảm họa vừa qua, sóng lại xuất hiện theo chiều dọc nên đã gây họa. Chúng tôi đang cẩn thận phân tích tình hình và hy vọng có thể xây nên các công trình chịu được trận động đất tiếp theo. Trong tương lai, Nepal chắc chắn lại xảy ra một trận động đất lớn khác.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm