17/04/2018 19:45 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cần có lực lượng Công an cắm chốt tại bệnh viện sau khi xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ và gây rối tại bệnh viện thời gian gần đây.
Thời gian gần đây, các vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ và gây rối tại bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các y, bác sỹ. Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị hỗ trợ và yêu cầu các bệnh viện thắt chặt an ninh nhưng các vụ hành hung bác sỹ vẫn tiếp tục diễn ra. Trước thực trạng này, chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị cần có lực lượng Công an cắm chốt tại bệnh viện.
Nhiều vụ hành hung nghiêm trọng
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ tại các bệnh viện trong cả nước.
Cụ thể là: Ngày 14/2 (ngày 29 Tết), chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) chở một bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng xin đường nhưng xe 4 chỗ do anh N.V.Kh (làm việc tại Hà Nội) điều kiển không cho vượt. Khi xe cấp cứu vượt qua, anh N.V.Kh đã đuổi theo và tấn công tài xế xe cấp cứu ngay tại Bệnh viện Hùng Vương.
Ngày 17/2 (ngày mùng 2 Tết), khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp. Trong lúc các y bác sỹ đang cấp cứu thì anh trai bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, đe dọa, chửi bới bác sỹ. Khi nhân viên y tế mời người nhà bệnh nhân ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã đập phá khoa Cấp cứu. Toàn bộ cánh cửa của khoa Cấp cứu bị đạp vỡ nát, kính bị vỡ tung, các y bác sỹ và bệnh nhân khác hoảng loạn.
Ngày 20/2 (ngày mùng 5 Tết), tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, Lê Hồng Nam, chồng của sản phụ đang được mổ đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Khi được nhắc nhở thì anh đã lăng mạ và chửi bới. Sau đó, Lê Hồng Nam và 15 đối tượng khác do Nam gọi đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung bác sỹ Phạm Hải Ninh và bác sỹ Hoàng Đức Trung (2 bác sỹ vừa mổ cho vợ của Nam). Một bác sỹ đã bị khâu hơn 20 mũi ở mặt và đầu.
Ngày 25/2, Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này đã tử vong trước khi nhập viện. Khi các bác sỹ thông báo tin này thì nhóm bạn của 2 nạn nhân đã la hét, đập vỡ các cửa kính của bệnh viện. Họ chửi bới, đánh đuổi các bác sỹ, đe dọa những bệnh nhân khác có mặt tại khoa cấp cứu...
Gần đây nhất là ngày 13/4, bố một bệnh nhi 7 tuổi trong lúc trao đổi với bác sỹ về tình trạng vết thương của con đã xông tới đấm vào mặt bác sỹ V.H.C, Bệnh viện Xanh pôn (Hà Nội).
Trước đó, năm 2017, tại các bệnh viện cũng đã xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế và y bác sỹ khi đang làm việc, khám chữa bệnh...
Giải pháp bảo vệ bác sỹ
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ hành hung bác sỹ nghiêm trọng trong khi đang làm nhiệm vụ thời gian qua, Bộ Y tế đề nghị các ban, ngành, đặc biệt là ngành Công an và chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc quyết liệt để đồng hành cùng Bộ Y tế bảo vệ, hỗ trợ cán bộ y tế; không để họ đơn độc tự bảo vệ tính mạng cũng như sức khỏe của bản thân. Có như vậy, các bác sỹ mới yên tâm chăm sóc, cứu chữa người bệnh.. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, nội dung ký kết với Bộ Công an nhưng thời gian qua sự phối hợp giữa các bên chưa thực sự hiệu quả.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đề nghị giữ các đơn vị y tế, sở y tế, Công an các tỉnh ký văn bản phối hợp, lập đường dây nóng để thông báo kịp thời cho lực lượng 113 xử lý các tình huống hành hung cán bộ y tế trong các bệnh viện. Các bệnh viện cũng cần phối hợp với cơ quan Công an để lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi tại nơi làm việc. Đặc biệt, Bộ Y tế kiến nghị lực lượng Công an cần phải vào cuộc thực sự; triển khai cắm chốt ngay tại bệnh viện và tuần tra thường xuyên tại những điểm nóng, nơi căng thẳng như khoa cấp cứu của bệnh viện; đồng thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành các tối tượng có hành vi hành hung bác sỹ, nhân viên y tế.
Có thể thấy rằng, trên thực tế, nếu thực hiện được các biện pháp trên thì việc ngăn chặn các vụ hành hung y, bác sỹ sẽ có hiệu quả rõ ràng. Ví dụ như: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng đã có Công an cắm chốt tại bệnh viện, có đường dây nóng 113; Công an đi tuần tra theo ca. Tại Ninh Bình, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế cử lực lượng Cảnh sát cơ động tiến hành tuần tra và lập đường dây nóng tại bệnh viện để răn đe và ngăn chặn các hành vi bạo hành bác sỹ, nhân viên y tế...
Thu Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất