20/09/2021 19:44 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 20/9, Bộ Y tế đã có văn bản số 7820/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nội dung liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết đã nhận được Công văn số 8758/UBND-VHXH ngày 3/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Công văn số 6530/SYT-NVY ngày 12/9/2021 của Sở Y tế T Hồ Chí Minh đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Nhà sản xuất cũng hướng dẫn, mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1.
Với vaccine này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 - 12 tuần.
Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 của Bộ Y tế).
Do đó, tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO (tiêm mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 từ 8 đến 12 tuần), hướng dẫn của nhà sản xuất (tiêm mũi 2 sau khi tiêm mũi 1 khoảng từ 4-12 tuần) và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 (sau tiêm mũi 1 từ 8-12 tuần) để tham mưu cho Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Thời gian tối thiểu giữa hai mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng, chống dịch.
Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận rút ngắn thời gian khoảng cách giữa hai mũi tiêm, Sở Y tế cần hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng tiêm trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của việc rút ngắn thời gian khoảng cách để người dân biết và tham gia (nếu được đối tượng tiêm đồng thuận).
Sở Y tế các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thực hiện tiêm chủng và báo cáo kết quả về Bộ Y tế (qua Cục Y tế dự phòng) theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và tổ chức triển khai thực hiện.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vaccine COVID-19 các loại khác nhau gồm vaccine AstraZeneca, vaccine Vero Cell, vaccine Moderna, vaccine Pfizer, vaccine Sputnik… và đã phân bổ số vaccine này theo 45 đợt, trong đó đợt phân bổ gần nhất là 8 triệu liều vaccine Vero Cell ngày 19/9.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất