16/04/2021 14:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Sáng 16/4, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vaccine COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 rất khó khăn với tất cả các nước không riêng gì Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch. Nhờ sự quyết liệt trong triển khai của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đã 21 ngày, nước ta không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch
Nhắc lại những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn phòng chống dịch trên bình diện quốc gia và tại các địa phương cụ thể, lãnh đạo Bộ Y tế đề cập đến bài học về cách ly tập trung, truy vết, xét nghiệm, điều trị (thành lập bệnh viện dã chiến)… và cho rằng những kinh nghiệm này rất quý với tất cả các địa phương kể cả những tỉnh/thành có nguy cơ thấp.
Thực tế thời gian qua, khi có dịch xảy ra, các địa phương thường lúng túng trong khâu cách ly, đặc biệt khi phải thực hiện trên quy mô lớn, với hàng nghìn người trong thời gian ngắn. Khẳng định việc lập kế hoạch chuẩn bị cho cách ly và cách ly tập trung rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh chỉ có cách ly tập trung mới ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Nếu chỉ cách ly tại cộng đồng, việc ngăn chặn nguy cơ lây lan sẽ khó khăn, vì thế, Việt Nam tuân thủ chiến lược không nhân nhượng với cách ly tập trung F1.
Về truy vết, bài học chống dịch tại Hải Dương cho thấy tính hiệu quả từ việc huy động lực lượng công an tham gia khi số ca bệnh tăng nhanh. Đây là bài học quý cho các địa phương khác. Bộ Y tế đã bàn thảo để có kế hoạch phối hợp với Bộ Công an tập huấn cho lực lượng công an để hỗ trợ thực hiện truy vết khi có dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý, các vấn đề về xét nghiệm, phong toả, điều trị (lập bệnh viện dã chiến)… phải được chuẩn bị chủ động, chu đáo tránh sự luống cuống khi dịch xảy ra về cả cơ sở vật chất, nhân lực…
Đặc biệt, cần có sự điều phối mạnh mẽ trong sử dụng nhân lực y tế, tập huấn tại các tuyến về thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Hiện tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, trong khi Việt Nam vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu người Việt về nước, song song với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, do đó, nguy cơ có thể xảy ra dịch ở Việt Nam là rất lớn. Điều này đã được Bộ Y tế, các chuyên gia hàng đầu liên tục cảnh báo.
Lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch.
Tới đây, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao. Bộ Y tế đề nghị lực lượng biên phòng tăng cường chỉ đạo giữ vững, giữ chắc khu vực biên giới; ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Ban chỉ đạo Quốc gia đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc cách ly chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch COVID-19. Nếu buông lỏng, để xảy ra tình trạng lây nhiễm cộng đồng, đặc biệt với các biến chủng mới của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn.
Đặc biệt, từ bài học kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tầm soát phát hiện các ca nhiễm; các địa phương cần lên kế hoạch xét nghiệm tại các khu vực có đối tượng có nguy cơ cao.
Một yêu cầu được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp trực tuyến là việc cập nhật bản đồ antoancovid với các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là các phòng khám tư nhân... Lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý việc cập nhật của các phòng khám tư nhân đang chậm trễ; các Sở y tế cần khẩn trương chỉ đạo tăng tốc trong cập nhật. Nếu các phòng khám tư nhân không thực hiện tức là không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Sở Y tế có thẩm quyền đình chỉ hoạt động các phòng khám này.
Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước. Ngoài hơn 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca về Việt Nam vào cuối tháng 2 (do VNVC mua), ngày 1/4, 811.200 liều vaccine AstraZeneca do COVAX Facility tài trợ đã về tới Việt Nam. Bộ Y tế đã phân bổ số vaccine này về các địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 21.
Đến nay đã có 49/63 tỉnh, thành phố tiếp nhận vaccine đợt 2, 14 tỉnh sẽ tiếp tục được cấp trong thời gian tới. Trong đó, 28 tỉnh thuộc khu vực phía Bắc đã tiếp nhận; tại miền Trung có 9 tỉnh (còn 2 tỉnh chưa nhận là Bình Thuận và Ninh Thuận); khu vực Tây Nguyên có 4 tỉnh đã nhận; riêng với khu vực miền Nam đã có 8 tỉnh, còn 12 tỉnh sẽ được cấp thời gian tới.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo đúng đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21; hoàn thành trước ngày 5/5. Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh nếu địa phương nào không tổ chức tiêm hết thì sẽ thu hồi vaccine.
Trước những thông tin về an toàn tiêm chủng, phản ứng sau tiêm, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã thông tin chi tiết tới báo chí.
Đến nay, sau hơn 1 tháng tổ chức, Việt Nam đã tiêm cho 75.000 người. Trong số này, 33% có phản ứng thông thường sau tiêm, hầu hết đều là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, sốt nhẹ… chỉ sau 1-2 ngày là hết. Phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, thậm chí thấp hơn các phản ứng sau tiêm ở một số loại vaccine đã tiêm từ nhiều năm nay tại Việt Nam như vaccine 5 trong 1.
Tỷ lệ phản ứng nặng/quá mẫn nặng sau tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam là 1%o với 5 trường hợp. Qua đánh giá, các trường hợp này chỉ phải theo dõi nhưng vẫn xếp vào phản ứng nặng sau tiêm, đều bình phục sau 1-2 ngày khi xử lý theo quy trình, quy định. Không có bất cứ trường hợp nào bị huyết khối sau tiêm tại Việt Nam.
Thông tin tại cuộc họp một lần nữa khẳng định quy trình tiêm vaccine COVID-19 của Việt Nam khác với các nước, làm rất chặt chẽ, thận trọng với tinh thần “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, đặc biệt, diện trì hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm của Việt Nam rộng hơn các nước.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1888/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên cả nước trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt về điều trị thường trực hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn nặng sau tiêm, kể cả trường hợp huyết khối có thể xảy ra.
Với tiêu chí an toàn tiêm chủng được đặt lên rất cao, cách làm chặt chẽ, bài bản này, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định Việt Nam có thể xử lý tốt các trường hợp phản ứng sau tiêm.
Tại cuộc họp, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vaccine là một trong những biện pháp phòng chống COVID- 19. Những lợi ích mà vaccine mang lại vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng, vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay.
Bích Thủy/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất