09/06/2021 19:20 GMT+7 | Chuyên gia
(lienminhbng.org) - Dẫu biết EURO là World Cup thu nhỏ nhưng EURO 2020 này sẽ mang đến một bức tranh tổng quát về thái độ của các quốc gia đối với vấn đề chủng tộc trên khắp lục địa.
Tuần trước, sau hơn một năm thi đấu trong những sân vận động không khán giả, đội tuyển Anh cuối cùng đã bước ra sân Riverside ở Middlesbrough trước một đám đông nhỏ, ngồi giãn cách.
Bóng đá và chính trị
Trận đấu khởi động cho EURO 2020 này hầu như không đáng chú ý với giới bóng đá khi Anh thắng Áo 1-0. Thay vào đó, điều đọng lại trong tâm trí là khi các cầu thủ Anh - đội hình xuất phát có sự đa dạng đáng kể với 5 trong số đấy là cầu thủ da màu - quỳ gối trước giờ bóng lăn.
Hình ảnh đấy gợi lại sự kiện vào tháng 5/2020, để phản ứng trước vụ sát hại George Floyd và sự vận động toàn cầu của phong trào Black Lives Matter, các cầu thủ của Premier League đã đồng ý quỳ gối trước các trận đấu và, với một vài trường hợp ngoại lệ, họ tiếp tục làm như vậy. Đó là một tuyên bố ủng hộ các nạn nhân của phân biệt chủng tộc và đòi công bằng chủng tộc, trong bóng đá Anh và rộng hơn là thế giới.
Sau cùng thì thể thao vẫn không tách rời khỏi chính trị và các vấn đề của cuộc sống. Điều này giải thích tại sao trong vòng hơn 1 tháng tới, 24 đội tại EURO 2020 sẽ mang đến một cái nhìn tổng thể về sự đa dạng và nhân khẩu học của châu Âu, trong khi báo chí bóng đá và thái độ của công chúng đối với các đội tuyển khiến vấn đề chính trị của quốc gia và di cư, chủng tộc và sắc tộc, trở nên minh bạch hơn trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Ở đây, Anh là một trong 5 quốc gia - cùng với Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan - có đội hình rất đa dạng, nơi các cầu thủ da màu hiện diện từ rất lâu trong đội tuyển và không phải ngẫu nhiên, đó đều là các cường quốc thuộc địa lớn. Pháp và Bồ Đào Nha có cầu thủ da màu đầu tiên vào những năm 1930, Hà Lan vào những năm 1960. Trận ra mắt đội tuyển Anh của Viv Anderson vào năm 1978 là khởi đầu cho làn sóng lớn các cầu thủ Anh da màu. Tại EURO 2020, từ 1/3 đến một nửa đội bóng của các cường quốc thuộc địa cũ sẽ là những cầu thủ da màu.
Ở tất cả các quốc gia này, thành phần sắc tộc của đội tuyển và thành tích trong các giải đấu lớn, đôi khi là lí do cho việc ủng hộ và chống người di cư, các phiên bản dân sự và sắc tộc của quốc gia. Chẳng hạn như chức vô địch World Cup của Pháp được coi là chiến thắng cho một nước cộng hòa Pháp đa chủng tộc và một sự hắt hủi đối với Mặt trận Quốc gia, với màn ăn mừng ầm ĩ vào năm 1998 nhưng thận trọng hơn vào năm 2018. Tuy nhiên, thất bại của Les Bleus tại World Cup 2010 được coi là một cuộc xung đột sắc tộc nội bộ gay gắt và Liên đoàn bóng đá Pháp đã bị chỉ trích bởi những cáo buộc phân biệt chủng tộc có hệ thống và nỗ lực đưa quota chủng tộc vào các đội trẻ của mình. Với sự gia tăng của cánh cực hữu ở Pháp và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, thật khó để tưởng tượng những câu chuyện tương tự lại diễn ra.
Sự đa dạng của châu Âu
Thế nhưng, so với Anh, phản ứng của thể chế trong bóng đá đối với nạn phân biệt chủng tộc và phong trào BLM ở những nơi khác trên toàn châu Âu thật tệ. Bóng đá Pháp chỉ tổ chức một ngày duy nhất chống lại nạn phân biệt chủng tộc, trong khi các cầu thủ da màu quỳ gối trước sự ngạc nhiên từ các đồng nghiệp da trắng của họ. Chính quyền Bỉ và Hà Lan thậm chí còn thờ ơ hơn. Ở Hà Lan, các cầu thủ, dẫn đầu bởi đội trưởng đội tuyển, Virgil van Dijk, đã tẩy chay chương trình truyền hình nổi tiếng nhất đất nước sau những bình luận phân biệt chủng tộc của người dẫn chương trình vốn là một cựu cầu thủ bóng đá.
Đó là nhóm cầu thủ da màu, còn nhóm đa dạng thứ hai đến từ Scandinavia và các nước nói tiếng Đức. Mặc dù Đức đã mất các thuộc địa châu Phi của mình tại Versailles, Thụy Sĩ và Áo chưa bao giờ có bất kì thuộc địa nào, trong khi các cuộc phiêu lưu của Scandinavia từ rất xa rồi, những đội này có đội hình cũng đa dạng như các cường quốc thuộc địa cũ vì chúng phản ánh một kỉ nguyên mới của cuộc di cư kinh tế toàn cầu và người tị nạn sau chiến tranh lạnh, và một quá trình đồng hóa và thích nghi tương đối thành công. Ví dụ, Đức có những cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kĩ có gia đình đến như là Gastarbeiter vào những năm 1960 và 70, con trai của những người châu Phi gần đây hơn và những cầu thủ có gia đình chạy trốn khỏi cuộc nội chiến Nam Tư. Trong khi đó, Thụy Sĩ có các cầu thủ gốc Kosovo, Croatia, Bosnia và Albania, chưa kể các cầu thủ gốc Cameroon, Chile, Congo và Sudan.
Còn đội tuyển Thụy Điển, với chính sách nhập cư và tị nạn thông thoáng, đội hình của họ đã rất đa dạng trong một thời gian. Chẳng thế mà Martin Dahlin là cầu thủ da màu đầu tiên của Thụy Điển từ năm 1988, trong khi cầu thủ xuất sắc nhất hiện nay của họ, Zlatan Ibrahimovic, là người Bosnia…
Ngược lại, Tây Ban Nha, Scotland và Italy lại rất đơn điệu. Mặc dù Tây Ban Nha có nhiều cầu thủ da màu, sự cân bằng của Basques, Catalan và Tây Ban Nha vẫn cho thấy rõ chủ nghĩa dân tộc. Hay cả Tây Ban Nha và Italy đều không có được một cộng đồng di cư đáng kể từ các đế chế toàn cầu của họ. Thật vậy, cả hai chỉ mới là quốc gia di cư cho đến rất gần đây. Tuy nhiên, những người Brazil có gốc gác Italy hoặc Tây Ban Nha đều dễ dàng bị đồng hóa - chẳng hạn như Thiago Alcantara của Tây Ban Nha hay Jorginho của Italy - còn những cầu thủ da màu từ các cộng đồng di cư mới rất hiếm, thường ít được đón nhận…
Vì thế, giống như trận đấu của đội tuyển Anh tại Middlesbrough, bóng đá châu Âu vẫn là nơi mà sự phân biệt chủng tộc và phản kháng phân biệt chủng tộc diễn ra công khai. Chỉ hi vọng rằng những tiếng vỗ tay sẽ át những tiếng la ó và sự đa dạng của các đội tuyển sẽ là lí do của lễ kỉ niệm quốc gia chung chứ không phải là vật tế thần phân biệt chủng tộc.
An toàn nhờ vaccine Đại dịch Covid-19 đã khiến EURO 2020 bị hoãn lại 1 năm, tuy nhiên, với tình hình sức khỏe trên toàn châu Âu đang có dấu hiệu cải thiện, EURO 2020 cuối cùng cũng sẽ diễn ra vào ngày 11/6 này khi Italy gặp Thổ Nhĩ Kì ở trận đấu khai mạc tại Rome. Điều đáng nói là mặc dù địa điểm tổ chức giờ chỉ còn 11 thành phố thay vì là 12 sau khi Dublin của Ireland rút khỏi danh sách, những Amsterdam, Baku, Bucharest, Budapest, Copenhagen, Glasgow, London, Munich, Rome, Saint-Petersburg và Seville đều bảo đảm lấp đầy từ 25 đến 100% sức chứa của các sân. Nói như Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin thì EURO 2020 sẽ an toàn. Sự an toàn này đến ở việc tỉ lệ lây nhiễm virus corona ở châu Âu đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, trong khi tốc độ tiêm vaccine được các nước đẩy nhanh. Dĩ nhiên, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong ngày một, ngày hai và như vậy, việc người hâm mộ có vé không có nghĩa họ được miễn trừ các quy định phòng dịch, chẳng hạn như có thể phải cách li ngay khi nhập cảnh. Và không phải vô cớ UEFA quyết định cho phép các đội tuyển mở rộng danh sách cầu thủ lên 26 người so với 23 như thường lệ, không vì những lí do chấn thương mà chỉ đơn giản là vì nỗi lo Covid-19 có thể tấn công một đội tuyển nào đó. Giờ thì tất cả chỉ còn chờ tiếng còi khai cuộc vang lên ở Rome. |
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất