Bob Dylan, Backstreet Boys: Mua vé hay ở nhà? (Bài 1)

27/03/2011 07:54 GMT+7 | Âm nhạc

Việt Nam - Bãi đáp mới của ngôi sao quốc tế?

Bryan Adams đến Việt Nam vào năm 1994. Lần lượt sau đó những John Denver, Sting, Boney M, Patricia Kaas, Jean- Jacques Goldman, Leo Sayer, Air Supply, Lê Minh, Michael Learns To Rock…, nhưng sau đó là… lặn dần. Ngoài những chương trình mang tính giao lưu, giới thiệu, quảng bá thương hiệu… thì những show diễn (kiếm tiền) thật sự của các ngôi sao nước ngoài đến Việt Nam gần như không có. Ngược lại, ở nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore…, hầu như tuần nào cũng có nghệ sĩ danh tiếng đến kiếm tiền. Sự khác nhau ấy thể hiện sự kém hấp dẫn của thị trường biểu diễn Việt.

Đã có những mở đầu rồi lại rơi và giờ thì bắt đầu những nhen nhúm mới.

Chuyên đề kỳ này, Việt Nam - Bãi đáp mới của ngôi sao quốc tế?, TT&VH Cuối tuần bắt đầu bằng một sự khích lệ (nếu được) sự cần thiết nên đi xem show ca nhạc quốc tế có trả tiền mà rõ nhất là sự xuất hiện của Bob Dylan và Backstreet Boys. Tiếp theo sẽ là một sự đánh giá khách quan thị trường biểu diễn âm nhạc tại Việt Nam qua những lần đến thăm của các nghệ sĩ quốc tế và cuối cùng sẽ là một lời giải thích, phân tích của một người có kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện cho câu hỏi vì sao mảnh đất này vẫn mãi lưa thưa nghệ sĩ quốc tế.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG


(TT&VH Cuối tuần) - Backstreet Boys tượng trưng cho những boysband đã qua thời đỉnh cao, Bob Dylan tượng trưng cho một huyền thoại sống của nước Mỹ. Cả hai, trong một sự trùng hợp thú vị, đều có mặt ở Việt Nam gần như cùng một thời điểm. Hai sự kiện này đang hâm nóng thị trường biểu diễn đang đóng băng. Hai tên tuổi có xứng cho sự lựa chọn của công chúng Việt?

Khi những cậu bé đã lớn

Thật ra Backstreet Boys (BSB) không phải là boysband đầu tiên đến Việt Nam. Trước đó (năm 1999) đã từng có anh em nhà Moffatts làm đình đám ở sân Tao Đàn mà mỗi chiếc vé vào cửa được đổi bằng vỏ hộp đánh răng của một nhãn hàng. Dạo ấy, nhà tổ chức lỗ nặng bởi khán giả chẳng bao nhiêu. Thời điểm ấy, The Moffatts vẫn còn trên đỉnh vinh quang. Thời điểm ấy, nhiều người cho rằng giá vé (kể cả bỏ tiền mua kem đánh răng) vẫn quá cao so với túi tiền giới trẻ Việt. Và cũng đã 12 năm kể từ ngày ấy, bỏ qua những trường hợp giao lưu văn hóa, dường như chẳng còn tên tuổi nào đến Việt Nam. Cho đến khi BSB bỗng dưng xuất hiện.

Chẳng cần chứng minh cũng đủ biết BSB đang ở sườn bên kia sự nghiệp, những gì đang làm của họ chỉ thể hiện một điều là boysband này tin tưởng thương hiệu của mình vẫn còn có khách. Ở Việt Nam, sự xuất hiện của BSB đang gây ra nhiều cảm xúc nơi người hâm mộ. Người cho rằng chẳng ai lại đi xem cái bóng của một thời đã xa, người cho rằng rất đáng bỏ ra (dù cả triệu bạc) để đi xem lại một thời tuổi trẻ. Đó là cách nói của những người đã có gia đình, công ăn việc làm và con cái. Còn lớp trẻ bỏ tiền đi xem đơn giản vì cho rằng âm nhạc của BSB vẫn hợp với tuổi trẻ của họ.

Nhóm BSB trong lần biểu diễn mới nhất ở Colorado (Mỹ)

Tất nhiên, loại hình âm nhạc nào cũng có đối tượng công chúng riêng, quan trọng là ít hay nhiều. Hàn lâm vẫn có những đối tượng nghe cao cấp, giải trí cũng vẫn có cho dù vẫn thường bị dè bỉu bằng hai chữ “thị trường”. Ngay ở thị trường Mỹ, tuổi thọ trung bình của một boysband/girlsband là khoảng 5 năm. Sau đó sẽ là những dự án solo của một vài thành viên tách ra hát độc lập.

Backstreet Boys có 2 buổi diễn tại Việt Nam vào ngày 24/3 tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) và ngày 26/3 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Bob Dylan biểu diễn một đêm duy nhất ở Việt Nam vào ngày 10/4 tại sân vận động trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (702 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM).

Còn công chúng thì sao? Thường là hoài niệm. Đơn cử là boysband những năm 70 thế kỷ trước, The Osmonds (nhóm nhạc có bài hit mà sau này nhóm Boyzone hát lại và cũng lên hit, Love Me For A Reason). Nhóm này tan rã vào đầu những năm 1980 khi các thành viên (vốn là anh em ruột) tách ra solo. Tưởng thời gian trôi qua, công chúng sẽ lãng quên họ nhưng khi Osmonds quyết định tái hợp (chỉ tái hợp, không ra album mới) và lưu diễn đầu những năm 2000 thì hầu như tour diễn của họ hết sạch vé. Thế hệ người nghe của Osmonds ngồi chật kín trong những tour diễn thường là bố mẹ dắt theo con cái. Con cái, những cậu bé cô bé mới lớn được bố mẹ truyền cho niềm đam mê ngày xưa cũng đứng hết cả dậy và hát “And They Called It Puppy Love” (bài Pupply Love, một ca khúc bất hủ của Paul Anka được Donny Osmond hát lại). Ai cũng có tình yêu măng non, ai cũng có ít nhất một ban nhạc để si mê khi ở tuổi trăng tròn.

Take That cũng thế, nhóm nhạc gần như là bất hủ của xứ sương mù, đình đám những năm giữa thập kỷ 1990 và tan rã khoảng đầu 2000 vậy mà mới đây khi nhóm tái hợp và ra album mới (Robbie Williams cũng bỏ nghiệp solo để trở về vui vầy cùng anh em), lượng đĩa của họ bán hết sạch và những tour diễn ở Anh gần như không kịp đặt vé. Hoài niệm tưởng là một thứ xa xỉ trong thời đại cái mới liên tục lên ngôi và dễ làm người ta bị xao động nhưng không ngờ vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Vài năm trước Spice Girls làm náo động nước Anh bằng tour tái hợp, sau đó là BSB, Boyzone… Trong tour diễn mới đây của Boyzone tại Anh, camera ghi lại được khá nhiều nước mắt của fan hâm mộ chừng 30 tuổi. Họ trả lời cho dù Boyzone không còn sung sức như ngày xưa, nhưng nhìn thấy họ trên sân khấu như thể người ta thấy lại cả thời tuổi trẻ của mình. Giá vé vào cửa để hoài niệm nào có rẻ, hơn 50 bảng cho một chiếc vé hạng trung.

Tất cả những boysband/girlsband không phải cứ xong vòng đời của mình là hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thế hệ người nghe của họ luôn mới, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia. The Jackson 5 hiện vẫn còn đầy fan hâm mộ trên khắp thế giới và hãng đĩa Motown năm nào hầu như cũng tái bản những album trước đây của họ. Vòng đời của một boysband chỉ 5 năm nhưng vòng nhớ trong lòng công chúng là không thể đo đếm, nhất là khi nhóm nhạc đó được xem là thành công.

Bob Dylan và nữ ca sĩ Joan Baez trong một lần xuống đường
kêu gọi phản chiến vào năm 1963

Và một lần trong đời

Bob Dylan đã qua thời của mình nhưng giá trị của ông chưa bao giờ bị chìm khuất. Người đứng trên bục gỗ cầm đàn hô hào giới trẻ bỏ súng, cài hoa trên đầu, ngân tiếng chuông tự do để phản đối chiến tranh, con người ấy luôn được tôn trọng. Bob Dylan dành trọn cả đời mình cho 2 mệnh đề cũng không bao giờ bị khai tử: Âm nhạc và Hòa bình. Mỗi thời đại đều sản sinh những đứa con ưu tú. Bob DyLan cùng thời với Trịnh Công Sơn và cùng luôn với ông trước những ngỡ ngàng thời cuộc. Trái tim đập rộn ràng cho họ cảm xúc viết tình ca và những vòng tròn luân hồi cho họ ý niệm về hòa bình, về một sự bình yên mà con người bao đời nay vẫn cứ mãi đi tìm. Tình ca từ trái tim; bình yên từ lý trí; gạch nối ở giữa là cây guitar cũ xì ngân nga hàng đêm trước các hội quán, tiếng hát át tiếng bom và cũng át luôn những tiếng nấc nghẹn ngào khi những người đàn ông không thấy trở về...

Sự xuất hiện của Bob Dylan như nhắc nhở lại những tên tuổi cỡ lớn đã từng đến Việt Nam như John Denver, Bryan Adams, Sting… Nhưng khoảng cách xuất hiện của họ đã gần 2 thập kỷ và chỉ có thế, không nhiều hơn những danh tiếng thật sự xuất hiện. Tần suất xuất hiện lưa thưa của những tên tuổi nước ngoài làm nhiều nhà đầu tư e dè. Tuy nhiên, ông Rod Quinton, nhà tổ chức của Saigon Sound System (công ty mời Bob Dylan đến Việt Nam) cho rằng: “Chúng ta sẽ cùng nhau chứng minh cho fan yêu nhạc quốc tế và các nhà quản lý, tổ chức âm nhạc quốc tế biết rằng Việt Nam tự hào là một điểm đến hoàn toàn xứng đáng. Hiện tại chúng tôi đang dốc hết sức lực để buổi biểu diễn của Bob Dylan được hoàn hảo và đó là điều duy nhất chúng tôi hướng đến”.

Sự thành công của Bob Dylan (nếu có xảy ra) hay không thì cũng chứng minh được rằng thị trường Việt đang bắt đầu được hâm nóng bằng những show quốc tế có chất lượng. Đã 18 năm kể từ ngày Bryan Adams biểu diễn tại nhà hát Hòa Bình, tất cả những tên tuổi lớn nhất đến Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay thì việc Bob Dylan hay BSB (có thể sắp tới Super Junior) đến đây có thể xem là một tín hiệu đáng quan tâm. Ở một thị trường biểu diễn mà nhiều người đang cho rằng bị bão hòa, làm show là cầm chắc lỗ mà vẫn có những nhà đầu tư mạnh dạn mời nghệ sĩ nổi tiếng đến diễn thì có lẽ họ vẫn có cái lý của mình. Và cái lý ấy có khiến công chúng thay vì ngồi nhà đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé thì phải đợi thời gian trả lời. Và câu trả lời ấy biết đâu cũng trả lời thay cho lý do vì sao thị trường biểu diễn nhạc Việt bấy lâu cứ luẩn quẩn tìm công chúng.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Tôi cho rằng những người trẻ mê nhạc thật sự sẽ biết Bob Dylan là ai và ở tầm cỡ nào. Vừa rồi tôi có thăm dò thì thấy có khá nhiều bạn trẻ mê nhạc Hàn lại không biết ông ấy là ai nhưng cũng có rất nhiều người loay hoay đi tìm vé chương trình của ông. Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Có một người trẻ nói với tôi rằng, Bob Dylan là một con khủng long của làng nhạc và chỉ cần nhìn thấy con khủng long ấy cầm đàn dù đã ở tuổi 70 thì cũng đủ sung sướng cuộc đời rồi. Tôi thích câu nhận xét ấy. Cá nhân tôi cho rằng Bob Dylan là một nhà trí thức hát. Và hãy tin tôi, để đứng trong hàng ngũ trí thức hát nhạc không có nhiều người đâu và cũng cứ hãy tin tôi, chẳng có nhiều tay vĩ đại như thế đến Việt Nam đâu”.


Bài 2: Chờ đến bao giờ? - Từ Bryan Adams đến… Han Hye Jin

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm