13/06/2017 08:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo chương trình kỳ họp thứ 3, từ 15.05’, ngày 13/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, bao gồm 7 loại sau: (1) Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; (2) Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế; (3) Cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;
(4) Cấp giấy phép cho đối tượng mời cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; (5) Cấp giấy phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế; (6) Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; (7) Cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng.
Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm thuộc chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 và các văn bản, đề án trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch cải cách hành chính năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh. Thường xuyên rà soát hệ thống pháp luật của Ngành để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác và hội nhập của đất nước...
Tiếp tục pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Ngành để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.
Kiện toàn bộ máy tổ chức pháp chế các cấp để đảm bảo hoạt động hiệu quả và nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tăng cường công tác giám sát thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm. Thực hiện công khai hóa, kết hợp với cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phối hợp, tự chịu trách nhiệm cá nhân trong các khâu quản lý, cấp phép... nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo Thông tin Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất