28/08/2017 07:10 GMT+7
(lienminhbng.org) - Suốt 1 tuần qua, công luận nóng lên với đề tài bolero, kể từ khi Tùng Dương trả lời trong một bài phỏng vấn và anh cho rằng: “Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi”.
Phát biểu của Tùng Dương chẳng khác gì quả bom tấn phát nổ giữa bầu trời showbiz đang tạm thời bình lặng. Nhất là trong bối cảnh mà những đêm nhạc bolero đã và sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
“Cuộc chiến” bolero ồn ào và sôi nổi đã diễn ra và cuộc chiến nào dù có nhiều thành phần tham dự, nó chủ yếu cũng được chia làm 2 “phe”. Trong cuộc chiến này, phe bolero có những đại diện như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Phương Dung (nhạn trắng Gò Công)… Phe đối trọng ngoài sự lên tiếng của NSND Trung Kiên, các báo dẫn lại phát biểu của Quốc Trung, Lê Minh Sơn trước đây.
Ngoài ra, phe bolero còn có một số nghệ sĩ không phải ở lĩnh vực âm nhạc nhưng yêu thích bolero. Có thể nói đây là một cuộc chiến không cân sức, bởi phe bolero thì quá đông, phe còn lại thì quá ít.
Tùng Dương bị phản ứng dữ dội và bị cộng đồng yêu bolero “ném đá”, điều đó cũng là chuyện bình thường, vì anh đã làm chạm tự ái đến khối công chúng yêu bolero quá đông đảo.
Nếu nhìn chung trên thị trường âm nhạc hiện nay, chúng ta có thể thấy 2 xu hướng chính: ca sĩ hát loại nhạc mà đông đảo khán giả yêu thích và ca sĩ hát loại nhạc khám phá nghệ thuật nhằm góp phần vào sự phát triển âm nhạc.
Tuy nhiên, nghịch lý ở Việt Nam hiện nay là loại nhạc mà đông đảo công chúng yêu thích (không những bolero, mà cả nhạc mới được sáng tác, có bài hát khoảng hơn 1 tuần lễ đưa lên YouTube đã có 10 triệu lượt nghe) lại không được đánh giá là có giá trị về nghệ thuật âm nhạc. Còn loại nhạc khám phá, điển hình như loại nhạc Tùng Dương hát, được nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Nguyên Lê hợp tác và mang đi biểu diễn một số nước trên thế giới lại không có nhiều khán giả thưởng thức.
Bolero là một hiện tượng xã hội, nhưng nếu xét riêng về yếu tố âm nhạc, giới âm nhạc chuyên nghiệp không đánh giá cao bolero, bởi đa số, hát câu trước thì đã đoán được giai điệu của câu sau, hoặc có thể đoán được hướng đi hòa âm của giai điệu.
Mỗi khi có những bàn cãi về bolero, những người theo bolero cho rằng, nhạc bolero có giá trị nó mới thu hút được đông đảo công chúng.
Còn loại nhạc được cho là khám phá nghệ thuật, vì chất lượng kém nên không được công chúng tiếp nhận.
Điều này cũng chỉ đúng một phần, bởi ngay cả nhạc cổ điển, giao hưởng, loại âm nhạc đã được nhiều nước trên thế giới công nhận là “tài sản âm nhạc quý giá của nhân loại” nó cũng không được đông đảo công chúng Việt Nam tiếp nhận.
Hiện nay đông đảo công chúng âm nhạc Việt Nam thích bolero hơn giao hưởng, cũng đừng trách họ, bởi trình độ dân trí âm nhạc của đông đảo công chúng Việt Nam hiện nayđang phù hợp với loại nhạc bolero mà không phù hợp với các thể loại âm nhạc khác.
Tước đi bolero trong đời sống âm nhạc hiện nay là “dã man” với đông đảo công chúng, vì họ sẽ không thưởng thức được loại nhạc gì khác. Đến một ngày nào đó, trình độ dân trí âm nhạc được nâng cao, có lẽ lúc đó bolero chỉ là “hoài niệm” như ca sĩ Tùng Dương nói. Nó chỉ là “hương hoa” để làm phong phú cho đời sống tinh thần chứ không phải “món ăn chính".
Lựa chọn bolero hay giao hưởng, nói chính xác, thì đó là biểu hiện cho trình độ dân trí âm nhạc chung của quốc gia. Nhưng không quan trọng, miễn sao người nghe nhạc cảm thấy hạnh phúc khi thưởng thức một giai điệu âm nhạc là được. Điều quan trọng hơn là các cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục cấp quốc gia và địa phương làm thế nào để giúp đông đảo công chúng lựa chọn một loại âm nhạc “cao cấp” hơn và họ cảm thấy hạnh phúc hơn bolero…
Ca sĩ hát bolero hay hát nhạc khám phá nghệ thuật đều được tôn trọng như nhau, bởi họ đều mang hạnh phúc đến cho đối tượng yêu thích một loại âm nhạc cụ thể. Chỉ có điều, mỗi lần bàn cãi về bolero, lại thấy 2 phe lâm vào “kịch chiến” mà không giải quyết được vấn đề gì. Những lần như vậy, thấy thương cho giới âm nhạc, thương nghệ sĩ và thương cho cả công chúng…
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất